Cách Singapore làm để nhân tài không 'rời công, sang tư'

Cách Singapore làm để nhân tài không 'rời công, sang tư'

12/09/2022 | Tác giả: Admin Lượt xem: 278


Singapore rất chú trọng việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài trong nền công vụ cũng như nỗ lực tìm ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" từ khu vực công sang khu vực tư nhân.

Cách Singapore làm để nhân tài không 'rời công, sang tư'

Singapore lâu nay vẫn được coi là hình mẫu để nhiều nước học tập về nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ công chức, với 3 nguyên tắc chi phối triết lý quản trị nhân tài. Một là vai trò quyết định của nhân tài và lãnh đạo cho việc quản trị tốt đất nước. Hai là chế độ nhân tài (quan niệm quyền lực nên được trao cho các cá nhân có khả năng, tài năng và sự thăng tiến trong hệ thống này dựa trên việc kiểm tra chất lượng hoặc xác minh, công nhận các thành tích đạt được trong từng lĩnh vực cụ thể) như nền tảng cho việc lựa chọn, sử dụng, thăng tiến và giữ chân nhân tài. Ba là sử dụng người làm việc có tính liên kết và trung thực.

Ảnh: Singapore Today Online 

Hệ thống quản trị nhân tài chặt chẽ, hiệu quả

Singapore đang triển khai cùng lúc 4 chương trình trọng yếu để quản trị nhân tài cho đất nước, gồm:

- Học bổng tiền công vụ (HBTCV) nhằm thu hút những người trẻ giỏi giang nhất vào phục vụ cho chính phủ. Từ năm 1962, HBTCV được cấp cho những học sinh trung học phổ thông có kết quả học tập xuất sắc, để tuyển dụng những người này trong tương lai cho các chức năng công vụ cao cấp. Hàng năm, có khoảng 2.500 đơn đề nghị cấp học bổng này và trung bình xét duyệt được 60 suất. 

Những người nhận học bổng sẽ được ra nước ngoài học tại các trường đại học danh tiếng, nhưng họ phải cam kết sau khi học trở về phục vụ 4 - 7 năm trong công vụ. Vào công vụ, ban đầu họ tham gia vào Chương trình liên kết quản lý kéo dài 4 năm, sau đó được xét đánh giá nếu đủ điều kiện thì được chuyển vào Công vụ hành chính.

- Chương trình liên kết quản lý (CTLKQL) ra đời từ năm 2002, nhằm thu hút những người tốt nghiệp đại học trong nước vào làm việc cho chính phủ qua tuyển dụng công khai. Người trúng tuyển ban đầu được bố trí làm việc trong một bộ nào đó, rồi được luân chuyển làm việc tại nhiều bộ khác. Trong chương trình có một khóa đào tạo căn bản 3 tháng, bao gồm tham quan các nước ASEAN, nhóm công tác liên bộ, diễn đàn chính sách, hội thảo nước ngoài... Kết thúc chương trình 4 năm, họ sẽ được phỏng vấn xem có đủ điều kiện chuyển tiếp vào Công vụ Hành chính danh tiếng hay không.

- Công vụ Hành chính (CVHC) là chương trình quy tụ bộ phận chất lượng hàng đầu của đội ngũ công chức Singapore. Những người từ HBTCV và CTLKQL được Ban Công vụ bổ nhiệm và được gọi là công chức hành chính. Hiện tại có khoảng 200 công chức hành chính kiểu này đang làm việc trong bộ máy chính phủ, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách quốc gia, tư vấn cho các chính trị gia. Việc đào tạo và phát triển của họ bao gồm cả làm việc trong các công ty tư nhân, được chuẩn bị để sớm đảm nhận công việc lãnh đạo trong sự nghiệp công vụ của mình.

Công chức HC xuất sắc nhất thường đảm nhận đến chức vụ cao nhất là thứ trưởng thường trực của các bộ. Khi 35 - 36 tuổi, họ sẽ được đánh giá về tiềm năng và nếu kết quả cho thấy tiềm năng của họ thấp hơn so với tiềm năng của các thứ trưởng đương chức thì họ sẽ được yêu cầu rời khỏi CVHC. 

Lương của công chức HC cao hơn nhiều so với công chức bình thường. Năm 2008, mức lương hàng năm của một công chức HC bước vào thang lương cao cấp vào khoảng 398.000 đôla Singapore (gần 6,7 tỷ đồng).

- Chương trình tiềm năng cao dành cho công chức đang làm việc, nhằm phát triển năng lực lãnh đạo của họ trên các lĩnh vực quản lý của bộ máy công vụ. Công chức sẽ có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo quan trọng, làm việc trong các nhóm công tác dự án liên cơ quan, được điều động đến làm việc ở nhiều bộ khác, tham gia các diễn đàn về lãnh đạo và quản trị và đảm nhiệm những nhiệm vụ đầy thách thức. Thông thường, công chức phải làm việc ít nhất 2 năm, rồi mới được xem xét đưa vào chương trình này.

Thủ tướng Lý Hiển Long tới dự và phát biểu tại lễ bổ nhiệm và thăng chức cho các công chức Công vụ hành chính của Singapore tháng 4/2022. Ảnh: CNA

Tình trạng công chức "rời công, sang tư"

Tuy nhiên, giống phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, Singapore cũng đang phải chứng kiến tình trạng dịch chuyển mạnh nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân.

Phát biểu trước Quốc hội Singapore ngày 15/2, Bộ trưởng phụ trách Dịch vụ công Chan Chun Sing thừa nhận, hệ thống các cơ quan công vụ của nước này đã chứng kiến "sự gia tăng mức độ tiêu hao trên diện rộng", với tỷ lệ xin nghỉ việc trong chương trình CVHC đã lên tới 9,9% hồi năm ngoái, mức cao nhất trong 10 năm qua. Theo quan chức này, tình hình rõ ràng trở nên nghiêm trọng hơn trong 6 tháng trở lại đây, với một số mảng như công nghệ thông tin gặp "áp lực cạnh tranh gia tăng" khi vấn đề thiếu nhân tài và tỷ lệ xin nghỉ việc cao hơn.

Trả lời chất vấn của nghị sĩ Patrick Tay, lãnh đạo Liên đoàn lao động Singapore, ông Chan giải thích có nhiều yếu tố khác nhau góp phần dẫn đến việc người lao động rời bỏ các lĩnh vực công, bao gồm cả áp lực công việc, lương bổng, cơ hội phát triển và thăng tiến nghề nghiệp.

Đài CNA dẫn lời ông Chan nhấn mạnh: "Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, các nhân viên công quyền đã phải đối mặt với áp lực căng thẳng, làm việc không mệt mỏi để duy trì cuộc chiến chống Covid-19. Nhiều lúc, họ còn phải đối mặt với sự lo lắng, thậm chí đòi hỏi của người dân trong khi thực hiện chức trách liên quan đến phòng chống đại dịch. Việc chuyển sang làm việc từ xa để ngăn ngừa sự lây lan của virus cũng đã làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống".

Bộ trưởng phụ trách Dịch vụ công cũng chỉ ra nguy cơ "chảy máu chất xám" hơn nữa ở khu vực công khi nền kinh tế phục hồi và các lĩnh vực tư nhân chào mời nhiều việc làm hấp dẫn hơn.

Theo các chuyên gia, mặc dù Singapore có chế độ đãi ngộ tốt đối với công chức nhưng khu vực tư nhân lại có lợi thế về khả năng chi trả lương, thưởng cao hơn, môi trường làm việc ít bó buộc hơn, cơ hội làm giàu và thăng tiến nhanh hơn đối với những cá nhân tài năng.

Phương hướng giải quyết

Để giải quyết vấn đề trên, ông Chan cam kết, Dịch vụ công sẽ tiếp tục giúp các công chức gắn công việc và những đóng góp của họ với mục đích cốt lõi là phục vụ đất nước và người dân Singapore. Nhà chức trách cũng sẽ tăng cường nỗ lực hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần của các công chức, ví dụ như thông qua các hội thảo trực tuyến thường xuyên và đường dây nóng trợ giúp, tư vấn.

Theo bộ trưởng, tiền lương và phúc lợi của các công chức sẽ được xem xét và điều chỉnh “khi cần thiết” để theo kịp thị trường.

Về việc thu hút các tài năng công nghệ thông tin làm việc cho bộ máy công vụ, ông Chan chia sẻ, Chính phủ đang triển khai theo 3 cách. Thứ nhất là đưa ra các dự án có ý nghĩa, đáp ứng được kỳ vọng của những người được tuyển dụng cùng mức "thu nhập hậu hĩnh và cạnh tranh”.

Thứ hai, các công chức đang được hỗ trợ nâng cao trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin để thêm nhiều người trong số họ có thể đảm nhận các yêu cầu công nghệ thông tin ngày càng cao, cần thiết trong khu vực công. 

Thứ ba, Dịch vụ công đang “hợp lý hóa” các yêu cầu về nhân lực công nghệ thông tin. Ví dụ, họ sẽ tập hợp các dự án có tính chất tương tự bất cứ nơi nào có thể để tiết kiệm chi phí và giảm nhu cầu về nhân lực đặc thù.

“Thông qua các chiến lược đa hướng khác nhau này, chúng tôi hy vọng sẽ có sự sắp xếp toàn diện để đáp ứng nhu cầu công nghệ thông tin cho Dịch vụ công của Singapore trong tương lai", ông Chan bày tỏ.

Theo báo VietNamnet

https://vietnamnet.vn/cach-singapore-lam-de-nhan-tai-khong-roi-cong-sang-tu-2055423.html


Chia sẻ trên

12/09/2022 | Tác giả: Minh Nhật

Tê chân, đi lại ê buốt có thể là triệu chứng của khối u thần kinh

Cách đây khoảng 10 năm, người bệnh phát hiện ở khoeo chân phải có một khối cộm dưới da kích thước chỉ bằng đầu ngón tay.

12/09/2022 | Tác giả: Quốc Khánh

Tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ

Chủ tịch vùng USASIA PACIFIC và các đại diện của doanh nghiệp Hoa Kỳ vừa có chuyến khảo sát, tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

09/09/2022 | Tác giả: Hà Thu

Cẩn trọng với các “thầy lang online”

Thuốc Đông y được gắn mác “gia truyền” đang chào bán tràn lan trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube... Theo cảnh báo của ngành y tế, đã có nhiều bệnh nhân bị nhiễm độc nặng do dùng thuốc Đông y tùy tiện. Do đó người tiêu dùng cần cảnh giác về thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để tránh "tiền mất tật mang".

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...