Cần Thơ triển khai quy định về quản lý, phát triển mã số vùng trồng
13/08/2022 | Tác giả: Thu Hiền Lượt xem: 470
Sáng 12/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai quy định về quản lý, phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu; một số văn bản liên quan đến quản lý mã số vùng trồng - cơ sở đóng gói và Nghị định thư về sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, hướng dẫn đăng ký thủ tục cấp mã số cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng... cho đại diện các xã, quận, huyện và các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn thành phố.
Thành phố Cần Thơ hiện có gần 24.000 ha diện tích cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả ngày càng mở rộng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích trên 10.000 ha, sản lượng trên 100.000 tấn/năm như: nhãn, mận, vú sữa,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn kết tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh.
Hiện địa phương có trên 477 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, có 16 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong năm 2022, ngành chức năng đã cấp và cấp lại 17 mã số cho 10 vùng trồng với tổng diện tích 150 ha.
Lũy kế đến nay, Cần Thơ đang quản lý 46 mã số với 37 vùng trồng với tổng diện tích 602 ha trên các loại cây trồng như: nhãn, vú sữa, xoài,... xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Trung Quốc, EU. Tổng diện tích bao tiêu trong mã vùng trồng là 592 ha với 284 hộ. Cần Thơ đã cấp 7 mã số cho 5 cơ sở đóng gói.
Hiện các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đưa ra yêu cầu về mã vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với nông sản nhập khẩu. Mã số vùng trồng cấp theo định kỳ có thời hạn tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Mỗi nước nhập khẩu có quy định khác nhau đối với từng sản phẩm, sản phẩm giống nhau nhưng quy định mỗi thị trường khác nhau.
Thời gian qua, thị trường nhập khẩu nông sản của Cần Thơ chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Mặc dù, những năm trước, Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu dễ tính nhưng hiện nay đã khác. Từ năm 2018, Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Vấn đề đặt ra hiện nay, để xuất khẩu được nông sản phải đáp ứng được các yêu cầu: nông sản phải có mã vùng trồng, chất lượng được chứng nhận mà mỗi thị trường có tiêu chuẩn khác nhau, sản lượng phải đủ lớn. Tuy nhiên, bài toán sản lượng là vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ khi diện tích liên kết sản xuất hiện nay còn rất khiêm tốn.
Theo bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hiện vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý mã số vùng trồng ở Cần Thơ.
Diện tích trồng cây ăn quả manh mún, trung bình từ 0,5 - 0,8 ha/hộ, trong khi theo quy định cấp mã vùng trồng diện tích cây ăn quả tối thiểu 10 ha, nên ảnh hưởng đến việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, quy trình áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.
Phần lớn nông dân còn canh tác theo tập quán cũ chưa ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến; việc mua bán sản phẩm thường do sự chủ động giữa nông dân và thương lái, không qua tổ chức đại diện dẫn đến khó khăn trong kiểm soát lượng hàng hóa...
Trước những bất cập còn tồn tại trong quản lý mã số vùng trồng cùng với việc các nước nhập khẩu đều có hướng siết chặt quản lý mã vùng trồng, nâng cao quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, bà Kim Thúy lưu ý, đại diện các hợp tác xã phải phổ biến cho các thành viên. Muốn xuất khẩu được nông sản phải trồng đúng theo tiêu chuẩn quy định của nước nhập khẩu; trong đó có mã số vùng trồng.
Để thực hiện tốt việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong thời gian tới, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng đã được cấp tại các quận, huyện và rà soát đề nghị cấp mã số mới tại địa phương.
Ngành chức năng tiếp tục tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, đặc biệt lưu ý một số hoạt chất cảnh báo của các thị trường xuất khẩu, bao trái và chọn loại bao trái phù hợp nhằm giảm tác hại của ruồi đục quả.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì vùng nguyên liệu xuất khẩu hiện có, mở rộng các vùng trồng trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ và các hộ dân về việc tuân thủ các biện pháp quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật...
Ông Trần Thái Nghiêm cũng lưu ý, các hợp tác xã nên chủ động đăng ký cấp mã số vùng trồng cho nông sản thay vì đợi chờ doanh nghiệp được cấp mã số. Hợp tác xã muốn đăng ký cấp mã số vùng trồng nên đăng ký trước khi cây ra quả vì thời gian cấp mã số kéo dài (phụ thuộc vào nước nhập khẩu).
Theo Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/can-tho-trien-khai-quy-dinh-ve-quan-ly-phat-trien-ma-so-vung-trong-20220812121438860.htm