Khởi sắc thị trường lao động
13/08/2022 | Tác giả: Tú Anh Lượt xem: 312
Nhờ tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong điều kiện bình thường mới song song với thích ứng an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội đã ghi nhận những kết quả tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động, với trên 137.300 lao động tìm được việc làm.
Là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ở lĩnh vực lao động, việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XH) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được sở, các quận, huyện, thị xã, cơ quan chức năng quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, trong đó chỉ tiêu giải quyết việc làm đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021 và gần hoàn thành kế hoạch giao trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, để hỗ trợ tạo việc làm, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Mê Linh, Gia Lâm và quận Long Biên; qua đó các doanh nghiệp không mất nhiều thời gian để tìm kiếm nhân lực, trong khi người lao động có thêm cơ hội việc làm.
Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thực hiện chế độ Bảo hiểm thất nghiệp, thông qua số điện thoại, email, Zalo để gửi thông tin về các Phiên Giao dịch việc làm đến người lao động nhằm giúp họ sớm tìm kiếm việc làm và quay trở lại thị trường lao động.
“Người lao động hiện nay được được kết nối việc làm qua nhiều hình thức: Tin nhắn, kết nối online, trang thông tin điện tử, các Phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng ngày và Phiên giao dịch việc làm lưu động. Thành phố Hà Nội cũng đã bổ sung nguồn vay vốn giải quyết việc làm của năm 2022 là hơn 1.000 tỷ đồng để giúp người tạo việc làm”, ông Khánh thông tin.
Nhờ những biện pháp cụ thể trên cùng hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường lao động khác, nên kết quả, trong tháng 7/2022, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 18.473 lao động; tăng 4.827 lao động được tạo việc làm, tăng 35,4% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 220,7 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 4,4 nghìn lao động; 1.931 người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 12.087 người lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác. Tính chung, 7 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 137.326/160.000 lao động, đạt 85,8% kế hoạch năm, tăng 25.815 lao động, tăng 23,2% so với 7 tháng đầu năm 2021.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm với 633 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 10.421 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 4.910 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.931 lao động. Cũng trong tháng 7, Thành phố đã tiếp nhận 7.177 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.689 người, với số tiền được hỗ trợ là 145,3 tỷ đồng. Tư vấn giới thiệu việc làm cho 7.177 người; hỗ trợ học nghề cho 101 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 442,8 triệu đồng. 7 tháng đầu năm, tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 35.476 người, kinh phí hỗ trợ là 932,7 tỷ đồng.
Phát huy kết quả nói trên, trong những tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động như: Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.
Đồng thời, Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ chủ sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Tiếp tục triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện Hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ chủ sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động v.v…
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ đề nghị UBND Thành phố bổ sung nguồn vốn từ ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; tiếp tục xét duyệt cho vay vốn; thu thập thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động song song với đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.../.
Theo báo Lao động thủ đô
https://laodongthudo.vn/khoi-sac-thi-truong-lao-dong-144120-144120.html