Cảnh báo lừa đảo các giải chạy, trại hè cho thiếu nhi
06/06/2024 | Tác giả: Lương Hạnh Lượt xem: 173
Các đối tượng lừa đảo lợi dụng học sinh trên khắp cả nước đang bước vào kỳ nghỉ hè, dẫn dụ các phụ huynh vào các trò lừa đảo trên mạng.
Mất 5 triệu đồng để con được hoạt động hè
Trao đổi với Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Thu (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) không giấu nổi bất bình khi đăng ký tham gia trại hè cho con trên một fanpage giả mạo. Đầu tháng 4.2024, chị Thu tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook và tham gia vào một nhóm có tên “Trại hè quân đội trẻ gần Hà Nội”. Nhóm này sử dụng hình ảnh mạo danh công an, quân đội, nhân viên ngành hàng không để mời gọi phụ huynh và học sinh.
Cùng với đó, các đối tượng quảng cáo, tư vấn: “Phụ huynh liên hệ cho con em tham gia trại hè 2024 để có trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp và nhận khuyến mãi hấp dẫn”. Sau khi chị Thu gọi điện theo số điện thoại được đăng trên trang fanpage, chúng gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dụ nạn nhân trao đổi qua Zalo của “chuyên viên”.
“Yêu cầu để tham gia hoạt động rất khắt khe, con tôi không đủ cân nặng nên tôi đã phải nhờ chúng ưu tiên. Ban đầu chúng không đồng ý, sau đó mới tạo điều kiện cho hai vợ chồng tôi cùng đi với con vì có một học sinh đột xuất không tham gia nữa, nên tôi càng thêm tin tưởng” - chị Thu nói.
Sau đó, chị Thu được tư vấn học viên đăng ký miễn phí, bao ăn, ở. Thay vào đó, học viên tham gia phải tập đặt thử vé máy bay trực tuyến và sẽ được hoàn lại tiền hoặc đặt cọc trước từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng để đăng ký. Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là của cơ quan Nhà nước, chị Thu đã chuyển 5 triệu đồng để đăng ký cho con em mình tham gia.
"Chuyển tiền xong khoảng 30 phút, chúng đột ngột xóa mọi tin nhắn và chặn liên lạc của tôi, lúc đó tôi mới biết mình đã bị lừa. Hiện tại, gia đình cũng chưa báo cáo đến cơ quan công an" - chị Thu giãi bày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài hình thức lừa đảo bằng khóa trại hè cho học sinh, các đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý "gắn kết gia đình" bằng các hoạt động như giải chạy marathon. Đối tượng yêu cầu "con mồi" gửi các thông tin cá nhân của con và tải ứng dụng Telegram để liên lạc. Chúng đưa phụ huynh vào một nhóm kín tại Telegram, trong đó có nhiều thành viên tự xưng là phụ huynh học sinh có con tham gia giải chạy.
Sau đó, đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện nhiệm vụ, bằng cách chụp màn hình các sản phẩm và chuyển khoản số tiền tương ứng. Nếu thực hiện được nhiệm vụ, ban tổ chức trả lại tiền gốc và hoa hồng. Khi hoàn thành mới cho các thí sinh vào vòng xét duyệt chính thức để tham gia giải chạy.
Lừa đảo, đánh vào niềm tin gắn kết gia đình
Ngày 30.5, Công an tỉnh Hà Nam có cảnh báo tới người dân về thủ đoạn mạo danh các giải chạy cho thiếu nhi trong dịp hè để lừa đảo. Theo cơ quan công an, trong dịp nghỉ hè của trẻ em, đa số bậc phụ huynh mong muốn trẻ em có một sân chơi lành mạnh, bổ ích để phát triển thể chất và tinh thần bằng các hình thức hoạt động ngoại khóa, trong đó có các giải chạy.
Đánh vào tâm lý trên, các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng trăm các fanpage giả mạo giải chạy, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nhằm lôi kéo người dân tham gia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi người dân liên hệ, đối tượng sẽ hướng dẫn vào các nhóm Telegram, Zalo. Để đăng ký tham gia các giải chạy, đối tượng yêu cầu người dân thực hiện các nhiệm vụ như chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để mua giày thể thao, băng đầu gối… và cam kết hoàn lại tiền.
Sau khi thực hiện xong các nhiệm vụ ban đầu, đối tượng tiếp tục yêu cầu người dân tham gia vào các hội, nhóm chat để xét duyệt hồ sơ chính thức và tiếp tục dụ dỗ mua các bộ sản phẩm có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi người dân muốn rút lại tiền, đối tượng liên tục lấy lý do người dân thực hiện sai cú pháp, sai lệnh, rồi tiếp tục dụ dỗ, ép buộc bị hại phải nộp thêm số tiền lớn hơn.
Để phòng, chống thủ đoạn của tội phạm nêu trên, cơ quan công an đề nghị nhân dân nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ các thông tin quảng cáo của các Fanpage trên mạng xã hội. Liên hệ trực tiếp với các đơn vị tổ chức, yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh. Không tham gia các hội, nhóm Zalo, Telegram để thực hiện nhiệm vụ; không chuyển tiền cho đối tượng. Khi nghi ngờ các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân nên đến cơ quan công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
Theo Báo lao động
https://laodong.vn/xa-hoi/canh-bao-lua-dao-cac-giai-chay-trai-he-cho-thieu-nhi-1349344.ldo
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn