Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh bác sĩ Quân đội để lừa đảo

Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh bác sĩ Quân đội để lừa đảo

22/10/2023 | Tác giả: CHIẾN VĂN Lượt xem: 311


Công an huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Viết Trung (28 tuổi, trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và 5 đối tượng khác về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can được xác định đã giả danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 và Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, Học viện Quân y để lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng cho hơn 7.000 người bệnh, chiếm đoạt số tiền gần 50 tỷ đồng.

Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh bác sĩ Quân đội để lừa đảo

Nhiều thủ đoạn lừa người bệnh

Trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi được biết, những năm gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện những trang mạo danh Bệnh viện để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi của người bệnh với phương thức ngày càng trắng trợn, ngang nhiên. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là lập hàng loạt trang fanpage mạo danh Bệnh viện để chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng.

Thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng “nâng cấp” liên tục, từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu lầm, như: “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108", “Bệnh viện Quân đội 108”... đến sao chép, đăng tải trái phép các bài viết, logo, slogan trên fanpage chính thức của Bệnh viện TƯQĐ 108. Một số đối tượng còn kỳ công cắt ghép hình ảnh, video về Bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng chính thống, sau đó lồng tiếng quảng cáo sản phẩm để tạo uy tín nhằm dễ lừa đảo.

 Trang fanpage giả mạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được các đối tượng sử dụng. Ảnh: MAI HẰNG

Trên những trang giả mạo, các đối tượng đăng bài viết, tập trung vào chủ đề nhiều người quan tâm, như: “Điều trị dứt điểm tiểu đường không tái phát chỉ với 1 liệu trình”; “thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp được kiểm nghiệm bởi Viện 108”; “bác sĩ hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ trực tiếp thực hiện”... Với lời quảng cáo hấp dẫn đó, nhiều người đã tò mò đăng ký mua thuốc và bị bán cho các loại thuốc “rởm”, kém chất lượng với giá... trên trời!

Cùng với việc sử dụng các trang mạng xã hội mạo danh, nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà bệnh nhân để dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện. Cá biệt, có đối tượng ngang nhiên lập một nhóm người giả danh đoàn công tác Bệnh viện TƯQĐ 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh.

Thời gian qua, BVQY 103 cũng bị một số đối tượng mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo như trên. Theo lãnh đạo BVQY 103, không chỉ mạo danh Bệnh viện và các khoa, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh bác sĩ của BVQY 103 để tăng độ tin cậy với người dân, đăng bài khẳng định mời được thầy thuốc BVQY 103 đến cơ sở của họ để khám cho người bệnh hoặc tự giới thiệu mình là bác sĩ, điều dưỡng của khoa mà bệnh nhân vừa ra viện để chào mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà... Có đối tượng còn làm giả giấy mời của Bệnh viện, mạo danh bác sĩ BVQY 103, sau đó tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch để lừa bán thuốc, thực phẩm chức năng...

Quyết liệt xử lý đi đôi với cảnh giác phòng ngừa

Qua công tác nắm thông tin, đầu tháng 10-2023, Công an huyện Tiên Du cùng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Ninh) đã lập chuyên án điều tra nhóm người sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi thu thập thông tin, chứng cứ, Công an huyện Tiên Du đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Viết Trung và 5 bị can khác về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ tháng 5-2022, Phạm Viết Trung thuê một tầng căn hộ tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm văn phòng. Sau đó, đối tượng thuê nhiều thanh niên giả danh là bác sĩ của BVQY 103, Bệnh viện TƯQĐ 108 để lừa bán thuốc, thực phẩm chức năng qua mạng xã hội cho người bệnh.

Nhận thấy hành vi lừa đảo này khá hiệu quả, đầu tháng 10-2022, Trung đã đăng ký thành lập Công ty Cổ phần dược phẩm SPARTA, đặt trụ sở tại Thanh Trì (Hà Nội) do Trung làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc và trực tiếp quản lý, điều hành. Để hoạt động lừa đảo dễ dàng hơn, Phạm Viết Trung chia nhân sự thành nhiều đội kinh doanh phụ trách các fanpage facebook giả mạo, như: "Bệnh viện Quân đội 108-Chuyên khoa nội tiết", "Bệnh viện Quân y 103"...

Nhằm tạo dựng lòng tin từ người bệnh, Trung chỉ đạo các nhóm tích cực đăng tải hình ảnh, bài viết, nội dung liên quan đến Bệnh viện TƯQĐ 108 và BVQY 103 lên các trang fanpage. Vì vậy, nhiều người dân lầm tưởng đây là fanpage của Bệnh viện nên để lại thông tin, số điện thoại mong được hỗ trợ. Từ các số điện thoại này, nhân viên của Trung đã gọi điện, giả danh bác sĩ của hai bệnh viện trên để tư vấn, chào mời mua các liệu trình thuốc, thực phẩm chức năng, chủ yếu là thuốc điều trị tiểu đường, huyết áp. Nhóm đối tượng này còn lừa gạt số thuốc, thực phẩm chức năng chúng bán là "hàng độc quyền" để bán với giá cao hơn nhiều so với bình thường.

Với các thủ đoạn như vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, từ tháng 6-2022 đến nay, Phạm Viết Trung và các bị can khác đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 người.

Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý triệt để các đối tượng lừa đảo. Trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý, để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, dẫn đến “tiền mất, tật mang”, người dân cần hết sức cảnh giác, thận trọng, không tin vào các trang quảng cáo thiếu tin cậy trên mạng xã hội hoặc các cuộc điện thoại mời chào của người lạ. Khi có nhu cầu khám, tư vấn sức khỏe hoặc mua thuốc, cần đến trực tiếp các cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để được phục vụ, không nên qua “trung gian” hoặc nghe theo lời của các đối tượng “cò” bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện TƯQĐ 108 và BVQY 103 đều khẳng định: Bệnh viện không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online); chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện cũng chưa triển khai dịch vụ khám, điều trị tại nhà, vì vậy, mọi lời giới thiệu, mời chào dịch vụ khác với quy định của Bệnh viện đều là giả mạo, lừa đảo.

Theo báo Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/canh-giac-voi-thu-doan-mao-danh-bac-si-quan-doi-de-lua-dao-748127


Chia sẻ trên

21/10/2023 | Tác giả: Vân Sơn

Ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng SE19/SE20

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và gia tăng các tiện ích phục vụ hành khách, sau 3 tháng nâng cấp, cải tạo, ngày 20/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chạy đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng SE19/SE20.

22/10/2023 | Tác giả: Thi Hà

Trung Quốc tiêu thụ nông sản Việt cao kỷ lục

Không chỉ chuộng gạo, hạt điều, cà phê, 9 tháng, Trung Quốc đã chi gần 3 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, nâng tổng kim ngạch nhập nông sản Việt lên kỷ lục 6,2 tỷ USD.

21/10/2023 | Tác giả: Huyền Trang

Nguy cơ HTX phá sản vì 'bỗng dưng' bị truy thu hàng trăm triệu tiền thuê đất

Bị truy thu tiền thuê đất lên đến hàng trăm triệu đồng khiến một số HTX rơi vào cảnh khó khăn vì nợ nần, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì vượt quá khả năng tài chính của mô hình kinh tế tập thể...

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...