Nguy cơ HTX phá sản vì 'bỗng dưng' bị truy thu hàng trăm triệu tiền thuê đất
21/10/2023 | Tác giả: Huyền Trang Lượt xem: 213
Bị truy thu tiền thuê đất lên đến hàng trăm triệu đồng khiến một số HTX rơi vào cảnh khó khăn vì nợ nần, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì vượt quá khả năng tài chính của mô hình kinh tế tập thể...
Ông Đặng Đình Bình, Giám đốc HTX cơ khí Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, theo quy định, HTX thuộc đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất đến hết năm 2019 nhưng không hiểu sao HTX lại bị truy thu tiền thuê đất với con số hơn 300 triệu đồng.
Bất ngờ vì "món nợ" hàng trăm triệu đồng
Tương tự, ông Võ Thanh Khải, Chủ tịch HĐQT HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Nghĩa Chánh (Quảng Ngãi) thông tin, HTX đã nhận được thông báo truy thu tiền thuê đất trên diện tích 2.850m2 và 1.527m2 với khung giá phải nộp thấp nhất là 15.000 đồng/m2/năm và cao nhất là 59.125 đồng/m2/năm (nộp cho hai giai đoạn từ 2012-2014 và từ 2015-2016). Ngoài ra, HTX còn nhận thông báo truy thu tiền thuê mặt nước lên đến hơn 643 triệu đồng.
Theo đại diện các HTX, trước tình trạng trên, HTX đã nhiều lần kiến nghị, làm việc trực tiếp với cơ quan thuế tại địa phương nhưng đều chưa có cách giải quyết thỏa đáng. Cơ quan thuế đưa ra các hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định pháp luật để bác bỏ các kiến nghị của HTX và buộc HTX phải nộp truy thu tiền thuê đất.
Trong khi theo quy định, trước năm 2013, HTX nông nghiệp được giao đất phục vụ sản xuất không thu tiền sử dụng đất. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, HTX nông nghiệp đang được Nhà nước giao đất không thu tiền phải chuyển sang thuê đất.
Và theo điểm g khoản 1, Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì “HTX nông nghiệp được thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở HTX, sân phơi, nhà kho, các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc đối tượng được miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê”.
Để được hưởng ưu đãi, HTX nông nghiệp phải nộp đủ hồ sơ hợp lệ về hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đến cơ quan thuế trước ngày 1/7/2017 (theo quy định tại khoản 5, Điều 12 Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014; được sửa đổi tại khoản 2, Điều 5 Thông tư số 333/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước).
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều HTX nông nghiệp không được hưởng chính sách này. Đây là điều thiệt thòi đối với khu vực kinh tế tập thể nói chung, các HTX nông nghiệp nói riêng. Thậm chí, nhiều HTX còn bị truy thu số tiền thuê đất những năm gần đây tăng gấp nhiều lần với lý do giá đất điều chỉnh của tỉnh, thành phố tại nơi HTX thuê đất thực hiện quy định 5 năm điều chỉnh một lần (theo Luật Đất đai). Điều đó càng tạo thêm gánh nặng cho các HTX vì thông thường, giá đất đều điều chỉnh theo hướng tăng chứ ít khi giảm.
Theo khảo sát “Chỉ số hài lòng cấp tỉnh của HTX năm 2022” do Uỷ ban Kiểm tra của Liên minh HTX Việt Nam thực hiện trên quy mô toàn quốc, với câu hỏi liên quan tới lĩnh vực đất đai: “Thực hiện chính sách ưu đãi liên quan đến giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX theo quy định của pháp luật về đất đai” cho thấy tỷ lệ không hài lòng cao nhất trong 26 câu hỏi (trên 13% HTX được hỏi không hài lòng với cấp ủy, chính quyền địa phương). Điều này đã chứng minh vẫn còn đó những HTX đang gặp khó khăn trong thuê đất, nhất là thực hiện miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng trên thực tế đến năm 2019, các HTX mới được UBND các cấp chuyển sang ký hợp đồng cho thuê đất. Vì vậy, theo quy định, HTX nông nghiệp không thể thực hiện làm hồ sơ xin miễn, giảm tiền thuê đất hợp lệ để nộp trước thời điểm ngày 1/7/2017 để gửi cơ quan thuế địa phương, dẫn đến cơ quan thuế địa phương liên tục thông báo truy thu tiền thuê đất đối với HTX thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất.
Đồng thời, việc chậm chuyển sang hợp đồng thuê đất còn do một số nguyên nhân khách quan. Cụ thể như từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, hầu như các HTX nông nghiệp chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cụ thể thủ tục chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất theo quy định.
Cần xem xét tháo gỡ khó khăn cho HTX
Ông Võ Thanh Khải cho biết, hàng năm, HTX không nhận được bất cứ một văn bản, thông báo nào từ cơ quan thuế về thay đổi đơn giá thuê đất nên HTX không thể có kế hoạch thay đổi phương án sản xuất kinh doanh phù hợp để có đủ điều kiện tài chính nhằm chi trả tiền thuê đất cho cơ quan thuế và phân phối lợi nhuận cho thành viên.
Bên cạnh đó, hoạt động của các HTX nhằm phục vụ cộng đồng thành viên, vì lợi ích thành viên và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. HTX không có nguồn lực tài chính dôi dư để nộp truy thu tiền thuê đất theo thông báo của cơ quan thuế (nhiều HTX bị phạt rất lớn do chậm nộp) gây rất nhiều khó khăn cho các HTX.
Đại diện các HTX cho rằng, hàng năm, HTX đều thực hiện việc quyết toán, phân phối thu nhập cho thành viên sau khi đã trừ hết các khoản chi phí như trả công lao động, khấu hao tài sản, thuế… nên khi bị truy thu tiền thuê đất lên đến hàng trăm triệu đồng, HTX không có khoản tiền nào và cũng không đủ khả năng để nộp cho cơ quan thuế. Nếu buộc phải nộp số tiền truy thu tiền thuê đất này sẽ dẫn đến sự phá sản của không ít HTX và cũng ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều thành viên.
Điều quan trọng là vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, nhưng dường như chưa nhận được sự quan tâm thấu đáo của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Và Liên minh HTX Việt Nam cũng đã nhiều lần có các văn bản kiến nghị với ngành thuế nhưng đều chưa được nhận được phúc đáp nhằm tháo gỡ khó khăn một cách thấu đáo cho các HTX.
TS Phạm Trí Hùng, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề truy thu tiền thuê đất hiện nay đang xảy ra bất cập. Theo đó, giá đất có thời gian ổn định 5 năm, sau 5 năm phải tính lại tiền thuê đất. Vì vậy, theo quy định thì trước khi hết hợp đồng thuê đất, đơn vị thuê đất phải đến cơ quan nhà nước để ký hợp đồng thuê đất. Còn nhiệm vụ của Sở TN&MT là thông báo cho đơn vị thuê trước thời gian hết hợp đồng 3 tháng. Nhưng tại các địa phương, cơ quan nhà nước lại thường không thông báo cho đơn vị thuê đất. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng các HTX bỗng dưng bị truy thu tiền thuê đất và không kịp bổ sung điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, cũng như không thể đóng tiền thuê đất kịp thời. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình tái đầu tư sản xuất kinh doanh của các HTX.
Bởi thực chất HTX thuê đất làm hạ tầng nên diện tích không hề nhỏ, nếu truy thu hàng trăm triệu thì HTX rất khó trả. Trong khi HTX thì tập trung lo sản xuất kinh doanh, có thể có những chính sách ngoài tầm với, thay đổi liên tục nên HTX chưa chắc đã nắm bắt kịp. Nếu thực hiện truy thu tiền thuê đất như vậy thì không khác gì đẩy rủi ro về phía HTX, làm khó cho các HTX đang phải đi thuê đất.
Do đó, ngành thuế cần xem xét để miễn tiền truy thu tiền thuê đất của những năm trước cho các HTX nằm trong diện miễn để bảo đảm sự sống còn của HTX. Đồng thời, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật về đất đai đến HTX một cách hiệu quả, góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho HTX cũng như tránh xảy ra sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và HTX để hạn chế bất cập.
Theo Tạp chí điện tử Kinh Doanh
https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/nguy-co-htx-pha-san-vi-apos-bong-dung-apos-bi-truy-thu-hang-tram-trieu-tien-thue-dat-1096013.html