Chiến lược 'xanh hóa' ngành thủy sản, hướng đến xuất khẩu bền vững

Chiến lược 'xanh hóa' ngành thủy sản, hướng đến xuất khẩu bền vững

30/11/2022 | Tác giả: Nguyễn Thủy Lượt xem: 387


Bộ NN-PTNT đang nỗ lực quy hoạch ngành thủy sản theo hướng phát triển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Chiến lược 'xanh hóa' ngành thủy sản, hướng đến xuất khẩu bền vững
70% nguyên liệu đưa vào chế biến để xuất khẩu từ sản phẩm nuôi trồng.

Nuôi thả xanh, giảm khai thác

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2045 phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đang nỗ lực quy hoạch ngành thủy sản theo hướng phát triển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dự báo đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030.

“Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Xu hướng cho ngành thuỷ sản chính là xu hướng sản phẩm xanh và Việt Nam đang đi theo lộ trình như vậy. Do đó, những hoạt động thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp đều hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường”, Tổng thư ký VASEP nhận định.

Trong Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ngày 29/7/2022 nhấn mạnh, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng; phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học...

Đặc biệt, phấu đấu đến năm 2030, tỷ trọng nuôi trồng sẽ đạt 7 triệu tấn trong số 10 triệu tấn tổng cộng thủy sản của Việt Nam. “Chúng tôi tự hào rằng, 70% nguyên liệu đưa vào chế biến để xuất khẩu chính là từ sản phẩm nuôi trồng, trong đó, mặt hàng lớn nhất là tôm và cá tra. Điều đó cho thấy, xu hướng kinh tế xanh là xu hướng tất yếu”, ông Hòe cho biết thêm.

Hiện nay, các tỉnh ven biển đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng "xanh hóa", giảm lượng khai thác để bảo tồn, đồng thời tăng nuôi thả để tăng cường nguồn lợi thủy sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn ngành đã được Chính phủ giao.

Đơn cử như tại tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện Hòn Đất, tổng diện tích vùng dự án khoảng 5.500ha, thực hiện trong 3 năm (từ 2023-2026) với tổng mức đầu tư dự án lên tới 624 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn ngân sách tỉnh đối ứng.

Tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản giá trị cao với mô hình tôm rừng kết hợp. “Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Hiện Cà Mau đang có trên 27.500ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, trong đó có hơn 19.000ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…). Hiện nay, sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao”, Tổng thư ký VASEP cho hay.

Quy hoạch phát triển xanh

Mục tiêu cốt lõi của việc chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản là mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững; quản lý hiệu quả tất cả nghề cá; nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản. 

Do đó, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, trong 10 năm tới, mục tiêu của nuôi trồng thủy sản phải mở rộng bền vững để đáp ứng khoảng cách về nhu cầu thức ăn thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là ở các vùng thiếu lương thực, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập và việc làm mới.

Điều này đòi hỏi phải cập nhật quản lý việc nuôi trồng thủy sản bằng cách thúc đẩy cải thiện quy hoạch, khung pháp lý và thể chế và chính sách. 

Theo Tổng thư ký VASEP, sản phẩm thủy sản xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa đa dạng, đa phần là các sản phẩm thô, tự nhiên như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra đông lạnh, các sản phẩm hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp nên gặp các áp lực lớn trên từng thị trường khác nhau. Mặt khác, công nghệ và kỹ thuật chế biến của Việt Nam cũng không có sự khác biệt quá lớn giữa các doanh nghiệp trong ngành nên áp lực cạnh tranh lớn.

Vì vậy, nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn… về môi trường; cũng như đứng trước áp lực cạnh tranh; áp lực chính sách, áp lực thị trường, đòi hỏi sự nhạy cảm của các nhà quản lý doanh nghiệp về vấn đề môi trường trong chuyển dịch chiến lược theo hướng xanh, qua đó giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo dựng niềm tin với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững hơn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thủy sản có hướng phát triển xanh bền vững, ông Hoè cho rằng, các cơ quan ban ngành cần tổ chức các chương trình đào tạo, các khóa học, tập trung vào các vấn đề sinh thái và đưa ra các tình huống thực tế tiêu biểu thành công trong xuất khẩu khi theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh.

Đồng thời, cập nhật và phổ biến thông tin về các quy định, tiêu chuẩn, thực tiễn cạnh tranh gắn với yếu tố xanh, sinh thái trong xuất khẩu thủy sản trên từng thị trường cụ thể cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản quy mô nhỏ.

Đặc biệt cần có các ưu đãi như giảm thuế liên quan đến xuất khẩu sản phẩm xanh để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng chiến lược xuất khẩu xanh; hay các giải thưởng/chứng chỉ xanh (như doanh nghiệp xuất khẩu xanh của năm) cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản có những thành tựu liên quan tới xuất khẩu sinh thái cũng nên được triển khai để khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản tích cực hơn nữa với chiến lược xuất khẩu xanh.

Theo nongnghiep

https://nongnghiep.vn/chien-luoc-xanh-hoa-nganh-thuy-san-huong-den-xuat-khau-ben-vung-d338629.html


Chia sẻ trên

29/11/2022 | Tác giả: Sơn Trang

Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản hàng đầu cho Mỹ

Thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh trong năm nay và Việt Nam cũng đang nằm trong Top đầu những nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường này.

30/11/2022 | Tác giả: Tùng Đinh

Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2022 đã vượt 49 tỷ USD

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông sản Việt Nam trong 11 tháng qua đã đạt tổng kim ngạch 49,04 tỷ USD (tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2021).

29/11/2022 | Tác giả: LÊ MINH HOAN

Phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSH: Cần khuyến khích, cổ vũ mô hình đổi mới, sáng tạo

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có nhiều gợi mở, hướng tiếp cận mới cho sự phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...