Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
04/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Thành Lượt xem: 190
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang đưa ra một loạt giải pháp dài hơi tập trung vào việc phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, cơ cấu mùa vụ, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Giải pháp căn cơ
Nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận được ví như "tiểu sa mạc" của Việt Nam với khí hậu khô nóng đặc thù, ít mưa. Để giải bài toán an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung nghiên cứu các giải pháp tìm kiếm nguồn nước, tiết kiệm nước và tích trữ nguồn nước để tiến gần hơn, sát hơn mục tiêu làm chủ nguồn nước.
Những năm qua, hệ thống thủy lợi của tỉnh được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản xuất muối, công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường. Nhiều công trình tưới, tiêu quy mô vừa và lớn được Trung ương, địa phương đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng với 22 hồ chứa có tổng dung tích thiết kế hơn 414 triệu m3 nước, 30 trạm bơm, 4 hệ thống đập dâng lấy nước trên sông Cái và hơn 1.000 km kênh mương cấp nước tưới đã góp phần giải quyết được căn cơ tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2023 ngành nông nghiệp đã khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có gắn với phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi Tân Mỹ giúp diện tích sản xuất chủ động tưới đạt 62,38%; chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.669 ha, vượt 28,4% kế hoạch; giá trị sản xuất bình quân 143,8 triệu đồng/ha đất sản xuất, cao hơn 5 triệu đồng/ha so năm 2022. Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển thị trường giống thủy sản ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, chiếm hơn 33% thị phần của cả nước với 41,7 tỷ con giống.
Cùng với chủ động nguồn nước tưới, Ninh Thuận tập trung chuyển giao và nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục tình trạng mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo sự cạnh tranh của sản phẩm đặc thù của địa phương.
Trên địa bàn hiện nay có nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đang tích cực đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng các loại cây như: nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, dưa lưới, dưa lê, hoa lan, bưởi da xanh, chuối, chanh không hạt,...
Anh Nguyễn Đình Trí (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) một trong những hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao trồng thành công các giống nho mới NH01-152 và nho không hạt NH04-102 (nho Ngón tay đen), nho Mẫu đơn trong nhà màng; mô hình được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật.
Anh Trí chia sẻ, rồng nho trong nhà màng có nhiều ưu điểm như ngăn được mưa, gió, sương; hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại rõ rệt; hạn chế đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; có thể trồng 2 – 3 vụ/năm mà không lo ảnh hưởng bất lợi của thời tiết; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất mô hình tăng trên 25% so với trồng nho truyền thống. Đặc biệt, các giống nho NH01-152 và nho không hạt NH04-102 có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, hình dáng, màu sắc; quả to, ăn giòn, chắc thịt và ngọt thơm; trong khi giá thành sản phẩm rất cạnh tranh.
Theo ngành nông nghiệp Ninh Thuận, đến nay tỉnh đã phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 565 ha, hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, thu hút đầu tư 38 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình như trồng dưa lưới, nho công nghệ cao, nuôi ốc hương cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Phát triển bền vững
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2024 ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lên từ 4 - 5%. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Để triển khai thực hiện, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao, tưới tiết kiệm nước khoảng 1.300 ha, phấn đấu giá trị sản xuất trên diện tích đất sản xuất đạt 148 triệu đồng/ha; tỷ lệ đất sản xuất chủ động tưới đạt 62,4%.
Đồng thời, tỉnh triển khai đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030, đặc biệt là triển khai chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, phát triển nuôi biển công nghệ cao vùng nước sâu; điều chỉnh, bổ sung và triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với đề án phát triển sản xuất vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để mở rộng vùng trồng tập trung, triển khai chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng thêm 200-220 ha trong năm 2024.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, để khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, Sở sẽ phối hợp các địa phương tiếp tục điều tra, rà soát diện tích các loại cây ăn quả đặc thù, nhất là cây nho và táo để mở rộng diện tích, lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng.
Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nho, táo để xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn đặc thù có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nông sản.
Đối với lĩnh vực phát triển thủy sản, tỉnh sẽ tập trung tổ chức triển khai Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước và phát triển giống cá biển phục vụ Chương trình phát triển nuôi biển quốc gia; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển nuôi thủy sản trên biển gắn với phát triển du lịch; áp dụng mô hình nuôi biển lồng bè công nghiệp theo công nghệ Na Uy, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái để nâng cao năng suất gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Với những giải pháp triển khai đồng bộ, sự quyết tâm của chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân, tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng phát triển ngành nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/dia-phuong/co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-20240218081607032.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn