Thuế tối thiểu toàn cầu: 'Việt Nam đã tiến rất nhanh'
04/07/2024 | Tác giả: ĐÌNH VŨ Lượt xem: 127
Ông Jonathan Pemberton, cựu chuyên gia cơ quan thuế HMRC và OECD đánh giá, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực. Tin tưởng rằng, Việt Nam có thể đảm bảo thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu vào cuối năm nay.
Có thể thực thi vào cuối năm nay
Theo cập nhật của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cơ quan thuế đang khẩn trương xây dựng nghị định hướng dẫn thực thi quy định Thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến tháng 7/2024 sẽ có dự thảo lấy ý kiến rộng rãi; tháng 10/2024 có thể ban hành nghị định hướng dẫn thu thuế bổ sung theo Nghị quyết 107/2023/QH15.
Đánh giá về việc luật hoá quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam, tại hội thảo quốc tế "Thực hiện trụ cột 2 Thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam" do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Trung tâm thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC) tổ chức mới đây, ông Jonathan Pemberton, cựu chuyên gia cơ quan thuế HMRC và OECD tin tưởng rằng, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực khi đã sớm luật hoá quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu và hoàn toàn có thể đảm bảo thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu vào cuối năm nay.
Theo đó, ông Jonathan Pemberton cho biết, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ban hành mức Thuế tối thiểu toàn cầu trong nội luật. Việt Nam, không thua kém, cũng đã có những bước tiến vững chắc khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 107 vào tháng 11/2023 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Việt Nam có chương trình rõ ràng để thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu giúp các công ty đa quốc gia - với tư cách là các đơn vị nộp thuế lớn có thể tương đối dễ dàng biết được phải tuân thủ những gì, như thế nào và hiểu hệ thống nộp thuế ở Việt Nam, hướng tới thực thi quy định hiệu quả.
Tuy nhiên, cựu chuyên gia cơ quan thuế HMRC và OECD cũng cho rằng, phải mất một thời gian để các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là các bộ phận không liên quan đến thuế nhưng liên quan đến xúc tiến đầu tư nước ngoài (FDI) hiểu rằng luật chơi đã thay đổi và thuế suất thấp hoặc miễn thuế đã không còn là công cụ hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài.
"Thuế tối thiểu toàn cầu là một hệ thống phức tạp. Vì vậy, đối với những người không trong ngành thuế, thực sự không dễ nắm bắt. Khi mọi người đều hiểu rằng thuế cao hơn là điều không thể tránh khỏi và nếu không nộp ở nước sở tại thì sẽ phải nộp ở nước mẹ, sự thay đổi sẽ diễn ra theo chiều hướng có những hệ thống ưu đãi mới, phù hợp hơn với sự phát triển của thế giới, tốt hơn và tập trung nhiều hơn vào giá trị mà doanh nghiệp mang lại", ông Jonathan Pemberton nói.
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khẳng định, Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước hay cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.
Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận....
"Nếu Việt Nam áp dụng quy định về Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng. Theo tính toán sơ bộ với số liệu quyết toán thuế năm 2022, có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ việc áp dụng QDMTT và số thuế Việt Nam sẽ thu được khi áp dụng quy định này ước tính khoảng 14.600 tỷ đồng", ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Khi Việt Nam áp dụng Quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, theo tính toán sơ bộ với số liệu quyết toán thuế năm 2022 thì có khoảng 6 tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chịu ảnh hưởng của quy định IIR và số thuế thu được ước tính khoảng 73 tỷ đồng (nếu nước nhận đầu tư không áp dụng quy định QDMTT).
Khuyến nghị một số vấn đề khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, nhằm tiếp tục giữ môi trường đầu tư hấp dẫn, giúp giữ chân nhà đầu tư lớn, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng rà soát các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng, đánh giá khả năng thu thuế bổ sung, mức độ tác động tới môi trường đầu tư; rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi đầu tư, để loại bỏ những chính sách không còn phù hợp với Quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Chỉ khi xác định đầy đủ mức độ tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.
Thứ hai, để giữ được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xem xét chuyển từ các hình thức ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp sang ưu đãi hỗ trợ chi phí, trong đó có các hình thức như: Khấu hao nhanh, hỗ trợ bằng tiền theo một tỷ lệ nhất định cho hoạt động R&D, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực...
Việc ban hành chính sách, cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.
Thứ ba là thay đổi chính sách khuyến khích FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính, đào tạo lao động có kỹ năng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vệ tinh... vốn là các yếu tố cơ bản khi các tập đoàn đưa ra các quyết định đầu tư thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.
Cuối cùng, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh, Việt Nam cần chủ động đề xuất các nước ASEAN đề ra giải pháp chung cho cộng đồng ASEAN trong việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, tạo đồng thuận về những tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh thu hút FDI không lành mạnh giữa các nước thành viên.
Theo Báo Đầu tư
https://nhadautu.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-viet-nam-da-tien-rat-nhanh-d87011.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn