Cuộc chiến mùa trung thu: "Ông lớn" ôm vị trí đẹp, tung nhiều sản phẩm lạ
02/08/2022 | Tác giả: An Chi Lượt xem: 386
Để sở hữu vị trí đẹp, chiếm được thị phần lớn trong mùa trung thu, các "ông lớn" không ngần ngại với chiến dịch bán sớm, giữa lúc nắng nóng cao điểm.
Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu (rằm tháng 8) nhưng nhiều "ông lớn" trong ngành bánh như Kinh Đô, Madame Hương, Hữu Nghị, Maison, Richy, Bibica... đã bắt đầu tăng tốc cho mùa bánh trung thu năm nay.
Thậm chí, những siêu thị như Lotte, Winmart cũng tự sản xuất bánh trung thu mang thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, khách sạn, nhà hàng, chuỗi bánh ngọt, cà phê cũng liên tục chào hàng các dòng bánh trung thu tự sản xuất.
Theo ghi nhận của Dân trí, tính đến ngày 2/8 (5/7 âm lịch), tại một số tuyến phố lớn ở Hà Nội như Cầu Giấy, Trần Thái Tông, Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch… đều đã "mọc" lên các quầy bán bánh trung thu. Một số thương hiệu như Kinh Đô, Thành Đô đã dựng các gian hàng cách đây cả tuần. Tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng người mua đến thời điểm này vẫn khá èo uột.
Một số tiểu thương cho biết, đa phần sản phẩm bánh trung thu năm nay đắt hơn năm ngoái khoảng 10% do nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển đều tăng.
Ngoài 2 loại truyền thống là bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen,... các thương hiệu còn cho ra đời nhiều loại nhân sáng tạo như bánh xá xíu, than tre, trà xanh...
Mỗi chiếc bánh 150 - 180 g hiện có giá từ 50.000 đến 70.000 đồng. Các dòng bánh có nhân đặc biệt như bào ngư, gà quay, trứng muối, lạp xưởng... có giá tới 160.000 đồng/chiếc.
Thậm chí, để phục vụ nhóm đối tượng khách hàng tập gym, thể hình, người ăn kiêng theo chế độ giảm cân, một số nhãn hàng còn tung ra "bánh trung thu healthy" với lượng đường được tiết giảm và nhân không có dầu mỡ. Bánh có giá 70.000 - 90.000 đồng/chiếc.
Hiện tại, cuộc chiến mang tên "bánh trung thu" không chỉ diễn ra tại các gian hàng, trung tâm thương mại mà còn "rực lửa" trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Để kéo khách hàng, các gian hàng liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, miễn phí giao hàng.
Song, các loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ giật mình cũng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Điển hình, một chiếc bánh trung thu mini, được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc có giá 2.000 đồng/chiếc và trên bao bì không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Mới đây, Đội quản lý thị trường số 24 (Hà Nội) đã kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lô hàng này thuộc sở hữu của một hộ kinh doanh ở La Phù (Hà Nội). Người này cho biết, số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời và đều không có hóa đơn chứng từ.
Tương tự, tại khu vực các tỉnh phía Nam, Đội quản lý thị trường số 1 (Tây Ninh) cũng phát hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu, bánh kẹo các loại không nhãn hiệu, không địa chỉ sản xuất. Đặc biệt, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn của gần 500 chiếc bánh trung thu, bánh bông lan các loại theo quy định.
Lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 24 (Hà Nội) cho biết, thời điểm Tết Trung thu cận kề, thị trường bánh trung thu tiêu thụ mạnh. Vì vậy, một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán nhằm kiếm lời nên lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo báo Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cuoc-chien-mua-trung-thu-ong-lon-om-vi-tri-dep-tung-nhieu-san-pham-la-20220802084158439.htm