Sắc xanh chiếm lĩnh trên thị trường hàng hóa
02/08/2022 | Tác giả: THƯƠNG MAI Lượt xem: 257
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 25/7-31/7, thị trường hàng hóa đón nhận lực mua mạnh mẽ và áp đảo, khi chỉ có đường 11 là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số MXV-Index của toàn bộ 4 nhóm mặt hàng đồng loạt tăng điểm, kéo chỉ số MXV-Index chung ghi nhận tuần phục hồi thứ 2 liên tiếp, tăng mạnh 5,43% lên mức 2.668,21 điểm.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản kết thúc với mức giá cao hơn đáng kể so với tuần trước, giúp chỉ số MXV-Index Nông sản bứt phá 10,36% và dẫn dắt đà tăng của thị trường. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng vọt 22% trong tuần qua, đạt mốc hơn 4.300 tỷ đồng vào phiên cuối tuần, mức cao nhất kể từ ngày 5/7.
Giá đậu tương ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 22 năm
Trên thị trường nông sản, ngô đã bật tăng gần 10%, mức tăng hằng tuần lớn nhất kể từ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Chỉ một ngày sau khi các thỏa thuận về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen được các bên liên quan ký kết, nguồn tin từ Ukraine cho biết cảng Odessa của nước này đã bị tấn công và do đó, tiếp tục làm gián đoạn đến hoạt động xuất khẩu tại quốc gia này. Thông tin trên là nguyên nhân chính khiến giá ngô tăng cách biệt vào đầu tuần.
Tương tự ngô, lúa mì cũng đã hồi phục sau hai tuần liên tiếp suy yếu. Thông tin tiêu cực về vụ mùa Mỹ cũng là nguyên nhân chính khiến cho phe mua áp đảo thị trường trong tuần trước.
Đáng chú ý, trong tuần vừa qua, cả ba mặt hàng trong nhóm đậu tương đều đóng cửa với mức nhảy vọt lớn sau chuỗi suy yếu liên tiếp. Giá đậu tương ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 22 năm qua với cả 5 phiên giao dịch đều đóng cửa trong sắc xanh. Lực mua cũng hoàn toàn áp đảo đối với 2 mặt hàng còn lại trong nhóm. Mối quan tâm chính và cũng gần như là yếu tố duy nhất chi phối lên giá là triển vọng mùa vụ tại Mỹ.
Theo báo cáo Tiến độ mùa vụ tuần trước, chất lượng đậu tương tại Mỹ đã giảm 2% xuống còn 59% diện tích đạt tốt-tuyệt vời và thấp hơn mức dự kiến của thị trường. Hạn hán vẫn tiếp tục là mối lo ngại đối với các khu vực gieo trồng. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ sẽ trải qua thời gian nóng nhất, nhiệt độ được dự báo là cao hơn nhiều so với mức trung bình vào tháng 8 trên khắp khu vực từ đồng bằng. Đây vẫn là giai đoạn phát triển quan trọng của đậu tương nên khả năng mùa vụ vẫn đang đứng trước nguy cơ năng suất bị cắt giảm. Chính những lo ngại trên đã thúc đẩy lực mua đối với các mặt hàng trong nhóm đậu.
Dầu cọ hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường dầu thực vật
Sắc xanh áp đảo tại bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trừ sự suy giảm của đường. Dầu cọ tăng mạnh gần 16% khi thị trường dầu thực vật khởi sắc với đà tăng mạnh của dầu đậu tương đã kéo theo mức tăng của dầu cọ.
Chung xu hướng tăng với đa số các mặt hàng trong nhóm, bông tuần vừa qua có 5/5 phiên giao dịch khởi sắc, khi báo cáo Tiến độ mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), công bố đầu tuần, đã phần nào phản ánh những lo ngại về thời tiết khô hạn kéo dài tại Texas, Mỹ gây ảnh hưởng đến chất lượng mùa vụ, gây lo ngại về suy giảm nguồn cung và thúc đẩy giá tăng trong cả tuần.
Ở hướng ngược lại, đường là mặt hàng duy nhất có tuần giao dịch suy yếu dưới tác động của giá xăng dầu suy giảm tại Brazil, làm giảm sức cạnh tranh của ethanol so với đường, từ đó thúc đẩy các nhà máy ép mía chuyển lượng mía ép cho sản xuất ethanol sang sản xuất đường. Điều này khiến nguồn cung được nới lỏng và gây áp lực lên giá.
Các mặt hàng kim loại đồng loạt đón nhận lực mua tích cực
Trên thị trường kim loại, sắc xanh phủ kín bảng giá với sự tăng vọt của nhiều mặt hàng kim loại quan trọng như bạc, đồng và quặng sắt.
Tâm điểm tác động lớn nhất đến thị trường kim loại quý trong tuần vừa qua là mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điều này đã không nằm ngoài dự đoán của thị trường, và cho các nhà đầu tư niềm tin rằng FED sẽ thu hẹp mức tăng trong tương lai. Chỉ số Dollar Index do đó đã kết thúc tuần thứ 2 liên tiếp suy yếu và hỗ trợ cho giá kim loại quý vốn nhạy cảm với lãi suất và đồng USD.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX đã có tuần tăng giá lớn nhất kể từ cuối tháng 2 năm nay. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, nguồn cung có xu hướng thắt chặt là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của kim loại này. Hàng loạt các công ty khai thác đồng hàng đầu thế giới đã báo cáo sản lượng nửa đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và cắt giảm sản xuất cả năm, kéo theo đà tăng liên tiếp của giá đồng trong tuần qua.
Đối với quặng sắt, mức tăng vọt hơn 10% được hỗ trợ chủ yếu bởi thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 148,2 tỷ USD cho các khoản vay để phát triển lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận ngành thép cho thấy xu hướng phục hồi và nhiều lò cao quay lại hoạt động đã góp phần đẩy giá sắt lên mức cao nhất trong 4 tuần.
Dầu thô phục hồi khi rủi ro nguồn cung lấn át lo ngại về suy thoái
Giá dầu thô phục hồi mạnh mẽ tuần thứ hai liên tiếp khi mà những lo ngại về nguồn cung một lần nữa lại lấn át nguy cơ suy thoái kinh tế. Kết thúc tuần vừa qua, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 tăng 4,14% lên 98,62 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 tăng 5,68% lên 103,97 USD/thùng.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tiếp tục chỉ ra tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, và nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn mạnh mẽ. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 22/07, tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 4,5 triệu thùng. Bên cạnh đó, tồn kho xăng cũng giảm mạnh 3,3 triệu thùng, và tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng giảm 0,8 triệu thùng. Đây là thông tin hỗ trợ mạnh mẽ nhất đối với giá dầu trong tuần vừa qua, khiến cho sức mua quay lại với thị trường.
Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 9 lên 767 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 31/07. Mức tăng trưởng tiếp tục dừng ở mức một chữ số phản ánh những khó khăn nhất định trong việc sản xuất thêm dầu ở Mỹ. Ngoài ra, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục sản xuất dưới hạn ngạch đã đề ra trong tháng 6 khoảng 3 triệu thùng. Điều này sẽ càng khiến cho hy vọng tăng sản lượng trong cuộc họp tháng 8 của OPEC sẽ ngày càng xa vời.
Trên thị trường nội địa, thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết, từ ngày 01/08, giá gas bán lẻ trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm hơn 18.000 đồng/bình 12 kg và sẽ không vượt quá 430.500 đồng/bình 12kg khi đến tay người tiêu dùng. Như vậy, đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp của giá gas từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nguồn cung nội địa mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Theo báo Nhân Dân
https://nhandan.vn/sac-xanh-chiem-linh-tren-thi-truong-hang-hoa-post708234.html