Để du lịch Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững
07/06/2024 | Tác giả: Thành An Lượt xem: 96
Vĩnh Phúc - vùng đất đầy tiềm năng, hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, đã được ghi danh trên bản đồ du lịch thế giới và trở thành một mũi nhọn phát triển KT - XH. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành Du lịch Vĩnh Phúc cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa để phát triển bền vững.
Những năm qua, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã đi đúng hướng, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh; du lịch Mice, du lịch thể thao golf; đã hình thành các khu du lịch trọng điểm, đi đôi với đó là chất lượng dịch vụ tốt, sản phẩm đa dạng…
Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm đến du lịch thân thiện, an toàn cho du khách trong và ngoài nước. Để du lịch Vĩnh Phúc ngày càng chuyên nghiệp và thu hút du khách, UBND tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tập trung cải thiện môi trường du lịch. Tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, bảo vệ môi trường; phát huy các giá trị văn hóa lâu đời; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước xây dựng các tour du lịch nội địa. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến, quảng bá du lịch.
Theo thống kê, 11 tháng năm 2023, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6,6 nghìn tỷ đồng, tăng 47,28% so với cùng kỳ. Những con số nêu trên đã chứng tỏ du lịch của tỉnh đang khởi sắc. Tuy nhiên, nếu được phát triển đồng bộ, có chiều sâu, có sự liên kết chặt chẽ với các ngành nghề liên quan thì kết quả sẽ khả quan hơn nữa.
Anh Phạm Huy Kiên, quận Cầu Giấy (Hà Nội) - Một hướng dẫn viên chuyên đưa đón các đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại Tam Đảo cho biết: "Du khách ngoại quốc cũng có hạng bình dân và cao cấp, tại những điểm du lịch, du khách cũng cần có những điểm phù hợp để vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.
Đáp ứng nhu cầu chính đáng đó, cơ quan quản lý cần đưa ra các định hướng phát triển du lịch dài hơi. Trong đó, Nhà nước mạnh về mảng nào thì tư nhân bớt đầu tư mảng đó để tránh lãng phí khi đầu tư, lại cạnh tranh lành mạnh.
Đơn cử như ở thị trấn Tam Đảo, Nhà nước có nhiều khách sạn bình dân thì doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp từ cơ sở vật chất đến con người. Ngay ở một số khách sạn cao cấp nhất tại Tam Đảo hiện nay vẫn chưa có đội ngũ chuyên gia có đủ trình độ, phông văn hóa để có thể giới thiệu cho du khách nét văn hóa đặc sắc hay đồ lưu niệm đặc biệt mà khách lưu trú ở phân khúc cao cấp thường quan tâm, tìm kiếm.
Cần phải hiểu rõ là dịch vụ cao cấp không chỉ đơn thuần là tiện nghi của phòng ốc, mà còn là những gói dịch vụ cao cấp khác mang hàm lượng chất xám cao. Ngoài ra, nhà quản lý cần tăng cường chuỗi liên kết mật thiết liên quan đến ngành Du lịch gồm kinh phí đi lại giữa các điểm đến, khách sạn, ăn uống, giải trí và sức khỏe du khách.
Song song với đó, cần khoanh vùng phân khúc du lịch để có những loại hình dịch vụ phù hợp với số tiền tương ứng mà du khách đã bỏ ra mua gói dịch vụ đó. Có nhiều du khách chịu chi khoản tiền lớn để tận hưởng một không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh thì dứt khoát họ không muốn ở chung một khoảng không gian ồn ào. Nếu làm được điều đó, các cơ sử lưu trú sẽ dần thu hút được một lượng khách trung lưu đến tìm hiểu nét văn hóa và đặc sản du lịch địa phương".
Thực tế, vào những ngày cuối tuần, hay dịp cao điểm về du lịch, đường lên thị trấn Tam Đảo luôn chật kín người xe. Lượng khách đông là vậy nhưng có đến 1/2 không lưu trú mà chỉ dạo chơi, tìm kiếm cảnh đẹp check in, nếu có lưu trú thì thời gian cũng không nhiều, chỉ trong ngày. Sau đó, họ lại xuống núi, ăn nghỉ ở khu vực đô thị hay di chuyển đến địa điểm khác.
Có nhiều lý do khiến nhiều du khách không mấy mặn mà đối với khu du lịch. Trong đó, điểm mấu chốt là tại khu du lịch có quá ít những sản phẩm tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều khi, cái mà du khách cần là khám phá văn hóa truyền thống và bản sắc riêng có của điểm đến. Trong khi tại điểm du lịch là những nhà cao tầng, nhà hàng mọc lên san sát, trông chẳng khác gì các khu đô thị ở dưới xuôi. Điều khác biệt duy nhất so với những nơi khác có chăng chỉ là bầu không khí trong lành của thiên nhiên.
Để khẳng định vai trò là một mũi nhọn phát triển KT - XH của tỉnh, ngành Du lịch cần xây dựng chiến lược riêng bằng việc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn thông qua các sản phẩm đặc thù.
Đặc biệt là khai thác triệt để lợi thế du lịch Mice, các điểm du lịch trọng điểm như Khu di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên, Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo, Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort…
Cùng với đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, hướng dẫn viên và kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho những người dân tham gia vào hoạt động du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác sẽ giúp du lịch Vĩnh Phúc khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững.
Theo Báo Vĩnh Phúc
https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/103355/De-du-lich-Vinh-Phuc-phat-trien-nhanh-va-ben-vung
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn