Đề xuất cửa hàng tiện lợi 'chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500 m'
19/07/2022 | Tác giả: Anh Minh Lượt xem: 293
Dự thảo về hạ tầng thương mại, trong đó có nội dung hạn chế đối tượng cửa hàng tiện lợi được phục vụ trong bán kính 500 m, bị chê là "quá chi ly" và thiếu khả thi.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có mô hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, cửa hàng tiện lợi... Đây phần lớn đều là những mô hình đã hoạt động từ lâu tại Việt Nam.
Trong đó dự thảo Thông tư đưa ra một số tiêu chí mới với cửa hàng tiện lợi như chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m; bán theo phương thức tự phục vụ, theo chuỗi; áp dụng công nghệ trong bán hàng, thanh toán.
Các cửa hàng tiện lợi cũng được yêu cầu đặt ở vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, du lịch, nơi tập trung đông người, với diện tích kinh doanh 30 - 200 m2. Hàng hoá của cửa hàng tiện lợi gồm thực phẩm ăn ngay, hàng bách hoá nhỏ lẻ, tiêu dùng nhanh... Số lượng mặt hàng kinh doanh trong mỗi cửa hàng tiện lợi khoảng 3.000 tên hàng...
Các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet... Các cơ sở này cũng không được ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, như supermarket, hypermarket, big mart, big store, shopping center, trade center, plaza...
Nhận xét về các tiêu chí đưa ra với phát triển hạ tầng thương mại tại dự thảo của Bộ Công Thương, các chuyên gia cho rằng, không phù hợp, thiếu khả thi trong thực tế. Bởi vì các cửa hàng sẽ khó kiểm soát những khách hàng ngoài bán kính 500 m đến mua hàng. Trường hợp muốn triển khai việc này, các cửa hàng sẽ tốn nhiều nhân lực để có thể kiểm tra giấy tờ, nơi cư trú của khách mua hàng..."Trong khi việc kiểm soát người ngoài bán kính 500 m đến mua hàng cũng không cần thiết", một chuyên gia nói.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về thương mại, cũng nói các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi, siêu thị... tại dự thảo này "phần lớn là quy định mang tính cơ học". Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra nhưng không phù hợp thực tế...
"Cơ quan quản lý cần hướng tới quy định để nâng tính cạnh tranh, quản trị của các loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có cửa hàng tiện lợi", ông nói.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cũng nhận xét việc đưa ra quy định phát triển các loại hình hạ tầng thương mại là cần thiết. Nhưng các tiêu chí Bộ Công Thương đang dự thảo, bà Hậu cho rằng, quá chi tiết, thiếu khả thi và không phù hợp với bối cảnh phát triển các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại.
Bà cho biết, hiệp hội này đang gửi lấy ý kiến các doanh nghiệp bán lẻ thành viên, và sẽ có góp ý để các quy định này thực tế hơn khi được ban hành.
Một chuyên gia về luật cũng phân tích, thông thường doanh nghiệp sẽ tự phân loại các loại hình kinh doanh để quảng bá và giúp người tiêu dùng nhận biết. Nhà nước chỉ can thiệp khi doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, phân loại nhập nhèm nhằm đánh lừa người mua.
Như trong quản lý dược phẩm, phải phân loại rõ mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng, do thực tế có tình trạng người bán thực phẩm chức năng nhưng lại quảng bá nhập nhèm là thuốc.
Vì thế, một trong số tiêu chí với cửa hàng tiện lợi mà Bộ Công Thương đang dự thảo vô hình trung đã giới hạn quyền tiếp cận mua của khách hàng.
"Nhà nước không nên đưa ra các tiêu chí phân loại đơn thuần, mà cần hướng tới việc quản lý đảm bảo tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, mua bán công khai, minh bạch", ông nêu quan điểm.
Tức là, các tiêu chí phát triển loại hình hạ tầng thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi... cần đi sâu vào quản lý chất lượng, dịch vụ để tăng cạnh tranh giữa các loại hình bán lẻ, thay vì các quy định quá chi ly như về diện tích, phạm vi bán kính phục vụ hay số lượng hàng được bán trong mỗi cửa hàng, siêu thị...
Theo báo Vnexpress
https://vnexpress.net/de-xuat-cua-hang-tien-loi-chu-yeu-phuc-vu-khach-trong-ban-kinh-500-m-4486602.html