Ðẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp
15/11/2023 | Tác giả: KHÁNH TRUNG Lượt xem: 286
Tích cực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang nỗ lực cập nhật, phổ biến kiến thức về CĐS cho nông dân, hỗ trợ nông dân trong tiếp cận các thiết bị, công nghệ mới và các nền tảng số. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa thực hiện lộ trình CĐS đã đề ra.
Để thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp, thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, đào tạo và nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về CĐS. Huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển và triển khai áp dụng các nền tảng số, cũng như tăng cường liên kết, kết nối giữa các bên có liên quan. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới cho người dân, nhất là công nghệ cao để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh (sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ) và nông nghiệp tuần hoàn giúp mang lại giá trị cao và bền vững. Ngành chức năng thành phố cũng đã cho ra đời Sàn thương mại điện tử “chonongsancantho.vn” và Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ tại địa chỉ https://check.cantho.gov.vn/. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến, giúp cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được nhanh chóng, thuận lợi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua Sở đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội mang lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, Sở chú ý phối hợp các sở ngành thành phố, địa phương và đơn vị có liên quan đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm về CĐS trong nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực sản xuất để có các hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho nông dân. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận và khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ mới như sử dụng máy bay không người lái, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng...
Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp hơn 110.000ha, trong đó có hơn 77.000ha đất sản xuất lúa, với sản lượng hơn 1,35 triệu tấn/năm và hơn 25.000ha cây ăn trái, với sản lượng 220.000 tấn/năm... Thành phố hiện có khoảng 500 cơ sở chế biến nông sản, có khoảng 45 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo và hơn 40 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Đồng thời đã hình thành được các vùng sản xuất nông sản có quy mô hàng hóa lớn như mô hình cánh đồng lớn khoảng 35.000ha, các vùng trồng cây ăn trái tập trung hơn 10.000ha, vùng nuôi cá tra tập trung với hơn 7.000ha... Dù vậy, vẫn còn nhiều loại cây trồng và vật nuôi sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán hoặc có liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX) nhưng số nông hộ tham gia HTX còn ít (bình quân 25 hộ/HTX). Với việc sản xuất và tiêu thụ nhiều loại nông sản nhỏ lẻ thì việc thực hiện CĐS còn gặp nhiều khó khăn do có liên quan đến rất nhiều người, nhất là nông dân. Trong khi đa phần nông dân vốn còn thiếu kiến thức, hạn chế về tài chính và khả năng tiếp cận các thiết bị công nghệ mới, cũng như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; chưa biết cách giới thiệu và bán hàng nông sản trên môi trường mạng...
Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang quan tâm đến việc cập nhật, phổ biến kiến thức về CĐS và hỗ trợ nông dân trong tiếp cận các thiết bị, công nghệ mới và các nền tảng số. Đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, hành động và kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp cho nông dân và các bên có liên quan. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, bên cạnh tăng cường công tác đào tạo và tập huấn về CĐS, ngành Nông nghiệp thành phố cũng tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội để thực hiện CĐS trong nông nghiệp nhanh chóng hơn. Tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân và tất cả các bên liên quan trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ số...
Mới đây, tại hội thảo thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT thành phố cùng các doanh nghiệp và đơn vị có liên quan đã cập nhật, cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích về CĐS trong nông nghiệp. Chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay và giới thiệu các công cụ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Cụ thể như nền tảng (App) MobiAgri trên cây trồng, nền tảng “Mạng nhà nông”, sàn thương mại điện tử (chonongsancantho.vn) phục vụ quảng bá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản hàng hóa của Cần Thơ... Theo ông Nguyễn Ái Hữu, Giám đốc điều hành, đồng thời cũng là nhà sáng lập Công ty cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft), nền tảng Mạng Nhà nông là môi trường số và tích hợp nhiều công cụ hệ thống giúp các HTX, nông dân, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp quản trị sản xuất kinh doanh hiệu quả. Giúp các HTX và bà con nông dân có các công cụ để quản lý mùa vụ, cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả quản lý. Tạo không gian chia sẻ, kết nối giúp nông dân tiếp cận kịp thời kiến thức khoa học, kết nối các tổ chức tín dụng, kênh phân phối nông sản phù hợp với xu thế tiêu dùng. Từ đó góp phần vào thành công của Chương trình CĐS Quốc gia và thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn để nông dân nâng cao nhận thức và hành động của các bên liên quan. Kịp thời hỗ trợ người dân trong tiếp cận, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.
Theo báo Cần Thơ
https://baocantho.com.vn/-ay-manh-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-a166585.html