Du lịch Cần Thơ tập trung nâng chất nguồn nhân lực

Du lịch Cần Thơ tập trung nâng chất nguồn nhân lực

15/11/2023 | Tác giả: ÁI LAM Lượt xem: 254


Xác định nguồn nhân lực là một trong những chìa khóa then chốt để tạo sự chuyển biến trong phát triển, ngành Du lịch TP Cần Thơ từng bước cải thiện nguồn nhân lực thông qua nhiều chương trình, đề án, các lớp tập huấn nghiệp vụ. Từ đó từng bước tạo sự thay đổi, góp phần cho phát triển bền vững.

Du lịch Cần Thơ tập trung nâng chất nguồn nhân lực

Kết quả bước đầu

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có xác định, đến năm 2020 sẽ có khoảng 39.300 lao động (trong đó 13.100 lao động trực tiếp, 26.200 lao động gián tiếp) trong ngành du lịch và lực lượng lao động qua đào tạo chuyên môn phải đạt trên 80%. Thực tế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành Du lịch Cần Thơ năm 2020 chỉ là 68,3%. Nguyên nhân một phần được xác định bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến nhân lực ngành Du lịch chuyển sang ngành khác hoặc rời TP Cần Thơ đến các khu vực khác làm việc. Do đó, trong giai đoạn phục hồi, ngành Du lịch thành phố xác định tập trung cho nguồn nhân lực, liên tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, cập nhật nâng cao kiến thức, chuyên môn cho đa dạng đối tượng: hướng dẫn viên nội địa và quốc tế; hướng dẫn viên, thuyến minh viên tại điểm; các nhân viên điều hành, lái tàu, xe…

Bà Hà Thị Hồng Thủy, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, chương trình phát triển nhân lực ngành du lịch và nâng cao nhận thức giai đoạn 2021-2025, hằng năm Sở xây dựng tổ chức bình quân từ 10-12 lớp nghiệp vụ với khoảng 500-600 học viên. Hiện nay, nhân lực qua đào tạo trong ngành Du lịch đã đạt trên 70%. Để nâng chất nguồn nhân lực, hình thức đào tạo, tập huấn được đổi mới. Cụ thể, Sở kết hợp với các trường, các đơn vị đào tạo chuyên môn xây dựng các nội dung tập huấn làm sao giảm lý thuyết tăng thực hành, chú trọng cập nhật các nội dung mới, thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng, đào tạo có hiệu quả”. Là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở VHTT&DL thành phố trong các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, thông tin: “Thời gian qua, trường luôn phối hợp tích cực với Sở VHTT&DL thành phố trong việc mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực này của thành phố; đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế từ các doanh nghiệp du lịch. Trong đào tạo, tập huấn, chúng tôi luôn chú trọng thực hành để các học viên có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Thực tế, trên 90% sinh viên, học sinh tốt nghiệp ở trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Các em đều được các doanh nghiệp du lịch tuyển dụng đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ”.

Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ thường chú trọng các học phần thực hành. Trong ảnh: Sinh viên trong giờ thực hành nghiệp vụ bếp bar.

Từng bước nâng chất, đa dạng đối tượng

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở VHTT&DL TP Cần Thơ đã phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức 14 lớp tập huấn cho hơn 600 lao động du lịch của thành phố, vượt chỉ tiêu năm. Trong đó, các lớp hướng đến đa dạng đối tượng, từ hướng dẫn viên (nội địa, quốc tế) đến thuyết minh viên tại điểm, lực lượng tài xế, lái tàu, các nhân viên trong chuỗi dịch vụ tại các khu điểm, cơ sở kinh doanh du lịch. Anh Võ Minh Trung, phụ trách điều hành tour, kiêm hướng dẫn viên khách quốc tế tại Victoria Cần Thơ, cho biết: “Tôi tham gia nhiều lớp tập huấn và nhận thấy đây là điều cần thiết. Qua mỗi chương trình, bản thân tôi cập nhật thêm kiến thức, các quy định mới, đồng thời có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các anh chị đồng nghiệp”. Đồng quan điểm, chị Đỗ Thị Kim Chi, nhân viên điều hành tour của Công ty TNHH Du lịch Thám hiểm và Sự kiện đồng bằng Mekong, cho biết: “Tôi làm điều hành tour hơn 10 năm. Tuy nhiên, khi tham gia các lớp tập huấn thì nhận thấy còn nhiều điều bản thân chưa biết. Qua các lớp học, tôi được bổ sung kiến thức điều hành, ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động để công việc hiệu quả hơn”.

Trong các lớp tập huấn, hướng dẫn viên và thuyết minh viên tại điểm được chú trọng nhiều nhất. Thực tế đây là nhân tố có tác động trực tiếp đến cách nhìn của du khách về du lịch của mỗi địa phương. Do đó tỷ lệ tập huấn dành cho những người đảm trách công việc trên chiếm đến 50% các lớp. Theo thống kê trên hệ thống phần mềm quản lý hướng dẫn viên, số thẻ hướng dẫn viên do Sở VHTT&DL TP Cần Thơ cấp còn thời gian hoạt động là 875 thẻ. Trong đó thẻ hướng dẫn viên quốc tế là 224 thẻ, thẻ hướng dẫn viên nội địa là 616 thẻ và thẻ hướng dẫn viên tại điểm là 35 thẻ. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn thiếu hụt, không đủ đáp ứng thị trường du lịch tại Cần Thơ, đặc biệt là các hướng dẫn viên quốc tế.

Anh Đỗ Thế Vy, hướng dẫn viên quốc tế đồng thời là quản lý điều hành tour tại Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn, học viên lớp nghiệp vụ du lịch và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế, nội địa, cho biết: “Trước nay chưa có lớp tập huấn như vậy được tổ chức. Do đó khi có thông tin về khóa học, tôi lập tức tham gia. Qua các nội dung được tập huấn, tôi có thể biết cách đánh giá, xây dựng sản phẩm, nắm bắt xu hướng du lịch, tìm hiểu tâm lý khách hàng, hiểu hơn về công việc quản lý và điều hành. Từ đó, tôi có thể áp dụng vào thực tiễn công việc hiệu quả hơn”. Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Lành, hướng dẫn viên du lịch Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Đại Việt, nói: “Khi tham gia các chương trình tập huấn, chúng tôi được chia sẻ kiến thức, hiểu đúng về các tuyến điểm, biết cách giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người Cần Thơ và miền Tây một cách có cơ sở và thuyết phục hơn”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thúy Quyên, nhân viên lái xe điện Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Trước đây tôi chỉ làm đúng nhiệm vụ chở khách đến điểm được yêu cầu. Nhưng từ khi tham gia các lớp tập huấn, tôi tự tin, mạnh dạn giới thiệu những dịch vụ, điểm mới của khu du lịch để du khách biết”. Thực tế, những chương trình tập huấn này nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch, các khu điểm du lịch. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, thông tin: “Nhân viên ở Làng du lịch Mỹ Khánh khá đông và thường thay đổi, do đó khi có chương trình về đào tạo, tập huấn là chúng tôi đều cử nhân sự tham gia. Các bạn đã tham gia tập huấn sẽ chỉ dẫn lại cho những người khác, từ đó chúng tôi có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách tốt hơn”.

Việc đào tạo, tập huấn và nâng chất nguồn nhân lực đang được ngành Du lịch thành phố chú trọng. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Cần Thơ thu hút khoảng 10.000 lao động trực tiếp trong ngành, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 75%. Định hướng đến năm 2030 sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 80%. Hiện ngành Du lịch thành phố đang rà soát kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 của TP Cần Thơ, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình mới. Trong đó, các kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử và xử lý tình huống được chú trọng.

Theo báo Cần Thơ

 


Chia sẻ trên

15/11/2023 | Tác giả: ÁI LAM

Đẩy mạnh liên kết và xúc tiến quảng bá du lịch

Liên kết và xúc tiến quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành là một trong những giải pháp đưa hình ảnh, thương hiệu du lịch đến gần du khách, mở ra cơ hội kết nối hợp tác và từng bước mở rộng thị trường.

15/11/2023 | Tác giả: KHÁNH TRUNG

Ðẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tích cực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang nỗ lực cập nhật, phổ biến kiến thức về CĐS cho nông dân, hỗ trợ nông dân trong tiếp cận các thiết bị, công nghệ mới và các nền tảng số. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa thực hiện lộ trình CĐS đã đề ra.

15/11/2023 | Tác giả: Lê An

Những tuyến xe buýt nào đang hoạt động tại Cần Thơ?

Ngoài 7 tuyến xe buýt nội tỉnh, Cần Thơ còn đang khai thác 10 tuyến xe buýt liền kề kết nối tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...