Du lịch Bạc Liêu: Đến là yêu!
01/07/2024 | Tác giả: Mai Hoàng Việt - Nguyễn Hồng Anh Lượt xem: 85
Bạc Liêu được đánh giá là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa và lễ hội được xác định là tài nguyên quý để Bạc Liêu làm giàu từ ngành “công nghiệp không khói” này.
CHỈ LÀ TRẠM DỪNG CHÂN
Với diện tích đất trên 2.660km2 và có 56km là đường bờ biển, cùng nằm trên trục giao thông phía Đông từ TP. Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau), Bạc Liêu được xem là điểm dừng chân khá thú vị cho du khách trong, ngoài nước. Đặc biệt, với sự chung sống đoàn kết của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa, cùng với phong cách gần gũi, nghĩa tình đã tạo nên bản sắc rất Bạc Liêu.
Ngoài ra, vùng đất này còn có các điểm du lịch văn hóa, tâm linh rất nổi tiếng như: Nhà thờ Tắc Sậy, Khu Quán âm Phật đài, Chùa Xiêm Cán; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Đặc biệt, cụm nhà Công tử Bạc Liêu là địa điểm không thể bỏ qua khi nhắc đến Bạc Liêu gắn với những giai thoại ăn chơi, hào sảng và rất phóng khoáng của chàng “Hắc công tử”.
Thật không trọn vẹn cho một chuyến đi tham quan du lịch mà không nhắc đến văn hóa ẩm thực địa phương khi Bạc Liêu có rất nhiều món ăn đã tạo nên thương hiệu như: lẩu mắm, bánh xèo, bánh tằm Ngan Dừa, hủ tiếu mì heo quay, bún bò cay, lẩu công tử…
Tuy hội tụ nhiều lợi thế, nhưng ngành Du lịch của Bạc Liêu vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là cơ sở vật chất, số lượng dành cho lưu trú còn ít và không đáp ứng đủ nhu cầu để bố trí khách lưu trú, nhất là khách đoàn lớn. Khách sạn tiêu chuẩn có số lượng phòng đáp ứng theo đúng chuẩn chỉ dưới 300 phòng ngay cả khu vực TP. Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, các hoạt động để giữ chân du khách ở lại vui chơi hiện đang còn “khá nghèo” và các dịch vụ hỗ trợ để phục vụ cho du khách còn yếu và thiếu. Khoảng cách các điểm tham quan và thời gian tham quan tại mỗi điểm quá ngắn, không đủ thời gian để níu giữ du khách để tiếp tục hành trình khám phá Bạc Liêu. Đặc biệt, đến nay Bạc Liêu chưa có nhiều các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách và tham gia vào chương trình liên kết du lịch vùng. Việc thiết kế tua của các công ty du lịch về các tỉnh miền Tây đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu không có điểm lưu trú mà chỉ là dừng chân để tham quan một chút rồi về các địa phương khác nghỉ dưỡng và vui chơi.
Cùng với đó, các hoạt động quảng bá du lịch lớn và các chương trình kích cầu du lịch diễn ra với tần suất thấp nên chưa tạo nên thương hiệu du lịch của tỉnh. Đồng thời, giao thông kết nối giữa Bạc Liêu đến với các tỉnh, thành và quốc tế còn hạn chế với 4 cái “không” nên chưa đủ lực để hỗ trợ du lịch phát triển như: không cao tốc, không sân bay, không cảng biển và không đường sắt. Đây là một trong các lý do làm cho ngành Du lịch của tỉnh chỉ là “trạm dừng chân”…
KHAI THÁC THẾ MẠNH VỀ VĂN HÓA
Phát triển du lịch tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Bạc Liêu vẫn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Và một trong những tiềm năng, thế mạnh đặc thù ấy chính là văn hóa và bản sắc Bạc Liêu. Trong đó, văn hóa lễ hội được xác định là thế mạnh đặc thù. Thế mạnh này nếu được quan tâm đầu tư, khai thác và phát huy đúng mức thì sẽ góp phần hóa giải các thách thức và hạn chế tồn tại của ngành Du lịch bấy lâu nay. Bởi bài học thành công ấy đã được chứng minh bằng các lễ hội, văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc được tổ chức thành công ở nhiều tỉnh, thành phố và thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt du khách tham quan như: tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh), lễ rước kiệu Chùa Bà Thiên Hậu (tỉnh Bình Dương), lễ tắm bà Chúa xứ ở Châu Đốc (tỉnh An Giang), lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer (tỉnh Sóc Trăng)… Trong khi đó, Bạc Liêu lại có rất nhiều lễ hội dân gian rất đặc sắc và ở mỗi lễ hội còn gắn với các phong tục, diễn xướng dân gian và cả các món ăn đậm tính truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chẳng hạn như tết Nguyên tiêu là lễ hội dân gian đặc sắc với nhiều hoạt động như: dâng lễ cúng gia tiên, đi chùa lễ Phật cầu an, treo lồng đèn, thả hoa đăng, tổ chức hát đối đáp, đề câu đối trên đèn lồng, đấu đèn, vay tiền và vay quýt ông Bổn…, mà hiện nay trong ngày này Bạc Liêu còn tổ chức một hoạt động hết sức ý nghĩa đó là Đêm thơ Nguyên tiêu. Ở Bạc Liêu còn có tết Thanh minh, lễ hội Kỳ yên, lễ hội Dạ cổ hoài lang, Chôl-chnăm-thmây..., những lễ hội và phong tục này sẽ rất hấp dẫn du khách nếu được đưa vào khai thác du lịch.
Ngoài ra, gắn với các công trình năng lượng tái tạo (điện gió), vườn chim Bạc Liêu, làng nghề truyền thống, cùng các điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng khác đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát huy thế mạnh này. Đặc biệt là khai thác thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” đang được đầu tư với những mô hình, dịch vụ chất lượng cao đạt tiêu chuẩn 4 sao sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024. Đây sẽ là điểm du lịch rất lý tưởng cho du khách có được những trải nghiệm tuyệt vời, vừa được lưu trú, thưởng thức các món ngon ở khu nhà cổ, vừa được tham quan nhiều địa danh ở “đất Công tử”…
Bạc Liêu thật sự là “giấc mơ tình yêu” và mỗi lần đến là một lần yêu!
Theo Báo Bạc Liêu
http://www.baobaclieu.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/du-lich-bac-lieu-den-la-yeu!-89792.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn