Du lịch Thái Nguyên: Khởi sắc từ đầu Xuân
24/06/2024 | Tác giả: Phạm Ngọc Chuẩn Lượt xem: 88
Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, lượng khách tham quan đã tăng đột biến. Chỉ tính riêng trong 5 ngày (từ 10 đến 14-2), các điểm đến đón tiếp gần 200.000 lượt du khách (tăng hơn 60.000 lượt khách), tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 60 tỷ đồng (tăng hơn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Đây là tín hiệu khả quan của ngành Du lịch Thái Nguyên trong năm 2024.
Nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã liên tiếp tổ chức các hoạt động ý nghĩa trong dịp đầu Xuân, như: Chương trình nghệ thuật chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Chương trình Chào Năm mới; Chương trình không gian Tết với chủ đề “Sắc xuân TP. Thái Nguyên”; Triển lãm “Sắc xuân trên quê hương xứ Trà” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Tại hầu hết điểm đến trên địa bàn tỉnh đều có các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí với khung cảnh tươi đẹp, tạo không khí vui tươi, phấn chấn, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, vãn cảnh, trải nghiệm.
Mở cửa đón du khách sớm nhất là các khu vực thờ tự. Từ sau Giao thừa, chùa Phù Liễn, chùa Hang, đền Xương Rồng… (TP. Thái Nguyên) đã có nhiều người đến dâng hương, vãn cảnh với đức tin bình yên, nhiều tài lộc. Đặc biệt là các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân, như: Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương)… đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến. Điều đáng ghi nhận năm nay đó là tại các điểm đến tâm linh không đặt thêm hòm đặt tiền giọt dầu, hoặc đốt vàng mã quá nhiều. An ninh trật tự được bảo đảm, tạo cho nhân dân, du khách yên tâm đi lễ, vãn cảnh, tham gia các trò hội và mua sắm đầu Xuân.
Thái Nguyên có lợi thế nằm ở vị trí cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, tỉnh cũng sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 52 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Từ lâu, Thái Nguyên đã trở thành điểm đến thân thiện đối với du khách trong nước, quốc tế. Ví như năm 2023, ngay sau khi ngành Du lịch mở cửa trở lại đón du khách, Thái Nguyên đã đón tiếp, phục vụ gần 2,5 triệu lượt khách, tăng 14,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế hơn 20.000 lượt, tăng hơn 25,5% so với cùng kỳ; khách nội địa hơn 2,4 triệu lượt, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Ghi nhận trong năm qua, đã có hơn 961.500 lượt khách lưu trú qua đêm, (chiếm 38,49%), tăng 4,96% so với cùng kỳ. Theo đó, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.144 tỷ đồng, tăng gần 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa (chiếm 97,82%), tăng 18,61% so với cùng kỳ; khách quốc tế (chiếm 2,18%), tăng 25,31% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, lượng khách tham quan tại các điểm đến và doanh thu từ hoạt động du lịch tăng đột biến. Từ ngày 10 đến 14-2, các điểm đến đón tiếp gần 200.000 lượt du khách (tăng hơn 60.000 lượt khách), tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2023.
Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng đón tiếp, phục vụ du khách bằng các dịch vụ tốt nhất. Các cơ sở liên quan đến hoạt động du lịch cũng đã sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan, quán triệt đến cán bộ, nhân viên phục vụ với tinh thần “vui lòng khách đến, hài lòng khách đi”. Bên cạnh đó, các thành viên thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có sự gắn kết linh hoạt, tạo điều kiện cho nhân dân, du khách được hưởng nhiều lợi ích nhất. Trong đó, có thể kể tên một số địa điểm du lịch như: Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân (TP. Sông Công) có mô hình du lịch sinh thái, tham quan mua sắm, vui chơi giải trí; Khu du lịch hồ Núi Cốc có du lịch sinh thái gắn với tâm linh, nghỉ dưỡng; Khu bảo tồn Làng Nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải có sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Tày. Ngoài ra, một số điểm du lịch về nguồn như: Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên) cũng đón một lượng lớn nhân dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm ngay từ những ngày đầu Xuân mới.
Để nhân dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm an toàn, văn minh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thường xuyên có văn bản phối hợp, hướng dẫn các cấp, ngành liên quan và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghiêm túc thực hiện các quy định chung của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích các khu, điểm đến đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch; nâng cấp buồng, phòng, hướng dẫn cho nhân viên lễ tân có thái độ phục vụ lịch thiệp, tham gia hoạt động kích cầu du lịch bằng cách giảm giá một số sản phẩm dịch vụ. Mặt khác, giá dịch vụ tại các điểm du lịch cũng được niêm yết công khai, không có tình trạng “chặt chém” du khách. Qua đó, tạo uy tín tốt đối với du khách về quê hương, con người Thái Nguyên. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, danh thắng có ý nghĩa cùng tình cảm đôn hậu, mến khách của người dân, hy vọng Thái Nguyên sẽ là địa điểm thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo Báo Thái Nguyên
https://baothainguyen.vn/van-hoa/202403/du-lich-thai-nguyen-khoi-sac-tu-dau-xuan-66909c1/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn