Giải bài toán việc làm cho người lao động bị thu hồi đất

Giải bài toán việc làm cho người lao động bị thu hồi đất

15/07/2024 | Tác giả: Hoàng Anh Lượt xem: 75


Những năm gần đây, công tác thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở TX Quảng Yên đã được triển khai thực hiện mạnh mẽ với diện tích đất và số người bị ảnh hưởng lớn. Làm thế nào để ổn định đời sống và tạo công ăn việc làm cho người dân bị mất đất là bài toán đã và đang được địa phương này tích cực thực hiện một cách hiệu quả.

Giải bài toán việc làm cho người lao động bị thu hồi đất

Xu hướng tất yếu

Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển Quảng Yên thành hạt nhân, động lực tăng trưởng mới tuyến phía Tây của tỉnh và trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TX Quảng Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định mục tiêu xây dựng Quảng Yên trở thành thành phố vào năm 2025 và là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, đạt đô thị loại II trước năm 2030.

Bởi vậy, từ một địa phương có phần lớn dân số là nông dân và ngành nông nghiệp đang là nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Yên đã có sự bứt phá mạnh mẽ toàn diện. Cùng với sự phát triển đó, chuyển dịch cơ cấu đất đai là xu hướng tất yếu. Quá trình này đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập và cải thiện đáng kể mức sống của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Người dân xã Tiền Phong, TX Quảng Yên nhận tiền bồi thường GPMB dự án tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc (giai đọan 94,4 ha). Ảnh: TTTTVH TX Quảng Yên.

Giai đoạn 2016 đến nay, trên địa bàn thị xã đã triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đó là các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, các kết cấu hạ tầng, giao thông mang tính động lực, như: Dự án đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng xuống KCN Nam Tiền Phong; dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 331B đoạn Chợ Rộc - Bến Giang; khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, KCN Amata....

Theo số liệu thống kê TX Quảng Yên, chỉ riêng từ năm 2021-2023, toàn thị xã đã thu hồi tổng diện tích gần 11.000ha. Đáng chú ý, việc thu hồi đất tác động đến đời sống gần 23.000 hộ dân với khoảng 26.000 người bị ảnh hưởng. Quá trình thu hồi đất tác động và ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống của người dân. Về mặt tích cực, quá trình này đã thúc đẩy sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Trong quá trình đó, công nghiệp hóa tạo ra nhiều ngành nghề mới, nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và kéo theo sự phát triển khoa học, công nghệ, trình độ của người lao động, khai thác được tiềm năng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án đầu tư kinh tế - xã hội đi liền với việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, tình trạng đất sản xuất - kinh doanh của người dân bị thu hẹp. Điều này đã làm cho một bộ phận người dân bị mất tư liệu sản xuất cần phải chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi sinh kế... Một số người do không có việc làm đã sa vào các con đường kiếm tiền phi pháp, tham gia vào các TNXH, ma túy, có chiều hướng gia tăng, đáng báo động.

Gia đình anh Hoàng Văn Kiên, thôn 2, xã Sông Khoai chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh sau khi bị thu hồi đất.

Mặt khác, các dự án thu hồi đất chưa gắn với phương án đào tạo nghề, chưa chuẩn bị những điều kiện cần thiết giúp cho người dân có đất thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, một bộ phận người dân trong vùng thu hồi đất không có khả năng tìm kiếm hoặc tự tạo cho mình một công việc mới ổn định, dẫn tới bị thất nghiệp và thiếu việc làm tạm thời nên cuộc sống bấp bênh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thu hồi đất thường bị kéo dài và dẫn đến nhiều trường hợp khiếu kiện trong thời gian qua.

Nhận diện rõ thực tế này, trong quá trình thu hồi đất, Quảng Yên đã thực hiện nhiều chính sách cụ thể đối với người nông dân, như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm; đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ tái định cư... Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất đối với người lao động bị ảnh hưởng do thu hồi đất trong những năm tiếp theo, TX Quảng Yên đã xây dựng và thực hiện Đề án: “Đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các khu công nghiệp trên địa bàn TX Quảng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân

Năm 2021, dự án khu phức hợp Hạ Long Xanh được phê duyệt, triển khai khiến không ít hộ dân sinh sống trên địa bàn phường Hà An bị mất đất nông nghiệp, mất tư liệu sản xuất; trong đó có gia đình anh Bùi Huy Hăng ở khu 8. Vốn dĩ cả gia đình 3 thế hệ phần đa là người già và trẻ nhỏ đang sống nhờ vào 5 sào đất ruộng thì bỗng bị thu hồi, gia đình anh không khỏi chông chênh, mất phương hướng trong một khoảng thời gian dài.

Từ số tiền vay được từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, anh Hăng đã mạnh dạn mua giống và xây dựng mô hình kinh tế nuôi dúi. Đến nay, anh Hăng đã phát triển được đàn dúi trên 300 con, chuyên cung cấp con giống cho khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Hăng cho biết: “Ngay sau khi bị thu hồi đất, tôi đã nghĩ ngay đến việc phát triển một mô hình kinh tế để nuôi sống bản thân, gia đình. Băn khoăn, đắn đo mãi tôi cũng chọn nuôi dúi. May mắn là mô hình đã thành công và hiện đang phát triển rất tốt. Vừa qua, tôi cũng đã đăng ký vay thêm vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm để nhân rộng đàn, mở rộng quy mô mô hình”.

Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Bùi Huy Hăng, khu 8, phường Hà An, TX Quảng Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự hoàn cảnh anh Hăng, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, khu 3A, phường Hà An cũng bị thu hồi 3 sào đất nông nghiệp. Được sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương và gia đình, chị Duyên đã đăng ký học lớp chế biến món ăn và phục vụ trong thời gian 3 tháng. Hiện chị đang thành công với mô hình kinh doanh quán ăn nhỏ.

“Sau khi tham gia khóa học, tôi đã đăng ký vay vốn 45 triệu đồng để mở quán ăn. Do được học bài bản các kiến thức chế biến cũng như phục vụ, quán của tôi được mọi người ưa thích và đến trải nghiệm món ăn ngày càng đông. Tuy bị mất đất sản xuất, song được hỗ trợ đi học nghề lại được vay vốn phát triển kinh tế như thế này, gia đình tôi cũng cảm thấy vui và phấn khởi” – Chị Duyên chia sẻ.

Không chỉ anh Hăng, chị Duyên, những năm qua, hàng nghìn người trên địa bàn thị xã đã được địa phương hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm. Trong đó, số lao động bị thu hồi đất đã được giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề trên 5.500 người; lao động được đào tạo trên 1.800 người; lao động được vay vốn giải quyết việc làm trên 700 người, đạt 90,1% so với nhu cầu với số tiền gần 35 tỷ đồng. Cùng với đó, thị xã đã giải quyết chế độ chính sách trợ cấp hàng tháng đối với lao động thuộc hộ bị thu hồi đất là người cao tuổi 358 người, số tiền trên 2,5 tỷ đồng; người khuyết tật 65 người gần 1 tỷ đồng.

Sau khi tham gia lớp đào tạo chế biến món ăn và phục vụ, chị Nguyễn Thị Duyên, khu 3A, phường Hà An, TX Quảng Yên mở quán ăn, tạo thu nhập ổn định.

Ông Vũ Đức Hào, Trưởng Phòng LĐTB&XH thị xã cho biết: Để có được kết quả này, những năm qua, TX Quảng Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Thị xã đã tích cực tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với người lao động; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh cũng như của Trung ương nhằm thu hút lao động tham gia học nghề, tạo nguồn lao động chất lượng cao cung cấp cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề...

Từ năm 2021-2023, thị xã đã phối hợp tổ chức 17 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động bị thu hồi đất; thiết kế, in ấn 6.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; tư vấn, định hướng nghề cho hơn 2.000 học sinh cấp 3 tại Trung tâm GDNN-GDTX, Trường THPT Yên Hưng... 

Thị xã nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng cho vay vốn ưu đãi từ quỹ Quốc gia về việc làm; đồng thời, duy trì và phát triển các nguồn vốn vay từ các nguồn khác nhau với điều kiện ưu đãi về lượng vay, lãi suất, thời hạn và có sự hướng dẫn sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.

Cùng với việc Quảng Yên thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các doanh nghiệp được giao đất trong KCN đã ưu tiên tuyển dụng lao động bị thu hồi đất của địa phương vào làm việc. Đặc biệt, tuyển dụng lao động trên địa bàn thị xã đã qua đào tạo tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh vào làm việc tại các vị trí yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật: Sinh viên khoa tiếng Trung, tiếng Anh Trường đại học Hạ Long được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại công ty TNHH Jinko solar Việt Nam (KCN Sông Khoai); sinh viên Tiếng Nhật được ưu tiên tuyển vào làm việc tại chi nhánh công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh.

Nhiều doanh nghiệp tăng tuổi tuyển dụng lao động đến 50 đối với nữ, 55 tuổi đối với nam để người lao động bị thu hồi đất có cơ hội làm việc trong doanh nghiệp ổn định cuộc sống. Đơn cử như Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam, công ty TNHH kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam…

Đặc biệt, hàng năm, thị xã chủ động phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức khảo sát, nắm nguồn lao động có nhu cầu về việc làm, đặc biệt là những lao động bị thu hồi đất. Tổng hợp nhu cầu định kỳ hàng quý từ xã, phường. Cùng với đó là thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động, vị trí việc làm của các doanh nghiệp và đề xuất các vị trí tuyển lao động có độ tuổi cao hơn mức tiêu chuẩn.

Phòng LĐTB&XH TX Quảng Yên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các buổi kết nối tuyển dụng ngay tại thôn, khu. Ảnh: Phòng LĐ-TB&XH TX Quảng Yên cung cấp.

Trên cơ sở đó, tổ chức các buổi kết nối tuyển dụng lao động, ngày hội việc làm, xuất khẩu lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động đến tận thôn, khu phố nhằm tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt thông tin về vị trí việc làm. Qua đó giúp doanh nghiệp tuyển chọn lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội lựa chọn nơi làm việc phù hợp với bản thân…

Thực tế cho thấy, hiện số lượng lao động có việc làm trên địa bàn TX Quảng Yên tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm giảm xuống rất nhiều; thu nhập của người lao động được nâng cao, góp phần tích cực cải thiện tốt hơn tình hình an sinh xã hội trên địa bàn. Do đó, thời gian tới, thị xã tiếp tục thực hiện đảm bảo cho người dân bị thu hồi đất trên địa bàn thị xã có việc làm, thu nhập ổn định và có cuộc sống tốt hơn nữa; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo tinh thần Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXI, phấn đấu xây dựng thị xã Quảng Yên trở thành thành phố trước năm 2025 và đạt đô thị loại II trước năm 2030.

Theo Báo Quảng Ninh

https://baoquangninh.vn/giai-bai-toan-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-bi-thu-hoi-dat-3298371.html


Chia sẻ trên

15/07/2024 | Tác giả: P.Vũ

Đẩy mạnh giải ngân vốn chính sách phục vụ mục tiêu giảm nghèo

Thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập... góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững được TX. Ba Đồn quan tâm, nỗ lực thực hiện. Trong đó, việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là "bệ đỡ" để nhiều người nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

15/07/2024 | Tác giả: Thanh Hoa

Phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Vẫn còn lắm khó khăn

Cùng với phát triển đội tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư tàu dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá. Tuy nhiên, số lượng tàu làm DVHC nghề cá tỉnh ta còn khá ít, trong quá trình hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

15/07/2024 | Tác giả: Lâm An

Quảng Trạch: Đẩy mạnh công tác trồng rừng

Để bảo đảm công tác trồng rừng năm 2023, huyện Quảng Trạch đang tập trung chỉ đạo các xã trên địa bàn tích cực dọn thực bì, chuẩn bị cây giống, phân bón và phân công cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...