Hà Nội thúc đẩy tiêu dùng xanh
27/07/2023 | Tác giả: Nguyệt Ánh Lượt xem: 283
Tiêu dùng xanh ở các thành phố lớn đang dần trở thành xu thế ngày càng rõ nét, với kết quả khảo sát cho thấy khoảng 95% người tiêu dùng ở Hà Nội và TP.HCM đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Do vậy, TP Hà Nội trong thời gian qua đã đẩy mạnh triển khai các chương trình về thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, cũng như hỗ trợ các đơn vị sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Hà Đông tổ chức khai mạc Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023, nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững.
Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững
Chương trình có quy mô 30 gian hàng với nhiều sản phẩm khác nhau: Túi xách, bao bì tái chế; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; thực phẩm chế biến; đồ gia dụng.
Theo đó, sự kiện được kỳ vọng sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững và ổn định.
Các hoạt động chính của Chương trình gồm: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố; Kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường tới các đối tác, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thông qua sự kiện này, Thành phố mong muốn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải có nguồn gốc từ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm có chất liệu có thể tự hủy, thân thiện với môi trường, tăng cường sản xuất các sản phẩm xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của Thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh của Hà Nội.
Xu hướng tiêu dùng xanh trở thành tất yếu
Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng hiện nay tập trung nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến sản phẩm đầu ra. Người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm ly, ống hút hay bao bì được làm từ vật liệu thiên nhiên để thay thế đồ nhựa dùng một lần đã trở thành xu thế tiêu dùng mới, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Người dân và nhà đầu tư chuyển dần thói quen mua sắm thông thường bằng các kênh tiêu dùng “xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, bà Hoàng Thị Thùy (Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) luôn tìm kiếm các sản phẩm tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường. Đơn cử, với mặt hàng thời trang, bà thường ưu tiên sử dụng các thương hiệu được sản xuất từ những nguyên liệu tự nhiên, có thể tái chế được.
Đặc biệt, để bảo vệ môi trường, mỗi lần đi chợ, bà Thùy thường tự đem theo làn mây tre để đựng đồ, thay vì sử dụng túi ni lông. "Tôi cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, bởi nó gây hại cho môi trường sống của chúng ta", bà Thùy chia sẻ.
Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu. 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và tư duy rằng mỗi người đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh. Từ đó, người dân thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.
Nhận thức này được chuyển thành hành động, khi có tới 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas…
Bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh, Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng ngày nay quan tâm và tin tưởng các sản phẩm bền vững sẽ giúp tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài dù chi phí ban đầu cao. Đặc biệt, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Tăng thêm các chính sách hỗ trợ
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Đồng thời, Thành phố triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
“Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại Thủ đô sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn” – bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài TP Hà Nội năm 2019 tại Làng nghề Hạ Thái, Thường Tín; Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2020 cho nhóm ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại huyện Chương Mỹ; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sản thành phố Hà Nội năm 2020 tại huyện Quốc Oai; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2020 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm…
Những hoạt động trên của UBND Thành phố Hà Nội nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Đồng thời cũng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ tổ chức chuỗi sự kiện: “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề chứng nhận OCOP năm 2023” tại huyện Phú Xuyên; “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành điện tử, đồ gia dụng” tại quận Long Biên;… Chuỗi sự kiện sẽ đem đến cái nhìn tổng thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch của Thành phố, phục vụ tốt nhất du khách đến với Thủ đô.
Theo VnBusiness
https://vnbusiness.vn/thi-truong/ha-noi-thuc-day-tieu-dung-xanh-1094200.html