Hàng trên mạng, chất lượng... trên mây
03/01/2024 | Tác giả: Uyên Phương Lượt xem: 200
Thói quen mua sắm online (trực truyến) ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không gian mạng rộng lớn gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng cũng như truy thu thuế của cơ quan chức năng.
Thùy Trang (23 tuổi, sinh viên), cầm chai nước hoa có nguồn gốc từ Pháp được mua trên một sàn thương mại điện tử (TMĐT) với giá chỉ 485.000 đồng/100ml, nói: “Gần như không có hương thơm gì cả. Khi quyết định mua, em đã cẩn thận xem các đánh giá 5 sao, nhận xét hàng rất tốt nhưng dùng chẳng khác gì nước lã.
Liên hệ với shop thì họ trả lời chỉ cam kết đúng mẫu mã, hình ảnh còn chất lượng thì không biết… vì cũng lấy lại từ người khác”.
Giới thiệu nhiều sản phẩm Tết như kẹo sâm, bánh quy, nước uống trái cây… có nguồn gốc từ Hàn Quốc trên Facebook, chị T.H (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) nói: “Các sản phẩm có giá từ 85.000 - 195.000 đồng/sản phẩm, rẻ hơn phân nửa so với mua tại cửa hàng vì được người nhà xách tay về”. Bên dưới phần bình luận, nhiều người vào trả giá, đặt hàng nhộn nhịp. Sau 30 phút đăng bài, hơn 10 đơn hàng đã “chốt” xong.
Chị H. tiết lộ, kinh doanh online gần 5 năm nhưng chị chưa phải đóng bất cứ đồng thuế nào vì biết cách “lách luật”. Đó là sau khi khách “chốt đơn” thì mới đặt hàng ở nước ngoài và giao ngay khi hàng về. Chị cũng tự đi giao hàng với những địa chỉ trong nội thành TPHCM còn khách ở tỉnh thì ký gửi nhà xe nên cơ quan chức năng khó phát hiện.
Gần Tết, nhu cầu mua sắm thực phẩm, bánh kẹo, rượu… tăng cao. Nắm bắt cơ hội, M.N (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, hướng dẫn viên du lịch) đã “kéo hàng” về bán online sau những tua đi nước ngoài. N nói: “Mình “mua tận gốc, bán tận ngọn”, không qua khâu trung gian. Nguồn gốc thế nào thì đúng như vậy chứ không “tráo địa chỉ” nên khách hàng tin tưởng. Về giá cả thì tất nhiên rẻ hơn bên ngoài rất nhiều vì không có thuế. Mình cũng nói trước là không xuất hóa đơn, khách đồng ý thì mua”.
Những ngày cuối năm 2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM liên tục phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng giả, hàng lậu qua các sàn online. Cục đã phối hợp với Đội 6 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh tại các quận 5, 6, 8, 11, tạm giữ gần 90.000 sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trị giá hơn 1,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa phối hợp với Công an huyện Xuyên Mộc kiểm tra điểm tập kết hàng của hộ kinh doanh Trần Thị Thanh Hoài (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và phát hiện hàng trăm mã hàng từ quần áo, giày dép đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh khai nhận toàn bộ hàng hóa được nhập từ TPHCM, bán trên các nền tảng mạng xã hội bằng hình thức livestream.
Siết quản lý
Đại diện Cục QLTT TPHCM cho biết, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hoạt động trên nền tảng di động hiện nay rất phức tạp. Việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng nên không dễ xác định được đối tượng vi phạm và nơi tàng trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, việc chuyển hàng qua dịch vụ giao nhận, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy với số lượng ít nên rất khó phát hiện. Khó khăn nhất là dân số TPHCM đông, địa bàn rộng, các hoạt động chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả được các đối tượng chuyển vào các căn nhà trong hẻm sâu hoặc trong các chung cư cao cấp.
“Trong năm 2023, Cục đã xử phạt 77 vụ liên quan đến kinh doanh TMĐT, phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… với số tiền phạt gần 2 tỷ đồng. Nhiều đối tượng đã bị xử phạt nhưng do việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu đem lại lợi nhuận rất lớn nên vẫn tiếp tục tái phạm” - đại diện Cục QLTT TPHCM nói.
Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, trong năm 2023, thành phố đã rà soát gần 5.900 cá nhân, hộ kinh doanh trên nền tảng TMĐT, truy thu và phạt vi phạm hơn 217 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022.
Ông Trần Ngọc Linh, Phó trưởng Phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác Cục Thuế TPHCM, cho biết, có 267 sàn TMĐT tại TPHCM thuộc diện phải cung cấp thông tin. Theo dữ liệu tổng hợp, đến cuối quý III/2023 có 34.900 lượt người nộp thuế với tổng giá trị giao dịch hơn 14.500 tỷ đồng. “Số thu từ TMĐT tăng 14 lần. Thành phố tăng thu ngân sách được nhiều nhờ khai thác dữ liệu các sàn TMĐT” - ông Linh nói.
Tuy nhiên, các chủ sàn TMĐT vẫn chưa cung cấp đầy đủ thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn. Bên cạnh đó, việc chuyển hóa các thông tin “ảo” của cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội thành thông tin thật như căn cước công dân, điện thoại; đơn vị giao nhận lại chưa hoặc cung cấp không xác định được tên, mã số thuế của tổ chức, cá nhân bán hàng để quản lý thuế. Đây là những thách thức với ngành thuế trong việc truy thu thuế kinh doanh online.
“Bộ Tài chính cần bổ sung quy chế yêu cầu các chủ sàn TMĐT nộp thuế thay cho các nhà cung cấp trong nước; phối hợp liên ngành và đẩy mạnh thanh tra kiểm tra các trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán… để quản lý, hiệu quả hơn việc thu thuế” - ông Linh kiến nghị.
Ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, trong năm 2024, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số với mục tiêu đưa toàn bộ sàn TMĐT vào hệ thống cổng thông tin quản lý của cơ quan thuế, từ đó nắm rõ số lượng người đang kinh doanh TMĐT. Riêng hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội, ngành thuế vẫn gặp không ít khó khăn trong quản lý, nhưng thời gian tới sẽ nỗ lực để tìm ra các giải pháp hữu hiệu.
Đại diện nhiều sàn TMĐT như Lazada, Shoppe… cam kết sẽ siết chặt quản lý, giữ quyền xóa nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu người mua hàng phản ánh nội dung quảng cáo sai sự thật, sàn TMĐT có công cụ gỡ bài, thậm chí xóa tài khoản, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn..., đồng thời báo cáo với chính quyền về vi phạm để nhà cung cấp không chỉ chịu chế tài trên nền tảng số mà còn chịu chế tài xử lý Nhà nước.
Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/hang-tren-mang-chat-luong-tren-may-post1601091.tpo