Hậu Giang hướng đến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP
05/12/2023 | Tác giả: Hoàng Tuyết Lượt xem: 239
Ngành du lịch tỉnh Hậu Giang đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và các dịch vụ tại nông thôn.
Cần quy hoạch bài bản, tạo chuỗi liên kết
Vừa giới thiệu đến du khách sản phẩm dưa lưới đạt tiêu chuẩn OCOP, ông Trần Hoàng Nhã, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mekong Delta Hưng Thịnh cho biết, sau khi nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp, HTX với 31 thành viên đã cùng nhau trồng dưa lưới để giới thiệu đến khách du lịch khi đến với địa phương. Đây cũng là nông sản cho giá trị cao khi giá bán dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với các sản phẩm nông nghiệp khác.
Hiện nay, ngoài bán sản phẩm tươi, dưa lưới còn làm nước ép để hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, dây dưa còn có thể làm phân bón cho các cây trồng khác. Đối với ngành du lịch, du khách đến các vườn dưa lưới tại địa phương vừa được tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng dưa lưới, vừa có thể tự tay hái các sản phẩm và thưởng thức ngay tại vườn.
Thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) hiện có hơn 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao, có thể giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước như: chả lụa Hồng Hoa, lạp xưởng Hồng Thị Xiếu Lũy, bánh bông lan và mứt tắc 9 Thủy, các sản phẩm dưa lưới của thị xã Long Mỹ… Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, muốn biến các sản phẩm này thành các sản phẩm phục vụ ngành du lịch cần có thời gian và có những giải pháp cụ thể hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ du lịch Đại học Nguyễn Tất Thành, đồng sáng lập Mạng lưới Nghiên cứu Du lịch Việt Nam (VTR) cho biết, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đang mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương trên thế giới và Việt Nam. Trước tiên, nó giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng cho nông dân tại các địa phương; thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp của địa phương đó đến với du khách trong và ngoài nước. Đối với tỉnh Hậu Giang nói chung và thị xã Long Mỹ nói riêng đã có tiềm năng phát triển du lịch và sản phẩm OCOP, nhưng chuyện cần làm là biến sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch. Thực tế, địa phương chưa có nhiều sản phẩm OOCP được đưa vào giới thiệu trong ngành du lịch. Một số điểm đến có sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách thì thiếu các điều kiện để phát triển du lịch như: thiếu địa điểm giữ xe cho du khách lẻ và khách đoàn, nơi ngủ nghỉ đạt tiêu chuẩn cũng còn ít, các khu vực trải nghiệm nông sản OCOP chưa nhiều…
“Tỉnh muốn phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp trước tiên phải có quy hoạch bài bản từ khu vực phát triển du lịch nông nghiệp, các hạ tầng dịch vụ đi cùng như: các bãi giữ xe phù hợp, các điểm lưu trú đạt chuẩn, các quy định khi tham quan vườn cây, ăn quả OCOP ra sao... Chứ nếu một lượng du khách quá lớn đến một điểm du lịch quá nhỏ sẽ dẫn đến quá tải, chưa kể du khách khi tham quan cũng chưa được thông tin, tập huấn nên hạn chế cầm, chạm vào các loại cây, quả đang trồng sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch về sau… Khi đó, chính du lịch không mang lại hiệu quả mà làm hại ngành nông nghiệp”, TS Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm.
Người địa phương đi du lịch địa phương
Là chuyên gia lâu năm trong ngành du lịch, Thạc sĩ Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, chuyên gia tư vấn điểm đến cho biết, các tỉnh miền Tây chưa có mô hình du lịch cộng đồng phát triển thành công như các tỉnh phía Bắc, nhưng thực tế ở các tỉnh này đều có điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, các địa phương phải đánh giá tiềm năng sản phẩm du lịch nông nghiệp của mình đang ở đâu để từ đó chọn và xây dựng sản phẩm đặc trưng của mình. Sản phẩm đặc trưng này phải khác so với các tỉnh lân cận nhưng lại hấp dẫn được du khách, phù hợp với xu thế của du lịch hiện nay.
“Đối với các địa phương, sản phẩm OCOP chỉ là bước đầu và điều kiện có để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, vì vậy các nhà quản lý phải giúp nông dân xây dựng các tiêu chí của một sản phẩm du lịch nông nghiệp OCOP phù hợp với từng địa phương; kích thích, tạo cơ hội cho người trẻ quay trở lại đầu tư tại quê hương, từ đó góp phần gia tăng nguồn lực tại địa phương; tận dụng các dịch vụ tại chỗ để giảm các chi phí dịch vụ…”, Thạc sĩ Trần Tường Huy cho biết.
Là doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh thường đưa du khách tham quan du lịch tại các tỉnh miền Tây, ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim cánh cụt cho biết, nông dân thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) muốn làm sản phẩm du lịch nông nghiệp thành công trước tiên cần tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có ngay tại địa phương để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu. Khi du lịch phát triển, nông dân sẽ có thêm điều kiện, kinh phí để đầu tư bài bản với quy mô lớn hơn để đón khách nhiều hơn.
Mặt khác, địa phương muốn thu hút du khách cũng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm, nhất là truyền thông trong giới trẻ, đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch. Bởi du lịch là sự cộng hưởng kích thích sự phát triển của nông nghiệp tại địa phương, từ đó giúp người dân có kế sinh nhai và phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững hơn.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, Hậu Giang cho biết, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hậu Giang nói chung và thị xã Long Mỹ nói riêng còn khá nhiều. Bởi Hậu Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật đặc trưng, có không gian lịch sử văn hóa lâu đời, con người nơi đây cũng rất thân thiện… Tỉnh cũng xem ngành du lịch là trong 4 trụ cột đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội nên đã có nhiều đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng. Đối với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi như: dự án nào đầu tư phát triển homestay, cơ sở lư trú từ 20 phòng trở lên sẽ hỗ trợ vốn hay tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho nông dân đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp…
“Về lâu dài, địa phương cũng đầu tư cho các nông dân phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “nhà có số, đường có hoa và nâng tầm cán bộ”. Trong đó, nhà dân sẽ được đánh số thứ tự và hướng dẫn duy trì, bảo tồn, phát triển kiểu nhà ba gian của người Nam Bộ, trước các ngôi nhà này còn ưu tiên trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan thiên thiên đẹp mắt cho du khách lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Đối với cán bộ làm quản lý cũng được trang bị các kiến thức về phát triển du lịch nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ người dân kịp thời khi đầu tư vào các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Diên cho biết thêm.
Ngày 3/12, UBND thị xã Long Mỹ, Hậu Giang tổ chức tọa đàm "Vai trò của du lịch nông nghiệp và cơ hội cho thị xã Long Mỹ" nhằm tìm ra những giải pháp để nông dân phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP bền vững. Đây là hoạt động chính nằm trong khuôn khổ của Ngày hội du lịch - sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ, Hậu Giang.
Theo Tin tức
https://baotintuc.vn/du-lich/hau-giang-huong-den-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-gan-voi-san-pham-ocop-20231203140805741.htm