Lạ lùng thị trường điện máy, công nghệ
07/01/2024 | Tác giả: NGUYỄN HẢI Lượt xem: 173
Cận Tết Nguyên đán thường là thời điểm sôi động của thị trường điện máy, công nghệ nhưng năm nay thì ngược lại
Thị trường điện máy, điện tử trong năm qua được đánh giá là đã chạm đáy, thậm chí thủng đáy, bởi sức mua quá yếu trong khi hàng hóa dồi dào, giá giảm. Chỉ còn khoảng một tháng nữa đã đến Tết Nguyên đán song thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Nhà bán lẻ bị "hố"
Cách đây khoảng 3-4 tháng, khi tỉ giá USD/VNĐ tăng cao, ngay lập tức các hãng điện máy, điện tử gửi thông báo đến các hệ thống bán lẻ, nhà phân phối về việc sẽ tăng giá khoảng 5% - 7% tùy mặt hàng. Thời gian áp dụng từ tháng 11 hoặc 12-2023.
Nhận thông báo, các nhà phân phối tính toán khả năng sức cầu tăng vào cuối năm trong khi giá sản phẩm cũng tăng thì sẽ không có lợi. Do đó, nhà bán lẻ quyết định nhập sẵn hàng chờ thời điểm thị trường sôi động vào trước Tết Nguyên đán.
Ông Huỳnh Ngọc Lam, phụ trách kinh doanh một siêu thị điện máy ở TP HCM, cho biết 2 tháng cuối năm thường là thời gian cao điểm bán hàng Tết nên các hệ thống bán lẻ phải nhập hàng số lượng lớn, chỉ trừ mặt hàng nào còn tồn kho quá nhiều. Do đó, nhà bán lẻ không ngại ngần nhập hàng từ sớm để tránh đợt tăng giá theo thông báo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, ngược với dự báo ban đầu, sức mua trên thị trường cuối năm rất yếu, các nhà sản xuất không dám tăng giá bán như dự định. Điều này khiến nhiều nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ bị "hố". Nguồn hàng tồn kho vốn đã nhiều nay lại tăng thêm đáng kể.
Hàng điện máy tồn kho ở nhà máy chỉ được phép giữ trong khoảng 12 tuần bán hàng, nay đã tăng lên hơn 20 tuần. Còn nhà bán lẻ chỉ được phép tồn kho 6 tuần bán hàng, nay tăng đến 20 - 25 tuần. Theo thống kê sơ bộ, tồn kho mặt hàng tivi hiện lên đến 1 triệu chiếc, tủ lạnh 800.000 chiếc, máy giặt 600.000 chiếc; cao hơn cùng kỳ các năm trước khoảng 30% - 50%.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, cho biết vừa qua, khi tỉ giá tăng cao, các hãng và nhà phân phối tại Việt Nam phải chấp nhận bù lỗ tỉ giá do không thể tăng giá hàng hóa bởi sức mua yếu. Tương tự, nhà bán lẻ cũng chịu phần thua thiệt khi giá đầu vào tăng mà giá đầu ra vẫn giữ nguyên. Do vậy, thời điểm cận Tết này, cả nhà phân phối lẫn nhà bán lẻ đều không dám mạo hiểm nâng giá.
Giá giảm sâu vẫn ế
Các hệ thống bán lẻ hàng điện máy, điện tử, công nghệ đang chạy đua ưu đãi, giảm giá sâu, ưu đãi lớn nhưng dường như rất ít khách hàng chịu xuống tiền. "Trận đánh" cuối dự kiến vào giữa tháng 1-2024 chuẩn bị được các nhà bán lẻ tung ra để giải phóng hàng tồn càng nhiều càng tốt.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc thương mại hệ thống FPT Shop, nhận định dịp gần Tết là thời điểm "vàng" để các nhà bán lẻ tập trung kích cầu thị trường. FPT Shop đã làm việc với các đối tác, các hãng công nghệ lớn để cùng "chạy" chương trình khuyến mãi, tặng quà, giảm giá "khủng" cho hàng loạt sản phẩm công nghệ, đồ gia dụng, điện máy.
Để tìm kiếm khách hàng, FPT Shop tổ chức 5 phiên livestream trên TikTok Shop nhằm mang đến hình thức mua sắm trực tuyến với nhiều ưu đãi lớn, cơ hội trúng giải minigame với phần quà là 100 tivi Xiaomi hoặc phiếu mua hàng trị giá đến 500.000 đồng.
Ông Nguyễn Lạc Huy nhìn nhận sau khi nhu cầu bùng nổ vào giai đoạn 2020 - 2021, toàn bộ chuỗi cung ứng đã chạy theo một kỳ vọng sai. Thực tế, nhiều loại linh kiện hàng công nghệ đang dư thừa đến năm 2025 dẫn tới giá sản phẩm liên tục giảm.
Tại nhiều hệ thống bán lẻ, giá điện thoại iPhone 15 series giảm 2 triệu đồng/chiếc, thu cũ đổi mới được giảm thêm 1,5 triệu đồng/chiếc. Điện thoại iPhone 14 Pro Max 256 GB giảm 4 triệu đồng/chiếc, còn 28,9 triệu đồng/chiếc. Apple Watch SE 2 GPS 40 mm giảm 1,5 triệu đồng/chiếc, còn 5,9 triệu đồng/chiếc.
Không riêng Apple, sản phẩm của Samsung cũng giảm giá rất mạnh. Điện thoại Samsung Galaxy S22 5G 128 GB giảm 10 triệu đồng/chiếc, còn 11,9 triệu đồng/chiếc; Galaxy S22 giảm 14 triệu đồng/chiếc, còn 16,9 triệu đồng/chiếc...
Mặt hàng laptop thời gian qua liên tục giảm giá lên đến cả chục triệu đồng/chiếc và dự báo tiếp tục giảm. Chẳng hạn, laptop Asus TUF Gaming FX507ZC4-HN095W i5 giảm 5 triệu đồng/chiếc, còn 19,9 triệu đồng/chiếc; Lenovo Yoga Duet 7 giảm 10 triệu đồng/chiếc, còn 18,9 triệu đồng/chiếc...
Nhiều mặt hàng điện máy, điện lạnh cũng đang giảm giá 30% - 50% tùy lượng tồn kho nhiều hay ít. Trong đó, các dòng máy lạnh giảm giá 10%; tủ lạnh, máy giặt giảm 25%; tivi giảm mạnh 30% - 50%. Đặc biệt, đồ điện gia dụng giảm giá đến 50% - 70% do sức mua từ mức rất cao trong đợt dịch COVID-19 để phục vụ nhu cầu của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội xuống mức rất thấp hiện nay.
Vì sao giá tivi chạm đáy?
Giá bán tivi năm 2023 chạm đáy vì tấm màn hình tivi đang tồn kho lớn ở các nhà máy của Trung Quốc từ đầu năm 2022 nên họ chấp nhận bán lỗ với mức giá giảm đến 40%. Theo tìm hiểu, tấm màn hình chiếm 60%-70% giá thành tivi nên khi linh kiện này giảm giá đến 40% thì giá bán tivi thành phẩm cũng giảm tương ứng.
Ngoài ra, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, người dân nhiều nước trên thế giới phải làm việc tại nhà nên nhu cầu mua tivi tăng vọt và nay cầu giảm sút mạnh. Nguồn hàng dư được chuyển về thị trường Việt Nam khiến nguồn cung tăng mạnh.
Theo Lao động
https://nld.com.vn/la-lung-thi-truong-dien-may-cong-nghe-19624010620393854.htm