Một loại lá mọc đầy tại Việt Nam ra nước ngoài thành hàng hiếm: Nhật Bản, Hàn Quốc liên tục đổ tiền mua, thu về hàng triệu USD mỗi năm
07/01/2024 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 188
Việt Nam có đến nửa triệu ha trồng loại cây 'tỷ đô' này mỗi năm, thu về bộn tiền từ gốc cho đến ngọn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam có khoảng 530.000 ha trồng sắn mỗi năm và sản lượng củ sắn tươi đạt trên 10 triệu tấn/năm. Tuy nhiên bên cạnh củ sắn, cây sắn còn mang lại nguồn thu xuất khẩu không ngờ khác.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu lá sắn trong tháng 10/2023 đã mang về 61.000 USD, tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu lá sắn đạt 776.000 USD, giảm 56,3% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương thu về gần 19 tỷ đồng. Trong năm 2022, lá sắn đã mang về hơn 1,8 triệu USD.
Xuất khẩu các loại lá trong 10 tháng năm 2023 đạt hơn 5,7 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với sắn củ, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm đã thu về hơn 1,16 tỷ USD với hơn 2,6 triệu tấn. Giá xuất khẩu đạt bình quân đạt 436 USD/tấn, tương đương với giá năm 2022.
Sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn. Thân sắn dùng để làm giống, làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo.
Từ trước tới nay, lá sắn vốn dĩ được người xưa dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi như nuôi cá, nuôi tằm và sau đó được xuất sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các khu vực đông người châu Á sinh sống. Bên cạnh lá sắn, các loại lá như lá tre, lá chuối cũng được nhiều quốc gia thu mua.
Lá sắn chứa vitamin, protein, khoáng chất và axit amin thiết yếu. Protein có trong lá khoai mì giúp hình thành các tế bào cơ thể và cấu thành hệ thống enzyme. Axit amin giúp phục hồi các vết thương trên da, giúp trí nhớ tốt, cải thiện sức khỏe xương và hệ thống trao đổi chất của cơ thể.
Cây sắn ngoài việc trồng lấy củ thì ngọn non của nó còn được người dân vùng trung du, miền núi phía Bắc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, đậm đà dư vị, trở thành đặc sản vùng miền.
Lá sắn được chế biến thành nhiều món như xào với tóp mỡ, muối chua, kết hợp với thịt rừng như sóc, nai…, nhưng đơn giản và được chế biến nhiều hơn cả là lá sắn xào. Rau sắn còn có thể luộc nhừ, vắt khô rồi chấm với muối vừng ăn cơm hằng ngày. Hay rau sắn chua cũng được dùng để kho với cá trắm, cá chép.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi dùng rau sắn làm thực phẩm cần chú ý không ăn sống. Rau sau khi được nhặt, rửa sạch thì cho ít muối vào vò thật kĩ, cho vào hũ để muối. Nên chế biến thật kỹ trên nhiệt độ cao dù đã được muối chua.
Theo Nhip sống thị trường
https://markettimes.vn/mot-loai-la-moc-day-tai-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-thanh-hang-hiem-nhat-ban-han-quoc-lien-tuc-do-tien-mua-thu-ve-hang-trieu-usd-moi-nam-49986.html