Mở rộng hành lang giao thông phía đông vùng Tây Nam Bộ
26/01/2024 | Tác giả: MINH KHỞI, HOÀNG TRUNG VÀ NGUYỄN PHONG Lượt xem: 161
Việc mở rộng hành lang giao thông phía đông vùng Tây Nam Bộ sẽ hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt, kết nối các địa phương trong vùng, kết nối giữa Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, cả nước và quốc tế…
Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre thông qua Nghị quyết 48/NQ-HĐND về tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045. Theo nghị quyết này, khu vực phía đông đường ven biển sẽ là vùng phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng gió, nuôi tôm và bảo tồn rừng ngập mặn. Còn khu vực phía tây tuyến đường ven biển tại các huyện Bình Đại, Ba Tri sẽ được đầu tư các công trình ngăn mặn để phát triển đô thị, kinh tế biển và ổn định sản xuất nông nghiệp.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre Cao Minh Đức cho biết, dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh dài khoảng 53 km, tổng mức đầu tư khoảng 11.627 tỷ đồng. Đây là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng mà còn cả kinh tế-xã hội cho địa phương.
Các hạng mục công trình của dự án, gồm: Cầu Ba Lai 8; tuyến đường bộ; cầu Cửa Đại và cầu Cổ Chiên 2; trong đó, riêng dự án cầu Ba Lai 8 được tỉnh Bến Tre phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn 2.255 tỷ đồng. Tỉnh Bến Tre đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh với tổng chiều dài khoảng 25,2 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng, tổng mức đầu tư khoảng 7.905 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư được bố trí từ vốn vay hỗ trợ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu và ngân sách tỉnh đối ứng. Cầu Cửa Đại kết nối Bến Tre với Tiền Giang và cầu Cổ Chiên 2 kết nối Bến Tre với Trà Vinh được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương với tổng kinh phí khoảng 7.800 tỷ đồng.
Tại Trà Vinh, trong những năm qua, nhiều dự án giao thông vận tải trọng điểm như cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 53, 54, 60; cầu Cổ Chiên nối hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre; luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, được đưa vào khai thác đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt. Nhờ đó giúp Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ doanh nghiệp Vạn Phát Thành ở xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chuyên thu mua trái cây xuất khẩu cho biết, Quốc lộ 60 được thông tuyến hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Trà Vinh đến Thành phố Hồ Chí Minh thuận lợi hơn, rút ngắn khoảng 70 km so với lưu thông ra tuyến Quốc lộ 1. Nhờ vậy, giảm được thời gian và chi phí vận chuyển cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng được khởi công lại đầu năm 2020 và đến năm 2021 đã đưa vào khai thác. Đây là dự án giao thông quan trọng cấp bách, được Quốc hội thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Chiều dài toàn tuyến là 43,8 km, trong đó nâng cấp tuyến đường hiện hữu 31,2 km, các đoạn xây mới, điều chỉnh tuyến 12,6 km. Quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, cải tạo, mở rộng mặt đường 12m. Tuyến quốc lộ đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa, phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, kết nối với Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu kinh tế Định An.
Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư gần 12.600 tỷ đồng và Cảng biển Định An đã hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường biển bảo đảm kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.
Từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2 của dự án triển khai xây kè bảo vệ kênh Quan Chánh Bố dài 18,6 km; 4,7 km đường dân sinh,... Dự kiến, các hạng mục công trình giai đoạn 2 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2023.
Dự án cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 thuộc địa phận hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 8.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi kết nối toàn tuyến Quốc lộ 60, giúp rút ngắn khoảng cách 80 km từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Ðề với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch, khu cảng biển Trần Đề có năng lực tiếp nhận tàu với tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn. Tổng diện tích quy hoạch là 5.400 ha gồm bến cảng ngoài khơi, khu dịch vụ hậu cần, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ. Khu cảng biển sẽ kết nối với các tuyến Quốc lộ 1, 60, 91, 91B, các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy từ cửa sông Hậu đến nước láng giềng Campuchia.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm về giao thông không chỉ đánh thức tiềm năng, cơ hội, mở đường cho sự phát triển của Sóc Trăng, mà còn giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực dễ dàng thông thương ra biển lớn, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng…
Theo Nhân dân
https://nhandan.vn/mo-rong-hanh-lang-giao-thong-phia-dong-vung-tay-nam-bo-post776548.html