Muôn kiểu lừa đảo thời công nghệ

Muôn kiểu lừa đảo thời công nghệ

01/07/2024 | Tác giả: Đức Mừng Lượt xem: 142


Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ lừa đảo trên không gian mạng chiếm đoạt nhiều tỷ đồng xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đối tượng dùng nhiều độc chiêu khiến người dân sập bẫy, đến khi nạn nhân bị chúng chặn điện thoại, đẩy ra khỏi nhóm trò chuyện trên Zalo, Facebook và bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng... thì mới biết mình bị lừa đảo.

Muôn kiểu lừa đảo thời công nghệ

Những độc chiêu qua không gian mạng

Chị T.T.N (ngụ TP Tây Ninh) vừa đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cầu cứu về việc bị đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo tìm kiếm việc làm qua mạng chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng. Chị N, chia sẻ: Do có nhu cầu tìm việc làm, đầu tháng 6/2024, chị vào mạng xã hội Facebook thấy có người đăng thông tin tuyển nhân sự làm việc ở Ngân hàng VPbank nên đã để lại số điện thoại liên lạc. Sau đó, có người phụ nữ tên Yến Ly gọi điện giới thiệu là nhân viên phòng nhân sự của Ngân hàng VPbank chi nhánh Hà Nội, yêu cầu chị tải ứng dụng Microsoft team để trao đổi thông tin.

Tiếp đó, chị N. được Yến Ly đưa vào “Nhóm 20 sơ tuyển Ngân hàng VPbank”. Trong nhóm này, các đối tượng yêu cầu chị phải truy cập trang wed “Thudophattrien.com”, rồi tạo tài khoản riêng cho nạn nhân để thực hiện các nhiệm vụ, như: nạp tiền, rút tiền, đặt lệnh... Bọn chúng chuyển cho chị N. vài trăm ngàn đồng để tạo sự tin tưởng. Tiếp đó, các đối tượng dẫn dụ chị dùng tài khoản ngân hàng của chị để nạp thêm tiền vào tài khoản mà chúng đưa ra, sẽ được hưởng số tiền cao hơn từ 50 đến 300%. Do hám lợi, trong 2 ngày, chị N. đã 8 lần chuyển khoản cho chúng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Thấy số lãi tiền lớn, chị N. rút tiền thì chúng đưa ra nhiều lý do như: đóng thuế, lỗi mạng, nâng cấp tài khoản... Đến khi chúng chặn số thuê bao liên lạc thì chị N. mới biết mình bị lừa đảo.

Chị T.T.N trình báo vụ việc bị lừa đảo gần 1 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, các đối tượng còn mạo danh công an, lợi dụng việc cài đặt ứng dụng VNeID gọi điện thoại đến người dân để lừa đảo. Thực tế, bọn chúng dùng ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cập nhật thông tin cá nhân trên tài khoản định danh điện tử. Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân, đọc tài khoản ngân hàng, đọc tin nhắn chứa mã OTP...). Từ đó, các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân rồi thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Đáng lưu ý, ngoài việc giả danh công an cài đặt VNeID, bọn chúng còn dùng thủ đoạn thông báo cho người dân biết tài khoản ngân hàng của họ có liên quan đến các vụ án hình sự và đường dây tội phạm về ma túy, rửa tiền. Chúng đe dọa người dân rằng, hiện Cơ quan công an đang thi hành lệnh bắt tạm giam đối với họ để điều tra, yêu cầu người dân mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ Internet banking và cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để chúng thực hiện rút tiền trong tài khoản của nạn nhân. Đáng buồn, mặc dù thủ đoạn các đối tượng lừa đảo không mới và Cơ quan công an cũng đã khuyến cáo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên, nhiều nạn nhân vẫn mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Điển hình, ngày 26/6, chị N.N.H (sinh năm 1973, ngụ phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) đến Công an thị xã Trảng Bàng cầu cứu về việc bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt 1 tỷ đồng qua không gian mạng. Chị H., bức xúc: Lúc 14h10’ ngày 13/6, tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0588925114, tự giới thiệu tên là Hùng, cán bộ điều tra Công an TP Đà Nẵng. Người này dọa chị có liên quan đến đường dây rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy; yêu cầu chị chụp hình căn cước công dân, gửi số tài khoản ngân hàng đang sử dụng và thông tin mật khẩu để chứng minh tài sản không liên quan đến sự việc rửa tiền. Đến ngày 21/6, nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua không gian mạng, chị H. đến Ngân hàng Vietcombank để kiểm tra tài khoản, phát hiện số tiền 1 tỷ đồng trong tài khoản của mình đã bị đối tượng mạo danh cán bộ điều tra Công an TP Đà Nẵng chiếm đoạt.

Còn chị L.T.T.V. (sinh năm 1982, ngụ ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, TP Tây Ninh) kể lại: Ngày 7/5, tôi đang đi làm thì số điện thoại 0913176458 gọi đến, tự xưng là cán bộ Công an xã Bình Minh, TP Tây Ninh. Đối tượng yêu cầu chị V. cập nhật thông tin cá nhân để cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID theo đúng quy định. Tiếp đó, đối tượng khác dùng số điện thoại 0337391810 gọi chị, xưng tên “Phạm Văn Đức” đang công tác tại Công an tỉnh Tây Ninh, hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Khi đó, đối tượng cung cấp đường link https://www.zcagov.com và chị V. truy cập vào để thực hiện các thao tác như: Quét gương mặt, quét dấu vân tay... Sau khi thực hiện xong các thao tác trên ứng dụng VNeID giả mạo thì ứng dụng Ngân hàng VP. trên điện thoại của chị V. bị mất (không còn xuất hiện trên điện thoại). Lo lắng bị mất tiền, chị V. liên hệ ngân hàng để kiểm tra thì phát hiện số tiền tích lũy của mình gần 700 triệu đồng trong tài khoản đã bị rút hết.

Cùng lâm vào cảnh tương tự, ngày 8/5, chị P.T.T. (sinh năm 1968, ngụ ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh) bị nam thanh niên gọi đến, tự xưng là cán bộ Công an xã Tân Hưng. Tiếp đó, đối tượng thông báo chị T. liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại TP Đà Nẵng và chuyển điện thoại cho chị gặp 2 đồng bọn khác tự xưng là “Trung úy Nguyễn Thành Đạt” và “Thiếu tá Đinh Ngọc Thuận, Đội Trọng án Công an TP Đà Nẵng” để chị T. báo án.

Các đối tượng thông báo với chị T, rằng: Có người mạo danh chị sử dụng số điện thoại và căn cước công dân có địa chỉ ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Người này mở một tài khoản ngân hàng liên quan đến đường dây tội phạm về ma túy và rửa tiền. Ngày 8/5, Công an TP Đà Nẵng thi hành ngay lệnh bắt tạm giam để điều tra. Sau đó, các đối tượng yêu cầu, chị T. kết bạn qua mạng xã hội Facebook với một người tên là “Lê Thanh Hoài”. Đối tượng này tự xưng là kiểm soát viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hoài yêu cầu chị T. phải tự mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ Internet banking, nạp số tiền 1.473.000.000 đồng vào tài khoản, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng mới mở, mật khẩu (OTP) tài khoản ngân hàng... cho các đối tượng. Chỉ một lúc sau, bọn chúng đã chiếm đoạt hết số tiền trong tài khoản của chị T. 

Các đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt giữ.

Nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn mới

Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền ở cơ sở, các khu dân cư. Cơ quan công an còn phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, đoàn viên về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, như: không mở tài khoản ngân hàng để bán hoặc cho thuê, cho mượn; không đăng tải, chia sẻ các thông tin, bài viết có nội dung xấu độc, không đúng sự thật, bôi nhọ, xúc phạm người khác..., đồng thời, hướng dẫn các em học sinh cách phòng, chống, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng.

Qua đó, Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ nhiều đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với số tiền lớn. Đơn cử, chiều 25/6, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Công an huyện Tân Châu và Công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ Ngô Trung Quang (sinh năm 1996, ngụ Hà Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Quang khai nhận, đã lập nhiều tài khoản Facebook với các tên, như: Samu Lào, Mộc Tây Bắc, Lý Mỹ Nghệ, Phú Quý Nu. Tiếp đó, Quang truy cập mạng tìm, tải hình ảnh về các loại sản phẩm gỗ hiếm (tượng gỗ phong thủy, bàn gỗ, tủ gỗ, bình gỗ...) có giá trị cao, đăng lên các tài khoản nói trên.

Đồng thời, Quang đăng quảng cáo bán gỗ mỹ nghệ trên các trang, hội nhóm mua bán đồ gỗ. Người mua có nhu cầu mua hàng thì liên lạc qua ứng dụng tin nhắn để trao đổi với Quang. Sau đó, Quang cung cấp số tài khoản ngân hàng, yêu cầu họ chuyển tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Quang hẹn trong thời gian từ 2 đến 4 ngày sẽ giao hàng. Tuy nhiên, Quang nhận tiền xong thì chặn điện thoại liên lạc, chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Với thủ đoạn trên, Quang đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân ở tỉnh Tây Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác với tổng số hơn 2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 13/5, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Tây Ninh phối hợp cùng Công an huyện Châu Thành bắt tạm giam Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1992, ngụ ấp Bưng Rò, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Phước”) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Phước khai nhận, đã sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Phước” để đăng tải các hình ảnh xe máy, chim cảnh quý hiếm vào các hội, nhóm. Tiếp đó, đối tượng quảng cáo bán xe, chim cảnh trên mạng xã hội với giá từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Khi có người nhắn tin hỏi mua hàng, Phước lấy lý do phải vận chuyển xe ở Campuchia về. Phước đề nghị người mua đặt cọc trước số tiền từ 10% đến 20% giá trị xe. Sau khi nạn nhân chuyển tiền đặt cọc xong, Phước tiếp tục đưa ra nhiều lý do, như: chi phí vận chuyển, phí làm giấy tờ, xe đang về... để yêu cầu người mua chuyển thêm tiền. Sau đó, Phước chặn thuê bao liên lạc của nạn nhân để chiếm đoạt số tiền. Với thủ đoạn trên, Phước đã chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất cứ người nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch người đó; tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản do người khác chỉ định; không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ án, vụ việc... Đồng thời, người dân tuyệt đối không tham lam những tải sàn, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”. Khi có đối tượng lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ danh tính, mục đích thì người dân không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp thông tin các nhân để đối tượng có thể lợi dụng.

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng, như: Thông tin thẻ căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin tài khoản mạng xã hội... Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở xác định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

Theo báo Công an nhân dân

https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/muon-kieu-lua-dao-thoi-cong-nghe-i735854/


Chia sẻ trên

01/07/2024 | Tác giả: Ánh Lê

1 trường ĐH cam kết có "học phí rẻ nhất Việt Nam": Chỉ từ 5,25 triệu đồng/học kỳ, khuôn viên 200.000m2 như cung điện châu Âu, xây cả công viên giải trí cho sinh viên trải nghiệm

Đây là trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo Bác sĩ y khoa và Dược học.

01/07/2024 | Tác giả: Hà Thu

Tài sản của Warren Buffett về đâu sau khi ông qua đời

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett vừa thay đổi di chúc, đưa ra kế hoạch khác cho khối tài sản khổng lồ sau khi ông mất.

01/07/2024 | Tác giả: Tạ Ngô

Thâm nhập thị trường rao bán công khai video quay lén: Giá chỉ từ 150.000 đồng, mua đủ loại combo với hàng trăm clip nhạy cảm!

Đây là trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo Bác sĩ y khoa và Dược học.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...