Mỹ vị Lương Sơn
15/01/2024 | Tác giả: THÙY TRANG Lượt xem: 200
Về với xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, thực khách sẽ được thưởng thức những món ăn gần gũi với thiên nhiên núi rừng. Một trong số đó là cá suối nấu giấm mẻ. Món ăn quen thuộc, bình dị nhưng không kém phần đặc sắc của đồng bào người Mường nơi đây.
Dẫn chúng tôi đến nhà anh Hà Việt Cường, chị Hà Thị Minh (khu Đá Trắng), Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn Đinh Công Toàn mở lời: “Gọi là đặc sản nhưng đây đều là những món ăn dân dã, gắn bó với bà con nhân dân những lúc còn khó khăn. Nay cuộc sống đủ đầy hơn trước, người dân nơi đây vẫn giữ gìn như một nét đẹp truyền thống của quê hương”. Đón tiếp chúng tôi, đại gia đình anh Cường tất bật chuẩn bị những món ăn đậm chất Mường. Trong đó, nổi bật là cá suối nấu giấm mẻ. Nguyên liệu chính đương nhiên không thể thiếu là cá suối. Cá sinh sống ở suối trong, ăn rong rêu, động vật thủy sinh nên thịt chắc, ngọt. Tiếp đến là giấm mẻ - được ủ từ cơm gạo vùng sơn cước, lên men đạt đến độ chua nhất định. Ngoài ra, gia vị của món ăn còn có gừng, hành, tỏi, ớt, nghệ, măng chua.
Cách chế biến món ăn không cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Thể hiện lại cách chế biến truyền thống của những người bà, người mế dân tộc Mường khi xưa, chị Hà Thị Minh vừa thổi bếp củi vừa nhanh tay đảo hành, tỏi, gừng, nghệ cho thơm và quyện lại với nhau. Dưới ánh lửa bập bùng, mùi thơm của gia vị lan tỏa trong căn bếp. Sau đó, chị múc ba muôi giấm mẻ vào nồi xào chung cho thấm gia vị. Mùi chua dịu nhẹ của giấm mẻ lên men đủ độ kích thích thị giác. Sau khoảng chừng vài phút đảo nhanh tay dưới lửa lớn, nửa bát nước lọc sẽ được thêm vào nồi và đun cho khi đến khi sủi lăn tăn sẽ cho mớ cá suối đã sơ chế sạch sẽ vào, đậy nắp vung nồi và chờ sôi khoảng 15 phút sẽ bắc xuống.
Món ăn này nấu nhanh, không sơ chế cầu kỳ nên được dân đi rừng khi xưa rất thích. Bà Hà Thị Sử năm nay đã 75 tuổi kể về quãng thời gian nghèo khó khi trước: “Cách đây khoảng 20 năm, người dân vào rừng chỉ mang vài dúm gạo, đến lán trại nổi lửa thổi cơm, bắt vài con cá suối nướng hoặc nấu giấm sì sụp chan là ngon lắm rồi”. Cá nấu giấm mẻ có thể dùng như món ăn độc lập khi nấu cùng măng chua giã nhuyễn hoặc ăn như một thứ nước chấm kèm với cá gỏi. Dù ăn như thế nào cũng không thể thiếu rau sống với nhiều loại như lá nhội, xà lách, rau mùi, thì là, dấp tanh,... non mỡn được hái từ vườn nhà.
Cách ăn của món này cũng bình dị, dân dã như chính tên gọi. Người ăn sẽ lấy một nắm rau sống, có thể gói thêm miếng cá gỏi và chấm vào sốt mẻ nóng hổi rồi thưởng thức. Vị của các loại rau sống hòa cùng vị chua dịu của dấm mẻ, làm át đi vị tanh nên rất ngon. Người ăn một miếng là muốn ăn đến miếng thứ hai. Những thực khách miền xuôi hoàn toàn bị cuốn hút và chinh phục với món ăn này.
Vừa thưởng thức những món ăn đậm chất người Mường, vừa được nghe các baf các chị ngân nga khúc hát Ví đu, chúng tôi cảm nhận được tình cảm ấm nồng mà người dân miền sơn cước dành cho những vị khách phương xa. Hiện nay, xã Lương Sơn đang xây dựng lộ trình biến những sản vật quê hương trở thành sản phẩm OCOP gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bước đầu, sản phẩm chè xanh Đá Trắng và sắp tới gạo nếp Đìn Vằn, hứa hẹn sẽ mang lai tín hiệu tốt, góp phần mang sản vật địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Theo Báo An Giang
https://baoangiang.com.vn/my-vi-luong-son-a381751.html