Nam Định mở rộng dư địa tăng trưởng công nghiệp

Nam Định mở rộng dư địa tăng trưởng công nghiệp

08/07/2024 | Tác giả: Đỗ Thị Hoài Thương Lượt xem: 88


Bằng việc tập trung thu hút các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tỉnh Nam Định đang tiến hành mở rộng dư địa tăng trưởng công nghiệp.

Nam Định mở rộng dư địa tăng trưởng công nghiệp
Nam Định mở rộng dư địa tăng trưởng công nghiệp. 

Bức tranh sáng về sản xuất công nghiệp

Ông Nguyễn Văn Ty- Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định cho hay, sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2023, các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực tăng trưởng của tỉnh khi tăng 14,45%, đóng góp 14,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tiếp đó là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,51%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,38%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 18,32%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm.

Khối lượng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá, nhất là các sản phẩm chủ lực như: Vải các loại tăng 3,36%; quần áo may sẵn tăng 24,45%; giày dép tăng 32,27%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 19,57%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,82%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 10,43%.

Bên cạnh đó, một sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Sợi các loại giảm 15,87%; khăn các loại giảm 7,09%; thuốc dạng viên các loại giảm 7,41%; phụ tùng xe có động cơ giảm 4,75%.

Tương ứng với tình hình sản xuất khởi sắc, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2024 tăng 2,76% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng, chỉ số này giảm 3,19% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Dệt tăng 16,44%; sản xuất trang phục tăng 18,66%.

Cùng đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 giảm 6,52% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 61,81%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 65,44%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,45%.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 6/2024 tăng 0,43% so với tháng trước và giảm 1,51% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước. “Đây cũng là một trong những chỉ tiêu đánh giá mức hồi phục của các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, lãnh đạo Cục Thống kê Nam Định nhận xét.

Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn

Giới thiệu, thông tin về thành tựu, tiềm năng, cơ hội đầu tư tại tỉnh Nam Định với các nhà đầu tư tại các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư. (Ảnh Thanh Thúy)

Đánh giá về mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Ty ghi nhận phục hồi tốt. Đồng thời cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 khởi sắc hơn so với quý I/2024 với 87,05% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định; 12,95% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

“Dự báo quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với 88,49% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 11,51% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Như vậy có thể thấy bức tranh công nghiệp quý III/2024 có thể sẽ tốt hơn so với 2 quý đầu năm”, ông Ty nhận định.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo phản ánh qua một số chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể về khối lượng sản xuất, trong quý II/2024 có 63,31% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng; 25,90% giữ nguyên và 10,79% đánh giá khối lượng sản xuất giảm so với quý I/2024. Quý III/2024 có 49,64% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 38,85% giữ nguyên và 11,51% doanh nghiệp dự báo giảm so với quý II/2024.

Về số lượng đơn đặt hàng mới, quý II/2024 có 54,41% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng cao hơn quý trước; 33,83% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 11,76% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo trong quý III/2024 có 87,50% số doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II/2024; 12,50% số doanh nghiệp dự báo số đơn đặt hàng giảm.

Về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, có 80% số doanh nghiệp có số đơn hàng xuất khẩu quý II/2024 tăng và giữ ổn định so với quý trước; 20% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm. Quý III/2024 có 88,24% số doanh nghiệp dự kiến tăng và giữ ổn định đơn hàng xuất khẩu; 11,76% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng xuất khẩu giảm so với quý II/2024.

Bức tranh sản xuất công nghiệp của Nam Định nửa đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng, tuy nhiên nhìn về dài hạn, các cực tăng trưởng của tỉnh có thể có sự đảo chiều. Thành phố Nam Định không còn dư địa tăng trưởng và có thể mất dần vị trí vào một số huyện khác như Giao Thủy với khu công nghiệp Hải Long đang được xúc tiến triển khai.

Đặc biệt, nhằm mở rộng dư địa cho phát triển công nghiệp, từ năm 2021 Tỉnh ủy Nam Định đã chủ trương không thu hút dự án đầu tư dệt may, da giày trừ ở vùng sâu vùng xa. Nhìn vào các dự án được cấp phép những năm gần đây có thể thấy Nam Định rất quyết liệt thực hiện chủ trương này.

Năm 2023, UBND tỉnh Nam Định đã ký kết thỏa thuận phát triển Dự án sản xuất máy tính công nghệ cao tại khu công nghiệp Mỹ Thuận với đại diện Tập đoàn Quanta của Đài Loan (Trung Quốc). Dự án được triển khai trên diện tích 22,5ha cho giai đoạn 1, tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 120 triệu USD.

Hay trung tuần tháng 6/2024, Nam Định đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.560 tỷ đồng (trên 100 triệu USD), sử dụng 76.913m2 đất tại khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng. Dự kiến tổng công suất của dự án đạt 300 nghìn tấn giấy bao bì chất lượng cao/năm.

Như vậy có thể thấy, với chủ trương đúng đắn, Nam Định đã và đang quyết tâm xúc tiến đầu tư, chọn lọc dự án nhằm mở rộng dư địa cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Hướng đến mục tiêu chú trọng phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%.

Theo báo Nam Định

https://www.baonamdinh.vn/tieu-diem/202406/nam-dinh-mo-rong-du-dia-tang-truong-cong-nghiep-c041198/


Chia sẻ trên

08/07/2024 | Tác giả: Ngọc Ánh

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

08/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Hương

Trồng khoai môn lấy ngó - mô hình mới hiệu quả

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, tận dụng tối đa đất xen kẹt, cải tạo vườn tạp, bờ ao, bờ đầm, từ nhiều năm nay, người dân nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa cây khoai môn về trồng lấy ngó. Cây trồng này nhanh chóng trở thành loại rau đặc sản, có sức tiêu thụ lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...