Trồng khoai môn lấy ngó - mô hình mới hiệu quả
08/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Hương Lượt xem: 338
Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, tận dụng tối đa đất xen kẹt, cải tạo vườn tạp, bờ ao, bờ đầm, từ nhiều năm nay, người dân nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa cây khoai môn về trồng lấy ngó. Cây trồng này nhanh chóng trở thành loại rau đặc sản, có sức tiêu thụ lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Theo kinh nghiệm dân gian, ngó khoai (mầm của cây khoai nước dại - dọc khoai/ khoai ngứa) được sử dụng để nấu cùng với xương, ốc, cua, trai, hến… là món ăn có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, giải độc cơ thể trong mùa nắng nóng. Xưa dọc khoai nước chủ yếu được sử dụng làm thức ăn cho gia súc vì rất ngứa. Riêng ngó khoai là phần mầm non chia thân mới nảy nhiều sau mỗi dịp mưa được người trồng hái làm rau ăn. Món ăn dân dã, lành tính nhưng yêu cầu chế biến cầu kỳ (không được dùng muôi thìa sắt trong khi chế biến nấu món này, chỉ dùng đồ bằng tre nứa...), mất nhiều thời gian sơ chế... (để tránh gây ngứa khi ăn) khá đặc biệt, dư vị gây... nhớ mãi; một số người có cảm giác hơi ngứa miệng khi ăn. Thế nên dân gian có câu "Khoai ăn chẳng ngứa cũng lăn tăn". Tuy nhiên món này ai đã từng được thưởng thức thì sẽ nhớ mãi! Bởi vậy, khi ở các chợ dân sinh xuất hiện loại ngó khoa thân to mập mạp, trắng phau, được người bán giới thiệu là ngó khoai môn ăn rất ngọt, không bị ngứa thì được tiêu thụ rất tốt.
Đất đai nông thôn dần đô thị hóa, vườn tạp được cải tạo, không còn nhiều những vạt vườn trũng; gia súc thì ăn cám công nghiệp nên khoai nước cũng không còn được trồng nhiều. Tuy nhiên món canh ngó khoai nhiều người vẫn nhớ. Khoảng 2 năm trở lại đây, bà con khai thác loại ngó khoai môn mập mạp, trắng xanh, vừa ngọt, vừa bùi, bở và đặc biệt là không ngứa như ngó khoai dại trước đây nên nhanh chóng chiếm được thị hiếu người tiêu dùng. Cây khoai môn lấy ngó là giống cây trồng mới, có nguồn gốc từ Thái Lan, thân lá cao to, có đặc điểm hoàn toàn giống cây dọc khoai nhưng có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh hơn, được trồng quanh bờ ao, ven ruộng, mương, máng, cho năng suất và chất lượng ngó ngon hơn. Ban đầu nhiều hộ dân trồng với mục đích lấy rau sạch cho nhu cầu gia đình. Nhưng hợp đất và được chăm sóc tốt nên cây khoai môn phát triển nhanh và cho thu hoạch chỉ sau hơn 2 tháng trồng cấy; ngó khoai làm thức ăn, thân lá khoai cho lợn, gà. Cây khoai môn trắng đã nhanh chóng mang lại nguồn rau sạch và nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ gia đình.
Bác Trần Thị Thơm, xóm 1 Mỹ Hà (Mỹ Lộc) là một trong những người nhanh nhạy, năng động sớm mở rộng diện tích trồng khoai môn trắng lấy ngó cung ứng ra thị trường. Bác cho biết: "Cây khoai môn trắng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, sinh trưởng tốt lại cho sản phẩm phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân nên đã cấy quanh ao nhà, trên những phần ruộng bỏ hoang trong vùng, tổng diện tích lên tới trên 5 sào. Vì là cây trồng mới chưa có mô hình để học tập, nhưng may có mạng internet nên vợ chồng tôi tìm đọc kỹ thuật canh tác phổ biến trên mạng để trồng. Theo đó ruộng trồng cây khoai môn được bón lót bằng phân chuồng đánh luống và rải vôi bột lên mặt luống để phòng trừ sâu bệnh và ốc bươu vàng ăn hại mầm khoai. Vào cữ sau tháng 7 đến tết âm lịch thì bắt đầu xuống giống khoai; cấy hàng cách hàng 35cm, sau đó được phủ rơm để giữ ấm và hạn chế cỏ mọc. Khi cây khoai môn đã cứng cáp, chỉ cần bảo đảm cấp đủ nước là có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Cứ 10-15 ngày cây môn trắng lại cho một đợt lấy ngó. Sau mỗi lần thu hoạch, lại vớt bùn dưới rãnh đắp lên gốc cây và cắt tỉa lá già, bắt sâu chứ hoàn toàn không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Quá trình trồng cây khoai môn lấy ngó thuận lợi, không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc. Đặc biệt, cây khoai môn trắng có khả năng chịu sâu bệnh tốt, sau khi trồng từ 3 tháng, cây đã cho thu hoạch ngó, thời gian thu hoạch kéo dài từ 7-8 tháng/năm nên vợ chồng tôi đảm nhiệm hết được mọi khâu từ chăm sóc cây đến lấy ngó, mang đi chợ bán. Trung bình mỗi ngày nhà tôi thu hái từ 20-30kg ngó tùy từng thời điểm mùa vụ trong năm nên mang lại thu nhập ổn định cho gia đình".
Khoai môn trắng trồng lấy ngó là giống cây mới nhưng dễ thâm canh, có thể tận dụng trên những diện tích đất xen kẹt, cấy lúa kém hiệu quả để có thêm thu nhập… Ngó khoai có thể chế biến thành những món ăn dân dã mà hấp dẫn như ngó khoai xào tỏi, ngó khoai muối chua và canh ngó khoai… tiện dụng cho bữa ăn hàng ngày của người dân. Loại rau ngon nhưng không đắt nên dễ tiêu thụ. Đây chính là những lợi thế để mô hình sản xuất này nhanh chóng nhân rộng tại một số huyện vùng trũng trong tỉnh như: Vụ Bản, Mỹ Lộc. Ý Yên. Cây trồng này đang cho thấy có thể phát triển cánh đồng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả./.
Theo báo Nam Định
https://www.baonamdinh.vn/tieu-diem/202406/trong-khoai-mon-lay-ngo-mo-hinh-moi-hieu-qua-9a00e48/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn