Ngành hàng không đang cần 'trợ thở' để 'nâng cánh' sau đại dịch Covid-19
01/08/2021 | Tác giả: Quốc Hải Lượt xem: 295
Ngành hàng không đang kiệt quệ, nếu không được hỗ trợ kịp thời, các doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, kiệt quệ tài chính. Hậu quả lâu dài là gánh nặng chi phí tái cấu trúc cho ngành hàng không trong tương lai.
Chưa bao giờ các hãng hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn như lúc này. Ngoại trừ Vietnam Airlines, hiện VietJet Air, Bamboo Airways và một số hãng nhỏ khác đang nín thở trước các khoản nợ đến hạn nhưng dòng tiền bị đứt gãy, buộc phải nợ lương, tạm dừng hoạt động…
80% - 90% máy bay "đắp chiếu" tại sân bay
Tại buổi tọa đàm trực tuyến Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt, diễn ra sáng 2/8, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng Hàng không. Có tới 80% - 90% máy bay đắp chiếu tại sân bay, doanh thu tụt dốc chỉ còn 10-20%.
Theo ông Nề, khi các hãng hàng không "đắp chiếu", kéo theo đó là toàn bộ các doanh nghiệp liên quan đến hàng không, từ dịch vụ kỹ thuật, thương mại mặt đất, sản xuất suất ăn, công nghiệp phụ trợ khác đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
"Tất cả các doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để sẵn sàng khi phục hồi. Trong khi dù phải dừng hoạt động, không có dòng tiền thu nhưng hàng tháng các hãng bay vẫn phải thanh toán các khoản chi phí lớn liên quan đến thuê mua tàu bay, bảo dưỡng, phí sân đỗ...", ông Nề nói.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, riêng tháng 5 và tháng 6/2021, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 100% so với năm 2019. Trong khi, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.
Hiện, các hãng bay đang cố gắng "giật gấu vá vai", cân đối các khoản chi tiêu để cầm cự nhưng đến nay, dòng tiền cạn kiệt và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong đó, với Vietnam Airlines - dù đã nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn trong cả gói 12.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên khó khăn thách thức vẫn đang theo đuổi "ông lớn" Hàng không Quốc gia này.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay khai thác tháng 7/2021 của các hãng hàng không Việt Nam đạt 3.772 chuyến, giảm tới 84,6% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính đến 30/6, các khoản công nợ quá hạn đối tác, nhà cung cấp của Vietnam Airlines lên đến 13.340 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ lớn nhất, là hơn 7.099 tỷ đồng tiền thuê máy bay từ 12 đối tác. Trong khi đó, các khoản nợ đến hạn mà Vietnam Airlines cần thanh toán cho các ngân hàng trong năm 2021 là 2.053 tỷ đồng.
Ngoài ra, 4.021 tỷ đồng nợ quá hạn nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư từ nhiều đối tác trong và ngoài nước. Còn lại, 1.847 tỷ là nợ dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không của các đối tác trong nước, như Tổng công ty Quản lý bay (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV)...
Vietnam Airlines đã khó, dù được hỗ trợ vốn. Trong khi đó, các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính nhưng chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
Làm sao để "giữ cánh" cho hàng không Việt?
Làm thế nào để đưa các hãng bay thoát khỏi tình trạng "chết lâm sàng" và kịp thời phục hồi, đón đầu thời điểm hồi phục của nền kinh tế vào giữa năm sau như dự báo của các chuyên gia.
Theo TS Bùi Doãn Nề, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ bằng một số giải pháp như: Áp dụng "hộ chiếu vaccine", nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần...
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022", TS Bùi Doãn Nề đề xuất.
Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó riêng khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn tài chính, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.
"Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện", TS Cấn Văn Lực nói.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì cho rằng, để "giải cứu" ngành hàng không, chắc chắn cần giải pháp mạnh, tạo hành lang pháp lý, chẳng hạn như một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.
"Có Nghị quyết của Quốc hội tạo cơ chế để cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các ngân hàng, từ đó các ngân hàng có thể giải quyết cho vay theo đúng quy định. Có như vậy, mới có thể tháo gỡ khó khăn mà các DN hàng không đang gặp phải, đặc biệt với các hãng hàng không tư nhân", ông Hùng nói.
Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, ngành hàng không đang là những "con bệnh cần trợ thở". Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, kiệt quệ tài chính. Xa hơn, nếu không được xử lý sớm sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai.
Vì sao nên "cứu" Vietnam Airlines trước (!?)
Vietnam Airlines là hàng không quốc gia, vị thế là đại diện cho hãng không nước nhà, như đứa con tinh thần của mình khi nhà nước sở hữu nguồn vốn quá bán. Nên việc Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airline chính là bảo vệ đứa con của mình khi gặp nạn và cũng là bảo vệ lợi ích của chính mình. Bởi vì hãng Hàng không Vietnam Airline ngoài nhiệm vụ kinh doanh là chính thì hãng còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước yêu cầu như khi xảy ra những tình huống phải bảo đảm an ninh, giải cứu công dân, vận chuyển hàng hóa vùng dịch…
Hãng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid 19 dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng phải cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Quốc hội có thể xem xét ban hành các nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Việt Nam airline để Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ tăng thêm nguồn tài chính cho hãng này vượt qua khó khăn, miễn trừ nhiều loại thuế, phí, và giãn thuế máy bay. Ngoài ra, các ngân hàng cho giãn trả tiền vay gốc và lãi để giúp hãng vượt qua khó khăn hiện nay.
Về phía bản thân hãng hàng không Vietnam Airline cũng phải tự mình có các giải pháp để tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ động hiện hữu và tiết kiệm giảm các chi phí như sắp xếp nhân lực đi làm luân phiên để giảm quỹ lương phải trả…
Luật sư Lê Bá Thường, đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Dân Việt