Người trẻ làm gì để tránh bị công nghệ "đào thải"
01/04/2025 | Tác giả: Phạm Hiệp Lượt xem: 11
Cách đây hơn 10 năm, khi mới sang Đài Loan (Trung Quốc) học nghiên cứu sinh, tôi đã chứng kiến và được nghe kể hai câu chuyện về khó khăn liên quan đến công ăn, việc làm của người trẻ ở nơi này.
Chuyện thứ nhất là của một bạn gái làm công tác quản lý lưu học sinh ở trường tôi. Một lần bạn than thở với tôi về việc lương của bạn khá thấp và phải đi làm xa (hàng ngày di chuyển bằng xe buýt mất khoảng gần 3 giờ đi và về). Bạn nói trước đây, khi mới tốt nghiệp đại học (ở Đài Loan), bạn cũng làm công việc tương tự. Sau đó vì muốn thu nhập cao hơn, nên gia đình bạn đầu tư cho bạn học thạc sĩ tại Australia với hy vọng khi về nước sẽ có công việc tốt hơn.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế ở Đài Loan giai đoạn đó khá ảm đạm nên khi về (năm 2010), bạn không tìm được công việc khả dĩ hơn, thu nhập vẫn vậy, trong khi đó bạn mất cơ hội thăng tiến do bị ngắt quãng vì 2 năm đi Australia. Bạn nói khoản đầu tư học thạc sĩ ở Australia coi như lỗ.

Chuyện thứ hai liên quan đến 2 người con trai của vợ chồng bác người Đài Loan tôi quen. Hai anh này, một người làm việc ở Thượng Hải (Trung Quốc), một người làm việc ở Malaysia. Vì vậy mỗi lần hai bác muốn thăm con cháu phải đi lại khá vất vả. Có lần tôi hỏi hai bác, hai anh nhà bác đều tốt nghiệp trường hàng đầu ở Đài Loan, sao không xin việc ở gần nhà cho tiện mà phải đi làm ăn xa thế.
Câu trả lời đơn giản là nhiều thanh niên mới ra trường không xin được việc làm tại chỗ, nên phải chấp nhận đi làm cho các công ty Đài Loan nhưng đóng ở chi nhánh các nơi khác nhau trên thế giới; hai con trai nhà hai bác đều thuộc nhóm đó. Và một khi đã đi xa, đã phát triển nghề nghiệp ở nơi khác, cơ hội quay trở lại Đài Loan tìm được công việc tương đương là không nhiều.
Tìm hiểu sâu hơn thì tôi được biết đây là hiện tượng khá phổ biến không chỉ ở Đài Loan, mà cả ở nhiều nước/vùng lãnh thổ Đông Á và Đông Nam Á như Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore… Những nền kinh tế phát triển và có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, cần nhân lực trong nước đi làm việc ở nước ngoài. Yếu tố quan trọng khác là nền kinh tế của họ những năm gần đây gặp khó khăn do gặp vấn đề già hóa dân số, cơ hội việc làm thu nhập cao trong nước ít hơn trước. Một đơn cử là Hàn Quốc có tới hơn 178.000 công dân đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam, chưa tính các nước khác trên thế giới.
Khi tiếp nhận những thông tin trên, tôi đã nghĩ viễn cảnh tương tự có thể đến với Việt Nam một ngày nào đó, song "ngày nào đó" chắc sẽ còn xa lắm, có thể vào khoảng năm 2040 hay thậm chí 2050.
Nhưng đúng là "thế giới phẳng", nhiều vấn đề đến với chúng ta sớm hơn tôi nghĩ. Chẳng hạn như vấn đề già hóa dân số. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng hiện tượng già hóa dân số diễn ra với tốc độ rất nhanh. Hiện tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta khoảng 12,8%, tương đương 12,5 triệu người. Dự kiến đến năm 2036, tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, đồng nghĩa với việc Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.
Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, và chủ trương tinh gọn bộ máy cũng có những tác động lên thị trường lao động nói chung, về cơ bản là đặt ra yêu cầu cao hơn đối với người lao động cả về năng lực chuyên môn và kỹ năng thích ứng trước các thay đổi nhanh chóng.
Trong phạm vi của mình, tôi đã gặp nhiều bạn trẻ lo lắng rằng thu nhập giảm, khó tìm được công việc tốt, nếu có công việc tốt thì thường cũng có thể phải ở xa nhà. Điều này đúng ngay cả đối với các bạn có bằng cấp cao, tốt nghiệp đại học ở nước ngoài - những người trước kia vốn thuộc diện "được săn", "việc tự tìm đến" chứ không phải "đi tìm việc". Chỉ riêng trong tháng 3 năm nay, tôi đã có đến 3 ca "tư vấn" cho 3 bạn trẻ khi gặp phải khủng hoảng nghề nghiệp bất ngờ ập tới:
Trường hợp thứ nhất liên quan đến 1 bạn mất việc vì dự án của bạn bị USAID (cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cắt tài trợ đột ngột;
Trường hợp thứ 2 là một bạn mất học bổng tiến sĩ vì trường đại học của bạn ở nước ngoài khó khăn tài chính;
Trường hợp thứ 3 là một bạn làm việc ở chế độ hợp đồng ở một cơ quan nhà nước, bỗng bị mất cơ hội trở thành công chức chính thức vì cơ quan bị sáp nhập.
Nhiều đồng nghiệp cũng có những quan sát tương tự như tôi. Ví dụ, cũng trong mục Tâm điểm của Báo Dân Trí, cách đây 1 tháng, trong bài viết "Tương lai của người trẻ", một đồng nghiệp và một người bạn thân thiết của tôi - TS. Đỗ Thành Long - đã sử dụng một hình ảnh rất sinh động để mô tả về khó khăn của người trẻ hiện nay: đó là hình ảnh của một kim tự tháp. Theo đó, TS. Long so sánh xã hội hiện nay như một kim tự tháp ngày càng nhọn và dốc, khiến cho người trẻ khó leo lên trên đỉnh hơn nhiều so với trước kia. Cũng trong bài viết này, TS. Long có đưa ra một số lời khuyên cho người trẻ như: sử dụng thời gian một cách tối ưu hơn, có chiến lược tiêu tiền và đầu tư thông minh hơn ….
Tôi cũng muốn góp thêm tiếng nói với TS. Long để chia sẻ với các bạn trẻ (hơn mình) 4 chữ, hy vọng giúp các bạn có một chiến lược bền vững hơn, cạnh tranh hơn trong bối cảnh công việc, cuộc sống không còn dễ dàng như trước:
Chữ đầu tiên là chữ V - Value, tức là giá trị: Người trẻ ngày nay nên tập trung xây dựng và trang bị cho mình những năng lực, kỹ năng có thể đem lại giá trị cho xã hội, cho tổ chức. Khách hàng và người sử dụng lao động ngày nay cần những người có khả năng tạo giá trị (add value) cho họ trong việc xử lý các vấn đề, tăng năng suất, gỡ được vướng mắc, trả sản phẩm được đúng hạn. Những danh hiệu, giải thưởng, trường hàng đầu, học vị cao … trước đây có thể làm đẹp hồ sơ của người trẻ, ngày nay sẽ trở nên vô nghĩa nếu người trẻ không đem lại được giá trị gì cho tổ chức, cho xã hội. Có được dù chỉ 1 chữ V thôi, người trẻ bắt đầu có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Chữ thứ 2 là chữ R - Rare, tức là Hiếm: Giá trị mà người trẻ có (ở chữ V) sẽ được nâng tầm nếu giá trị đó có thêm chữ R - hiếm. Điều đó nghĩa là năng lực cạnh tranh của người trẻ được nâng tầm lên một đẳng cấp cao hơn.
Chữ thứ 3 là chữ I - Inimitable, tức là Không dễ bắt chước: Giá trị vừa V, vừa R, giờ mà thêm I - không dễ bắt chước thì có nghĩa là người trẻ đã có một lợi thế cạnh tranh bền vững, bắt đầu nghĩ đến chuyện kén việc làm.
Chữ thứ 4 là chữ N- Non substitutable, tức là Không dễ thay thế: Vừa có V, vừa có R, vừa có I lại có thêm N - không dễ thay thế thì người trẻ sẽ trở thành nhân sự mà bất cứ tổ chức nào cũng cần.
Để dễ hình dung, xin lấy ví dụ một bạn trẻ làm việc ở một công ty du lịch và tất cả nhân viên công ty chỉ biết tiếng Anh, riêng bạn biết cả tiếng Anh, cả tiếng Hàn, thì rõ ràng bạn sẽ có giá trị với công ty khi công ty mở rộng thị trường thu hút khách hàng từ Hàn Quốc. Đó là giá trị V của bạn. Và nếu trên thị trường lao động ít người biết tiếng Hàn, thì bạn sẽ thành của hiếm - chữ R. Tuy vậy, khi thị trường lại có rất nhiều bạn giỏi tiếng Trung, sẵn sàng chuyển sang học tiếng Hàn và có thể giỏi tiếng Hàn rất nhanh thì khi đó bạn chưa có chữ I - không dễ bắt chước. Hoặc công ty bạn lại mở ra được thêm thị trường mới là thị trường Nhật thì khi đó bạn cũng chưa có được chữ N - không dễ thay thế.
Bốn chữ này là V-R-I-N thực tế xuất phát từ một lý thuyết trong quản trị kinh doanh, có tên Resource Based View (tạm gọi là Lý thuyết dựa vào nguồn lực) áp dụng trước tiên là cho doanh nghiệp, nhưng cũng có thể sử dụng ở mức độ cá nhân hoặc cấp tỉnh/thành phố/quốc gia.
Cá nhân tôi trong quá trình tu dưỡng và phát triển sự nghiệp của mình cũng luôn dùng 4 chữ này để làm "ngọn đèn" chiếu vào từng quyết định liên quan đến công việc của mình. Việc viết bài này cũng chính là một lần tôi nhắc nhở bản thân về ý nghĩa của 4 chữ này trong quá trình tìm lối đi của bản thân trong tương lai.
Tác giả: TS Phạm Hiệp là nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society - The Study Abroad and International Student).
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/tam-diem/nguoi-tre-lam-gi-de-tranh-bi-cong-nghe-dao-thai-20250331161728766.htm

"Kết nối không khoảng cách" là thông điệp truyền thông, gắn kết của Nền tảng số Quốc gia VIVINA, những thông tin hữu ích cho cộng đồng luôn được mạng lưới thành viên của chúng tôi cập nhập liên tục 24/7.
Bạn thấy nội dung hữu ích, hãy Tặng Xu để khích lệ cho người cung cấp thông tin. Chúng tôi có chính sách trả nhuận bút chia sẻ thông tin cũng như thưởng lượt view minh bạch cho những đóng góp, chia sẻ nội dung tại trang ĐỊA PHƯƠNG (63 Tỉnh/Thành phố) và chuyên mục KINH TẾ - ĐỜI SỐNG của nền tảng số Quốc gia VIVINA. Tìm hiểu cách thức đăng và gửi nội dung Tại đây. Quy chế thưởng View & Nhuận bút xem Tại đây.
Trân trọng cảm ơn!