Nhiều nhà máy, cơ sở kinh doanh ở Hòa Bình tạo việc làm cho hàng nghìn lao động
05/12/2023 | Tác giả: MINH NGUYỄN Lượt xem: 240
Những nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, từ đó giúp người dân ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đầu tháng 11.2023, PV có mặt tại huyện Lạc Thuỷ - huyện nông thôn mới của tỉnh Hoà Bình. Theo ghi nhận, địa phương này có nhiều nhà máy, xưởng sản xuất đang hoạt động, đây là nơi làm việc cho rất người dân tại địa phương.
Là người làm việc nhiều năm tại nhà máy may Công ty Cổ phần Lạc Thủy thuộc Tổng Công ty Đức Giang, chị Phùng Thị Phương Anh (40 tuổi, trú ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy) chia sẻ, trước đây người dân địa phương muốn có việc thì phải đi các khu công nghiệp ở thành phố lớn như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Nay ở quê vẫn có việc làm, thu nhập ổn định, lương trung bình 6-7 triệu đồng/tháng. Nếu chi tiêu tiết kiệm, người lao động có thể dành được tiền để sửa chữa nhà cửa, mua sắm nhiều vật dụng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn anh Đinh Mạnh Hùng (29 tuổi, công nhân nhà máy gạch Gốm Mỹ, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thuỷ) cho hay: “Tôi vào làm việc ở đây khoảng 2 năm, với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, các chế độ khác điều được đảm bảo. Với mức lương như vậy, ở nông thôn đã đảm bảo cuộc sống mà không phải đi xa và được ở gần gia đình”.
Ông Quách Hoàng Hiệp - Chủ tịch UBND xã Yên Bồng - cho biết - trên địa bàn xã hiện nay có nhiều nhà máy, xưởng sản xuất đang hoạt động, tạo việc làm cho người dân địa phương. Trong đó, nhà máy gạch của Công ty Cổ phần Gốm Mỹ - HB có tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng, hoạt động từ cuối năm 2021 với gần 100 lao động có mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, dự án nhà máy xi măng và dự án nhà máy sản xuất vôi, bột nhẹ do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Hoà Bình, sau khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được hàng nghìn việc làm cho lao động của địa phương - ông Hiệp chia sẻ thêm.
Bà Định Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lạc Thuỷ - thông tin, tính đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, đã giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động tại địa phương.
Theo bà Huyền, các nhà máy xí nghiệp đầu tư về địa phương đã giải quyết lượng lớn việc làm cho người lao động. Qua đó, người dân có thu nhập ổn định, an tâm chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và để dành cho tương lai.
Theo thông tin từ UBND huyện Lạc Thuỷ, hiện nay giá trị công nghiệp, xây dựng chiếm 35,8% cơ cấu kinh tế địa phương. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, đã giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Đến nay huyện Lạc Thuỷ đã có 19 nhà đầu tư tại các cụm công nghiệp với số vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Lập hồ sơ trình UBND tỉnh Hòa Bình thành lập và giao làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Đồng Tâm II với diện tích quy hoạch hơn 66ha.
Ông Bùi Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình - cho biết, hiện nay tỉnh Hòa Bình đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Ngay từ đầu năm, Sở đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình ước đạt có khoảng 18.500 lao động được giải quyết việc làm.
Theo Lao động
https://laodong.vn/viec-lam/nhieu-nha-may-co-so-kinh-doanh-o-hoa-binh-tao-viec-lam-cho-hang-nghin-lao-dong-1268739.ldo