Những người lưu giữ hồn Quan họ Bắc Ninh
24/11/2023 | Tác giả: VÂN TRƯỜNG Lượt xem: 268
Những liền anh, liền chị của câu lạc bộ quan họ phường Thị Cầu (TP.Bắc Ninh) vẫn đau đáu nỗi niềm khôi phục lại phong trào quan họ ở địa phương, gìn giữ vốn quý này cho muôn đời sau.
70 năm nuôi dưỡng tình yêu quan họ
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu (phường Thị Cầu, TP.Bắc Ninh) là 1 trong 6 nghệ nhân của Bắc Ninh vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Nghệ nhân năm nay 87 tuổi, song có tới gần 70 năm theo đuổi niềm đam mê Quan họ. Ông được ví như là “bảo tàng sống” của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Tâm sự về niềm đam mê Dân ca Quan họ, ông Cầu cho biết, sinh ra ở làng Quan họ gốc Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, ông bén duyên với Quan họ từ năm 16 tuổi và được một số nghệ nhân giỏi trong làng như cụ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Thị Lựu dìu dắt và chỉ bảo.
Đến năm 30 tuổi, giọng hát của ông đã đạt đến độ “vang, rền, nền, nảy” của một “anh hai Quan họ”. Năm 1969, khi biết Đoàn Quan họ Hà Bắc cũ về Thị Cầu thực tế học hỏi các nghệ nhân của địa phương, ông Cầu đã thu xếp thời gian để được tham gia cùng. Vì vậy, những câu Quan họ cổ khó, độc đáo riêng có của Thị Cầu, ông đều có được và thể hiện rất hay.
Thời gian ấy, ông đã thuộc và hát được khoảng 80 câu Quan họ cổ. Ông Cầu thường xuyên tham gia nhiều canh hát giao lưu để trau dồi, học hỏi văn hóa, lề lối, trang phục, ẩm thực, các tục của người Quan họ. Ông cũng trực tiếp mở canh hát tại nhà và mời “liền anh, liền chị” các làng Quan họ bạn đến giao lưu và tham gia nhiều cuộc thi hát dân ca trong tỉnh.
Nói về đặc trưng của quan họ Thị Cầu, ông Nguyễn Văn Cầu cho hay, quan họ Thị Cầu thường sử dụng nhiều điển cố, điển tích, ngoài ra, trong làn điệu thường pha chút "Tuồng". Đặc biệt, trong câu hát, các liền anh, liền chị cần chú ý cách "buông câu nhả chữ".
Vì vậy, khi truyền dạy, ông chú ý dạy tỉ mỉ, uốn nắn từng câu, từng nhịp. Chỉ cần sai một chút nhấn nhá là hỏng cả làn điệu. Có những khi để dạy câu cổ, các liền anh, liền chị mất cả tháng mới thành thục.
"Trước đây, các cụ đã truyền dạy cho chúng tôi lối "chơi", lối ca quan họ cổ, nên đến nay, chúng tôi phải có trách nhiệm truyền dạy cho các thế hệ sau này" - nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu nói.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu cũng là người tập hợp, thành lập Câu lạc bộ Quan họ phường Thị Cầu do ông là chủ nhiệm. Đến nay, mặc dù không còn làm chủ nhiệm nhưng ông vẫn là “linh hồn” của câu lạc bộ khi vẫn tích cực tham gia truyền dạy quan họ cho nhiều thế hệ trong tỉnh.
Giữ "hồn" quan họ Bắc Ninh
Đã thành lệ, vào ngày 10 và 30 dương lịch hàng tháng, tại nhà chứa Quan họ phường Thị Cầu (TP.Bắc Ninh), những làn điệu Quan họ được cất lên trở thành một nhịp sống không thể thiếu của các liền anh, liền chị và mỗi người dân nơi đây.
Có mặt tại buổi sinh hoạt truyền thống của câu lạc bộ vào một ngày cuối tháng 11.2022, giữa không gian cổ kính tại nhà chứa quan họ Thị Cầu, những liền anh mặc áo the khăn xếp, liền chị áo tứ thân mớ ba mớ bảy, nón quai thao, cơi trầu têm cánh phượng, gợi lại không gian sinh hoạt văn hóa quan họ xưa.
Liền anh Lê Văn Trọng - Chủ nhiệm CLB Quan họ phường Thị Cầu - chia sẻ: Từ năm 1995, ý tưởng thành lập CLB Quan họ phường Thị Cầu được xây dựng bởi các nghệ nhân, các anh hai, chị hai mẫu mực, trong đó đi đầu là nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu. Đến năm 1997, CLB Quan họ phường Thị Cầu chính thức được thành lập do UBND phường Thị Cầu ra quyết định.
Một buổi sinh hoạt của CLB Quan họ Thị Cầu. Ảnh: Thái Hùng
Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động, kinh tế của nhiều gia đình ở Thị Cầu vẫn còn gặp khó khăn thì CLB mới có hơn mười cặp anh hai, chị hai, dần dần số thành viên tăng đều đến nay đã có tới 70 thành viên, trong đó có 6 nghệ nhân Quan họ được UBND tỉnh trao tặng và 1 nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.
Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, song song với vận động, thu hút các hội viên, Câu lạc bộ thành lập Ban chủ nhiệm, Ban cố vấn, Ban truyền dạy quan họ. Mỗi năm, câu lạc bộ đều xây dựng kế hoạch cụ thể, sinh hoạt đều đặn 2 lần/tháng.
Hàng quý, câu lạc bộ còn mở thêm canh hát, tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ quan họ bạn theo hình thức hát canh truyền thống và giao lưu trên sân khấu. Qua đó, giúp cho thành viên câu lạc bộ có thêm vốn hiểu biết, ngày càng có thêm kinh nghiệm trong kỹ năng hát và học hỏi văn hóa ứng xử trong lối chơi quan họ của mỗi làng.
Theo liền anh Lê Văn Trọng, đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ đều giữ được vốn cổ và nét đặc trưng của quan họ nơi đây. Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, câu lạc bộ đang ngày càng phát triển, góp phần đưa quan họ trường tồn và lan tỏa.
Theo Lao động
https://laodong.vn/van-hoa/nhung-nguoi-luu-giu-hon-quan-ho-bac-ninh-1124025.ldo