Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
14/11/2023 | Tác giả: MAI QUẾ Lượt xem: 195
UBND thành phố vừa ban hành báo cáo kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện (DDCI) Đà Nẵng năm 2022, qua đó nhìn nhận và tìm các giải pháp tạo lập, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nhiều chỉ số giảm điểm
Bộ chỉ số DDCI Đà Nẵng được xây dựng và vận hành dựa trên các nguyên tắc và phương pháp luận tương tự Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) triển khai. Sau 5 năm thực hiện, Bộ chỉ số DDCI Đà Nẵng năm 2022 đã được hiệu chỉnh với 3 khối đánh giá: khối cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố (8 chỉ số thành phần, 62 chỉ tiêu đánh giá); khối cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng (8 chỉ số thành phần, 61 chỉ tiêu đánh giá) và khối quận, huyện (9 chỉ số thành phần, 67 chỉ tiêu đánh giá). Các chỉ số thành phần gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực thi hành; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất.
Kết quả DDCI Đà Nẵng năm 2022 ở khối cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố ghi nhận điểm trung vị (giá trị giữa) đạt 67,81 điểm, giảm 1,1 điểm so với năm 2021. Ba đơn vị ở vị trí dẫn đầu, xếp vào nhóm “Khá tốt” lần lượt là Sở Thông tin và Truyền thông (69,3 điểm), Sở Giáo dục và Đào tạo (68,88 điểm) và Sở Ngoại vụ (68,84 điểm). Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Ngoại vụ là 2 đơn vị có thứ hạng được cải thiện khá tốt so với năm 2021, với mức tăng lần lượt là 10 bậc và 4 bậc.
Đơn vị xếp cuối, thuộc nhóm “Trung bình” là Sở Tài Nguyên và Môi Trường (67,2 điểm). Như vậy, cách biệt giữa đơn vị dẫn đầu và xếp cuối là 2,1 điểm. Điều này cho thấy khoảng cách trong chất lượng quản lý, điều hành của các đơn vị thuộc khối cơ quan chuyên môn theo cảm nhận đánh giá của các doanh nghiệp là khá đồng đều, tuy nhiên đang kém tích cực hơn so với những năm trước vì không có đơn vị nào thuộc nhóm “Tốt” trở lên.
Điểm trung vị khối cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng năm 2022 đạt 68,94 điểm, giảm 1,36 điểm so với năm 2021. Theo đó, Công an thành phố (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 69,8 điểm và là đơn vị duy nhất thuộc nhóm “Khá tốt”. Nhóm “Khá” gồm Cục Hải quan (69,04 điểm) và Cục Thuế (68,94 điểm); nhóm “Trung bình” gồm Cục Quản lý thị trường (67,92 điểm) và Bảo hiểm xã hội thành phố (67,88 điểm).
Điểm trung vị của khối quận, huyện năm 2022 đạt 69,63 điểm, giảm 4,07 điểm và 7/9 chỉ số thành phần giảm so với năm 2021. Trong xu hướng giảm điểm chung, Thanh Khê là quận giảm điểm ít nhất và vươn lên vị trí dẫn đầu, xếp ở nhóm “Tốt” với 72,58 điểm. Một số địa phương có sự giảm điểm khá mạnh nên giảm đáng kể về thứ hạng là quận Liên Chiểu (68,47 điểm) và Hải Châu (65,12 điểm). Hai địa phương này thuộc nhóm “Tốt” năm 2021 nhưng đã tụt xuống lần lượt vào nhóm “Khá” và “Trung bình”.
Cần cải thiện mạnh mẽ và bền vững
TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội thành phố cho biết, kết quả DDCI Đà Nẵng qua 5 năm cho thấy cảm nhận của các doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đang dần kém tích cực. Theo kết quả DDCI Đà Nẵng năm 2022, tính năng động và hiệu lực thi hành là chỉ số thành phần có mức điểm trung vị giảm mạnh ở cả 3 khối đánh giá.
Điều này gắn với thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc… dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, giảm hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành các cấp. Bên cạnh đó, tính minh bạch và tiếp cận thông tin là chỉ số thành phần có xu hướng giảm điểm trong 2 năm gần đây; đồng thời, đang có sự chững lại của các đơn vị dẫn đầu DDCI trong những năm trước. Có thể thấy, nếu các nỗ lực cải cách không được duy trì liên tục thì rất dễ tác động đến cảm nhận đánh giá của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều biến động và khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay.
“Giải pháp chung là phát huy nội lực, khai thác hiệu quả vốn đầu tư công. Đối với các sở, ban, ngành và địa phương, cần tập trung nghiên cứu kỹ những tiêu chí, chỉ số PCI và DDCI của thành phố để nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị mình trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó chủ động đề ra các giải pháp và triển khai có hiệu quả các hoạt động để cải thiện những chỉ số, chỉ tiêu này.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng, kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Nội dung trả lời cần nêu rõ trách nhiệm, lộ trình, thời gian triển khai, cam kết hoàn thành hay giải pháp phải cụ thể, tránh chung chung cũng như dẫn quá nhiều văn bản, đang xin ý kiến chỉ đạo hoặc trả lời không đi vào vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đề cập”, TS.Hòa đề xuất.
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 8-11-2023 về đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện (DDCI) thành phố Đà Nẵng năm 2023. Mục tiêu đánh giá nhằm cung cấp cho lãnh đạo thành phố một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ban, ngành và quận, huyện; xác định các thực tiễn tốt về chất lượng điều hành tại các sở, ban, ngành và quận, huyện để nhân rộng các đơn vị khác; tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh về chất lượng điều hành, tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ, góp phần vào nỗ lực chung của chính quyền thành phố trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp… Theo đó, đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án rên địa bàn thành phố có sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc có tương tác với các sở, ban, ngành, quận, huyện trong năm 2023. Đối tượng được đánh giá (dự kiến) là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, các cơ quan Trung ương tại Đà Nẵng và các quận, huyện. Khảo sát được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp hoặc phiếu điện tử. Thời gian thực hiện từ tháng 11-2023 đến tháng 7-2024. |
Theo Báo Đà Nẵng
https://www.baodanang.vn/kinhte/202311/no-luc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-3959573/