Kiến tạo môi trường kinh doanh để Cần Thơ hấp dẫn nhà đầu tư
14/11/2023 | Tác giả: GIA BẢO Lượt xem: 347
Trong 20 năm qua, TP Cần Thơ đã từng bước hiện thực hóa tầm nhìn vai trò trung tâm động lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư. Quy mô nền kinh tế thành phố tính đến năm 2023 tăng gấp 10,2 lần so với năm 2004; đóng góp khoảng 9,5% GRDP của vùng ÐBSCL và khoảng 1,2% GDP cả nước.
Nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn
Năm 2020, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Trung ương đã nhận định, Cần Thơ đã nắm bắt kịp thời, tận dụng thời cơ thuận lợi, tăng cường liên kết với các địa phương và phát huy các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn. Từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng ÐBSCL và khẳng định vai trò trung tâm của vùng về công nghiệp và dịch vụ; hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ÐBSCL và là 1 trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Ðề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: Có thể thấy rằng, Cần Thơ đã đạt được những thành tựu nhất định trong 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố đã khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển, hướng đến cải thiện, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Trong tái cơ cấu, nền kinh tế đã chuyển dịch đúng định hướng, tập trung phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Theo ước tính của UBND thành phố, giai đoạn 2004-2010, GRDP của thành phố tăng trưởng bình quân 15,18%/năm; giai đoạn 2011-2023, GRDP ước tăng bình quân 5,87%/năm, thấp hơn giai đoạn trước do chịu tác động của đại dịch COVID-19, nên trong 2 năm (2020-2021) kinh tế của Cần Thơ tăng trưởng âm. Tăng trưởng kinh tế thành phố hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ÐBSCL. Tính đến năm 2023, ước giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (theo giá hiện hành) đạt hơn 119.271 tỉ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004; giá trị năng suất lao động (theo giá hiện hành) tăng bình quân 11,75%/năm, đạt mức trên 198,9 triệu đồng năm 2023, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2004.
Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng thành phố đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2004 chỉ 4.088 tỉ đồng, đến năm 2020 lên mức 22.000 tỉ đồng và ước năm 2023 đạt 43.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, các công trình văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo, nông thôn mới,… Có thể khẳng định trong 20 năm đảm đương được vai trò trung tâm vùng ÐBSCL, Cần Thơ đang dần khẳng định vai trò chi phối về thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo; đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL.
Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các thành phần kinh tế đến đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi và thân thiện với nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN). Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, giai đoạn 2004-2023, thành phố cấp mới đăng ký DN cho khoảng 22.495 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký 154.512 tỉ đồng. Ðến năm 2023, tổng số DN đang hoạt động khoảng 10.500 DN và 2.083 chi nhánh, văn phòng đại diện.
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022, bình quân giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký của DN thành lập mới là 8.796 tỉ đồng, xếp thứ 3 khu vực ÐBSCL (sau Long An và Kiên Giang). Riêng năm 2020 là 12.208 tỉ đồng; năm 2021 là 16.707 tỉ đồng. Vốn của DN thành lập mới năm 2021 so với giai đoạn 2016-2020 tăng 88,8%. Bên cạnh đó, số DN hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cũng tăng lũy tiến qua từng năm. Bình quân giai đoạn 2011-2015, số DN hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 4.186 DN; đến năm 2020 con số này tăng lên ở mức 8.225 DN và xếp thứ 12 cả nước. Số DN hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh của TP Cần Thơ dẫn đầu khu vực ÐBSCL, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 73% so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, doanh thu thuần của DN đạt 226.716 tỉ đồng, xếp thứ 19 cả nước. Trong số DN hoạt động hiệu quả, DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ chiếm đa số, lần lượt là 1.019 DN và 5.756 DN…
Những con số trên cho thấy, môi trường kinh doanh tại Cần Thơ được cải thiện tốt dần qua từng năm. Ðây là kết quả của sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong điều hành kinh tế và sự năng động của cộng đồng DN. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) cho biết, CBA đã đồng hành cùng các thành viên, phối hợp tổ chức các chương trình kết nối doanh nhân với cộng đồng DN trong và ngoài thành phố, giúp DN tiếp cận, mở rộng thị trường. CBA còn kết nối với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ doanh nhân, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bắt kịp xu thế kinh tế số, thương mại điện tử… đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
Thành phố đang triển khai hoạt động hỗ trợ DN thông qua 3 Chương trình, dự án là: Chương trình Phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ triển khai từ năm 2009; Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa triển khai từ năm 2013; Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị triển khai từ năm 2022. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 2 Quỹ đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động gồm: Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO (quản lý bởi Công ty CP TRUSTpay) và Nhóm các nhà đầu tư cá nhân thuộc Mạng lưới Khởi nghiệp MeKong (Startup MeKong)… tạo điều kiện quảng bá hình ảnh, kết nối đầu tư và cơ hội phát triển thị trường cho các DN của thành phố.
Tận dụng cơ hội mới
Một đóng góp rất quan trọng trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ năm 2004 đến nay, thành phố đã cấp mới 125 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 2,7 tỉ USD. Dự kiến đến cuối năm 2023, thành phố còn 84 dự án FDI, tổng số đăng ký khoảng 2,32 tỉ USD; vốn thực hiện khoảng 620 triệu USD (chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký).
Trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Cần Thơ thì Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 đối tác quan trọng, đã có ký kết hợp tác với thành phố đầu tư trên nhiều lĩnh vực trọng tâm. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, tính đến 11-8-2023, thành phố có 7 dự án FDI của Nhật Bản, tổng vốn đăng ký khoảng 1,35 tỉ USD; Hàn Quốc có 13 dự án FDI chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, với tổng vốn đăng ký gần 260,8 triệu USD...
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 đối tác quan trọng, nhưng thành phố chưa tận dụng được tiềm năng và nhu cầu phát triển của thành phố trong việc kêu gọi đầu tư từ 2 quốc gia này, nhất là năng lực triển khai các dự án đã được ký kết trong thời gian qua. Ðể hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng ÐBSCL, là đô thị hạt nhân như Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, thành phố cần kiện toàn và phát huy vai trò của các thành viên tổ công tác Nhật Bản (Japan Desk), xây dựng chiến lược, lộ trình hợp tác đầu tư với Nhật và Hàn Quốc trên các lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông nghiệp tại TP Cần Thơ; Trung tâm Logistic hạng II tại Cần Thơ; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như công nghiệp dược, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ thông minh. Nghiên cứu thành lập Tổ công tác Hàn Quốc (Korea Desk) để hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Theo định hướng thu hút đầu tư thời gian tới, thành phố chú trọng mời gọi các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Các đối tác thành phố tập trung xúc tiến hợp tác đầu tư là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ðài Loan (Trung Quốc), Ấn Ðộ, Hoa Kỳ và EU.
Theo báo Cần Thơ
https://baocantho.com.vn/kien-tao-moi-truong-kinh-doanh-de-can-tho-hap-dan-nha-dau-tu-a166510.html