Phát triển kinh tế từ kéo vó bè
05/07/2024 | Tác giả: Quang Minh Lượt xem: 91
Mùa mưa, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản đục ngầu. Từng đám lục bình dập dềnh nổi theo con nước. Nhìn mưa, ai cũng có cảm giác buồn. Tuy nhiên, những người làm nghề kéo vó bè ở ven sông Sài Gòn thì ngược lại. Họ rất vui, bởi mùa mưa, nước sông lưu thông, các loại cá, tôm sinh sôi đem về cho họ nguồn thu nhập khá mỗi ngày.
Từ UBND xã Tân Hiệp, vượt quãng đường ngoằn ngoèo trong những cánh rừng cao su của doanh nghiệp và người dân bằng xe máy, chúng tôi tới địa bàn ấp 9. Những hộ làm nghề kéo vó bè xây nhà ở cạnh bờ sông Sài Gòn, cách xa khu dân cư. Mùa mưa, nước dâng cao khiến lòng sông càng rộng lớn. Đứng trên bờ nhìn ra phía xa, những chiếc xuồng máy của ngư dân chạy giữa sông trông rất nhỏ, nhưng tiếng máy nổ giòn giã, vang vọng một vùng.
Nghe tiếng gọi của bà Lương Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp, anh Phạm Đình Quỳnh nhanh tay chèo chiếc xuồng nhỏ từ chỗ nhốt cá cạnh vó bè vào bờ. Sau cái bắt tay chào hỏi mọi người, anh phấn khởi trò chuyện: “Từ đêm qua tới giờ, nước sông dâng cao, vợ chồng tôi thay nhau vận hành máy nổ kéo vó liên tục. Sớm nay, tôi thu được hơn 1 tạ cá, vừa chở sang tỉnh Tây Ninh bán cho thương lái về”. Theo anh Quỳnh, ở sông Sài Gòn, mùa mưa chủ yếu có cá linh, cá trắng, cá lăng và cá tra. Cá lăng tầm 4-5 con/kg; cá tra to hơn, thi thoảng gia đình kéo được con nặng cả chục kilôgam. Lâu nay, giá các loại cá tương đối ổn định. Cụ thể, cá tra 40 ngàn đồng/kg, cá lăng 100 ngàn đồng/kg, cá linh 120 ngàn đồng/kg.
“Thời điểm này mưa nhiều, nước sông dâng cao, nguồn cá cũng dồi dào. Gia đình tôi có 4 vó bè, bình quân mỗi ngày thu từ 1-2 triệu đồng, nếu hôm nào trúng cá có thể được 3-4 triệu đồng” - anh Quỳnh cho biết.
Dẫn chúng tôi vào nhà, anh Quỳnh giới thiệu chiếc máy điện dùng để kéo vó: “Ngày trước, muốn kéo được vó bè phải dùng ròng rọc, kéo bằng tay vất vả lắm. Hiện việc kéo vó đã nhàn hơn bởi chỉ cần bật công tắc điện máy sẽ chạy, vòng quay tới đâu cuộn dây tới đó nên rất nhanh. Các vó được lần lượt kéo liên tục, cứ khoảng 10 phút lại kéo, sản lượng cá thu về sẽ tăng hơn”.
Hàng xóm với nhà anh Quỳnh, gia đình ông Nguyễn Văn Hải từ tỉnh Đồng Tháp lên Tân Hiệp gắn bó với nghề kéo vó bè hơn 20 năm. Gia đình ông có 5 vó, vận hành cũng bằng máy điện. Ông Hải cho biết: Một chiếc vó bè đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng. Mặc dù nặng vốn nhưng sử dụng được nhiều năm. Từ dây cáp tới gọng, lưới ít hư hao. Trường hợp gặp sự cố do mưa gió hoặc ghe xuồng va chạm làm hư hại lưới, vó, các hộ sẽ đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Thời điểm này mưa nhiều, bà con thường kéo được cá lớn.
“Mỗi khi được cá lớn, tôi lại bơi xuồng ra đổ giỏ mang vào bờ. Khi đủ chuyến, tôi sẽ mang bán cho thương lái tại tỉnh Tây Ninh. Nếu ít, sẽ nhốt cá trong bể hoặc trong túi lưới dưới sông. Mỗi lần mang cá đi bán, cảm giác rất hạnh phúc, bởi đó chính là thành quả lao động của mình” - ông Hải chia sẻ.
Bà Lương Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 20 hộ sống bằng nghề kéo vó bè trên sông Sài Gòn. Để các hộ lao động, khai thác an toàn, đúng luật, Hội Nông dân phối hợp với cán bộ ấp tuyên truyền người dân khai thác, đánh bắt thủy sản phải tuân thủ các quy định pháp luật. Nghiêm cấm hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản như: Không dùng mắt lưới nhỏ, xung kích điện đánh bắt tận diệt, không khai thác khu vực thủy sản còn non; không cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của cá, tôm... Hội Nông dân đang tham mưu Đảng ủy, UBND xã và ngành chức năng thành lập tổ nghề nghiệp khai thác thủy sản trên sông Sài Gòn. Trên cơ sở đó sẽ có chính sách hỗ trợ người dân dụng cụ, phương tiện cần thiết để đảm bảo lao động an toàn.
Theo Báo Bình Phước
https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/159592/phat-trien-kinh-te-tu-keo-vo-be
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn