Tài sản trí tuệ - giải pháp phát triển kinh tế bền vững
05/07/2024 | Tác giả: Nguyệt Cát Lượt xem: 94
Cùng với các yếu tố phát triển của nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì sở hữu trí tuệ (SHTT) được xem là một trong 4 trụ cột quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Xác định đây là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhiều năm nay Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh thực hiện công tác SHTT, đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững.
Nhiệm vụ xuyên suốt
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển bền vững, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản liên quan đến lĩnh vực SHTT. Đó là Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND ngày 16-12-2019 của HĐND tỉnh quy định về nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15-4-2020 của Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước và tầm nhìn đến năm 2030, đã lồng ghép một số chính sách liên quan đến lĩnh vực SHTT. Trong đó, có nội dung xác định phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín; xác định nhiệm vụ, giải pháp về giống điều; đề ra nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký xây dựng nhãn hiệu.
Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 13-7-2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế; 70% đối với quảng bá thương hiệu và một số chính sách khác có liên quan; hỗ trợ dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh, gồm: hạt điều, hạt điều chế biến sâu, sản phẩm cơ khí.
Đặc biệt, Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 21-7-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện biên giới tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2020-2025. Trong đó có chính sách phát triển, đăng ký xác lập bảo hộ và thực thi SHTT các sản phẩm đặc thù có thế mạnh tại địa phương. Từ những chủ trương, chính sách đó, giai đoạn 2010-2020, hoạt động SHTT và đăng ký bảo hộ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&CN Bùi Thị Minh Thúy cho biết: Bình Phước có diện tích lớn về cây điều, cao su, hồ tiêu. Những năm qua, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách, đề án, kế hoạch nhằm khẳng định thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp địa phương và nâng cao giá trị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp được xác lập quyền SHTT như: Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước; nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cao su Bình Phước; nhãn hiệu tập thể “Tiêu Lộc Ninh”; nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn Thanh Lương”; nhãn hiệu tập thể “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”.
Tạo nền tảng phát triển bền vững
Để đạt được kết quả nêu trên, thời gian qua ngành KH&CN tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực. Trong đó, đồng hành với doanh nghiệp được đơn vị xác định là nhiệm vụ quan trọng để tạo nền tảng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát thực tiễn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của địa phương. Lĩnh vực quản lý nhà nước về SHTT, tiêu chuẩn đo lường, chất lượng được đẩy mạnh. Công tác thẩm định, hỗ trợ công nghệ được quan tâm, nhiều hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được triển khai thực hiện. Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị được vận hành, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện có hơn 200 tổ chức, cá nhân được tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Ngành KH&CN cũng luôn quan tâm, hỗ trợ ứng dụng một số tài sản trí tuệ tiêu biểu của nhân dân vào thực tiễn. Điển hình, Sở KH&CN chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức áp dụng thử nghiệm sáng chế về các cơ cấu ngăn mùi hố ga của tác giả Tạ Tuấn Minh trên địa bàn thành phố Đồng Xoài và thị xã Bình Long; triển khai các dự án nhân rộng ứng dụng giải pháp hữu ích hệ thống phun thuốc cao áp của nông dân Mai Văn Cúc; giải pháp máy vặt hạt điều của thợ cơ khí Ngô Ngọc; tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí cho em Đậu Bá Kiên - tác giả của phần mềm KFmouse - giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật, hoàn tất hồ sơ đăng ký thành công bản quyền phần mềm tại Cục Bản quyền tác giả…
Nhiều sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sau khi được tư vấn đăng ký bảo hộ thành công quyền SHTT đã được tỉnh hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP đạt thứ hạng cao cấp tỉnh, được hỗ trợ miễn phí tham gia một số hoạt động xúc tiến thương mại quy mô cấp tỉnh và quốc gia để quảng bá thương hiệu.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác thúc đẩy phát triển sản phẩm trí tuệ, đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng, nội lực sẵn có của tỉnh. Vì vậy, Sở KH&CN cũng như tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động, chương trình, hội thảo về SHTT, đổi mới sáng tạo để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Điển hình là hội thảo “SHTT, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững” diễn ra ngày 6-6 vừa qua.
Thông qua những hoạt động như vậy giúp nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò SHTT; cung cấp thông tin, kiến thức và đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển tài sản trí tuệ và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, trao đổi và đưa ra những giải pháp đổi mới sáng tạo, bảo hộ, quản lý và khai thác, phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường vì tương lai xanh nói chung và những gợi ý chính sách SHTT cho Bình Phước nói riêng… Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển bền vững các tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và thương mại hóa sản phẩm vì mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Theo Báo Bình Phước
https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/159537/tai-san-tri-tue-giai-phap-phat-trien-kinh-te-ben-vung
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn