Phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân
17/07/2024 | Tác giả: Kiên Định Lượt xem: 167
Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân; hạn chế chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân nếu không thật sự cần thiết. Trường hợp phát hiện thông tin cá nhân bị lộ lọt, đánh cắp, cần trình báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Xuất hiện tình trạng giả danh cơ quan chức năng gọi điện thoại để lừa đảo
Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nhận được các cuộc gọi giả danh ngành chức năng như Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến dữ liệu dân cư, thuê bao, bảo hiểm xã hội,...
Để tạo niềm tin, có những trường hợp khi gọi, các đối tượng xác định danh tính những người trong một gia đình. Mặc dù ban đầu người dân cảnh giác cao nhưng khi nghe các đối tượng đọc đúng họ tên, địa chỉ người thân trong gia đình thì tin đây là cuộc gọi thật của cơ quan chức năng nên làm theo yêu cầu của đối tượng. Trên địa bàn tỉnh, có những trường hợp bị lừa đảo mất rất nhiều tiền, thậm chí khi không lừa gạt được tiền, các đối tượng chuyển qua hăm dọa khiến người dân hoang mang, lo lắng. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri thắc mắc tại sao thông tin cá nhân lại bị các đối tượng biết, phải chăng dữ liệu cá nhân đã bị lộ lọt hay đánh cắp.
Từ thực tế này, đại biểu HĐND tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh đề nghị ngành Công an cần có những giải pháp để bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của người dân, nhất là trong thời điểm đang tập trung hoàn chỉnh, đồng bộ dữ liệu dân cư.
Theo Đại tá Lâm Minh Hồng - Giám đốc Công an tỉnh, trước tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường phòng ngừa, xử lý. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Công an tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường đấu tranh, xử lý với nhóm tội phạm này.
“Dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý, tuy nhiên, Công an tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng công an đã làm rõ 23 vụ, 12 đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; triệt phá 5 chuyên án, bắt giữ, xử lý 23 đối tượng và tiếp tục đấu tranh 1 chuyên án” - Đại tá Lâm Minh Hồng thông tin.
Chưa phát hiện trường hợp dữ liệu cá nhân bị lộ lọt
Thông tin từ Công an tỉnh, khi xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế và triển khai bảo đảm yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4 với hệ thống giám sát, bảo vệ nhiều tầng nấc bảo đảm chặt chẽ; các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn được thực hiện nghiêm ngặt, xuyên suốt từ Trung ương đến cấp xã.
Quá trình thu thập định danh của người dân được Bộ Công an chỉ đạo và quy định thực hiện theo một quy trình khép kín. Thông tin cá nhân được bảo vệ nghiêm ngặt từ các biện pháp vật lý đến các biện pháp kỹ thuật, dữ liệu được lưu trữ và mã hóa ở nhiều lớp, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và giải pháp bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Thời gian qua, Công an tỉnh phối hợp các sở, ngành chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm đúng theo quy trình về công tác bảo mật, phục vụ tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đều được các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an kiểm tra, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dán tem bảo mật trước khi cho phép kết nối. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện trường hợp dữ liệu cá nhân của công dân bị lộ lọt qua quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Vì sao lộ lọt thông tin cá nhân?
Đối với các trường hợp bị lộ lọt, bị đánh cắp thông tin cá nhân, có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ các hoạt động giao dịch thường ngày của mỗi cá nhân như mua bán hàng, tự nguyện cung cấp các thông tin cá nhân trong khi các bên nhận thông tin không có sự bảo mật chặt chẽ. Cá biệt, có trường hợp cung cấp cho bên thứ ba dẫn đến lộ lọt thông tin hoặc vô ý đưa các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội.
Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân
Theo Đại tá Lâm Minh Hồng, để phòng, chống tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, người dân không chia sẻ thông tin tài khoản định danh điện tử cho người khác; tuyệt đối không xuất trình hoặc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin giấy tờ cho đối tượng lạ mặt, không phải cán bộ hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết, chỉ xuất trình các thông tin trên ứng dụng VNeID khi được lực lượng chức năng có thẩm quyền yêu cầu.
Bên cạnh đó, người dân không nên bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại hoặc cài đặt các ứng dụng rác, phần mềm gián điệp có nguy cơ gây mất an toàn cho thiết bị; tuyệt đối không cấp quyền truy cập vào hình ảnh, danh bạ, tin nhắn, vị trí, trợ năng trên điện thoại cho các ứng dụng lạ, không chính thống. Khi nhận cuộc gọi từ người lạ, người dân cần tỉnh táo, luôn nêu cao cảnh giác và không làm theo các hướng dẫn của người lạ mà không xác minh để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Công an tỉnh đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân; hạn chế chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân nếu không thật sự cần thiết. Khi phát hiện thông tin cá nhân bị lộ lọt, đánh cắp, cần trình báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật” - Đại tá Lâm Minh Hồng thông tin thêm./.
Theo Báo Long An
https://baolongan.vn/phong-ngua-toi-pham-cong-nghe-cao-tuyet-doi-khong-chia-se-thong-tin-ca-nhan-a179019.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn