“Quả ngọt” giảm nghèo bền vững
26/07/2024 | Tác giả: Biện Luân Lượt xem: 148
Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch phát triển KT - XH, những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững với nhiều cách làm đổi mới từ cơ sở, tạo ra giá trị mới, động lực, quyết tâm giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Đầu năm 2022 toàn tỉnh có 79.102 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, chiếm 42,08%; 24.514 hộ cận nghèo, chiếm 13,04%; nhiều xã, huyện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, chiếm từ 53% - 80,34%.
Với mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được tỉnh thực hiện rất quyết liệt, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo tập trung thực hiện từ tỉnh đến cơ sở; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp được thành lập, kiện toàn, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án.
Từ năm 2021 - 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.723,9 tỷ đồng đồng, trong đó ngân sách T.Ư trên 2.640 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng trên 83,6 tỷ đồng. Đến nay đã phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các địa phương, đơn vị thực hiện. Các công trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này tập trung vào đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ sản xuất, mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ trang thiết bị thông tin...
Theo đó, dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo đã thực hiện khởi công mới 79 công trình và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp 60 công trình cấp nước sinh hoạt, giao thông, điện, trường học, y tế, thủy lợi, văn hóa, chợ do cộng đồng đề xuất. Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã triển khai 421 mô hình giảm nghèo chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với 11.467 hộ nghèo và cận nghèo thụ hưởng, 166 dự án hỗ trợ sản xuất với 3.655 hộ nghèo hưởng lợi, 14 dự án liên kết chuỗi giá trị. Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại 7 huyện nghèo đã triển khai xây mới 6.820 nhà, sửa chữa 2.803 nhà cho hộ nghèo.
Cùng với đó, các ngành, địa phương phối hợp mở hàng trăm lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tổ chức 197 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm; giới thiệu việc làm thành công cho trên 2.230 người; đầu tư mua sắm đài truyền thanh internet tại 62 xã, 5 điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng, 2 cụm thông tin điện tử công cộng; xây dựng và thực hiện nhiều sản phẩm truyền thông về giảm nghèo định hướng cho người dân tiếp cận, thụ hưởng Chương trình, dịch vụ xã hội cơ bản.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Với sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, sự nhiệt tình hưởng ứng tham gia và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, hành trình giảm nghèo trong suốt 3 năm qua đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,12% xuống còn 42,61% (cuối năm 2023), giảm 12,51%, giảm 59.496 hộ nghèo và 21.955 hộ cận nghèo; ước tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 38,21% (giảm 4,4%). Tỷ lệ nghèo đa chiều của 7 huyện nghèo giảm từ 73,26% xuống còn 61,04%, giảm 12,22%, giảm 11.645 hộ nghèo và cận nghèo, năm 2024 ước tiếp tục giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 6%, giảm còn 55,04%. Như vậy, kết quả giảm nghèo đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao tỉnh Hà Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022 - 2025 là 4%/năm và vượt mục tiêu phấn đấu hàng năm giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh.
Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2024, các chỉ tiêu chủ yếu của chương trình đều mang lại kết quả ấn tượng: Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,8 triệu đồng/năm lên 31,7 triệu đồng/năm; thu nhập của hộ nghèo tăng từ 9,5 triệu đồng/người/năm lên 14,38 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP đạt 4,98%; cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 54% lên 60%; 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH liên kết vùng; 100% xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm và 100% thôn, bản có đường đi xe cơ giới đến trung tâm. Hàng trăm nghìn học sinh được hỗ trợ các chính sách theo quy định về miễn, giảm học phí, chi phí học tập, tiền ăn trưa, tiền gạo, ở bán trú; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97,25%; trên 26.310 trẻ em từ 0 - 3 tuổi con hộ nghèo, cận nghèo được bổ sung dinh dưỡng; 89.075 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện hàng năm với kinh phí 58,4 tỷ đồng...
Việc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mang lại hiệu quả giảm nghèo rõ nét, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy ý chí, động lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
Theo Báo Hà Giang
https://baohagiang.vn/kinh-te/202407/qua-ngot-giam-ngheo-ben-vung-b9413d2/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn