Quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công
18/07/2024 | Tác giả: Thành Hưng Lượt xem: 95
Kết thúc quý I/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh tuy có được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình so với cả nước. Thực tế này đòi hỏi cần có quyết tâm hơn nữa để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất (trên 95%).
Theo UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, công tác phân bổ và đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm.
Đây là nhiệm vụ được xác định vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, và là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động Phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Kon Tum” năm 2024. Các sở, ngành, cơ quan và địa phương, chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án đầu tư công cũng được tăng cường, qua đó phát hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh giải ngân khoảng 489 tỷ đồng, đạt 21,1% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 địa phương giao; đạt 18% so với kế hoạch Trung ương giao, đứng thứ 34/63 tỉnh thành (theo thứ tự từ thấp đến cao).
Như vậy quý I/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh tuy có được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn khoảng 11,5 tỷ đồng), nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình so với cả nước.
Đáng chú ý là đến tháng 3/2024, một số địa phương vẫn chưa thực hiện phân bổ hết kế hoạch năm 2024 đã được giao (chủ yếu là nguồn vốn phân cấp), như Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông; Sa Thầy, Kon Rẫy, Ia H’Drai.
Bên cạnh đó, số vốn kế hoạch cần phải giải ngân còn lại rất lớn (khoảng 2.458 tỷ đồng vốn Trung ương giao), trong đó có một số dự án đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đã được giao, như dự án Kè chống sạt lở sông Đăk Tờ Kan (đoạn cầu 42), huyện Đăk Tô; dự Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 (giao với đường Hồ Chí Minh); dự Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, về cơ sở pháp lý trong giải phóng mặt bằng như giá đất cụ thể của cấp huyện chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác tính toán giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư
Công tác chuẩn bị, phê duyệt ở một số dự án thực hiện chưa tốt, nên khi được phân bổ vốn lại chưa đủ điều kiện chuẩn bị đầu tư. Hoặc một số chủ dự án đầu tư công chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đàm phán với các nhà tài trợ, ký kết hợp đồng, nên tiến trình thực hiện dự án bị chậm lại.
Ngày 11/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký văn bản số 1250/UBND-KTTH đôn đốc các đơn vị, địa phương và chủ đầu tư đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Văn bản yêu cầu các địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cần khẩn trương thực hiện theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ.
Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.
Người đứng đầu các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành chấn chỉnh công tác lập dự án đầu tư công, từ dự án sơ bộ, dự án tiền khả thi và dự án khả thi để đảm bảo sự cần thiết, tính khoa học, tính thực tiễn, tính phù hợp với từng địa phương, từng thời kỳ, đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính khả thi của dự án.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra kỹ và tiến hành phân bổ hết vốn chi tiết cho từng dự án. Sẵn sàng và quyết liệt điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Lấy kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan.
Các chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư đã hoàn tất thủ tục. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào thực hiện thủ tục đầu tư, quy trình cấp vốn; xem xét, rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian và thủ tục, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo khối lượng để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Báo KonTum
https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/quyet-liet-hon-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-40571.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn