Rộng 'đầu ra' cho HTX, doanh nghiệp nhờ liên kết
26/10/2022 | Tác giả: Huyền Trang Lượt xem: 363
Một trong những khó khăn khiến nông sản của các HTX, doanh nghiệp vẫn chưa được rộng "đầu ra" là do mối liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp và các nhà quản lý vẫn còn lỏng lẻo. Để cùng chia sẻ lợi ích, rất cần mối liên kết chặt chẽ giữa các bên.
Tại Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng-Tăng tốc phát triển kinh tế, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX” do Tạp Chí Kinh Doanh (Vnbusiness) tổ chức ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết cả nước hiện có trên 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. Khu vực HTX đang thu hút thu hút 3,2 triệu hộ nông dân, chính vì vậy đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.
Chưa thông "đầu ra"
Đáng nói, đến nay có khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp. Điều này khiến vấn đề tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp khó khăn.
Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện nay, các HTX rất mong muốn được liên kết với doanh nghiệp, siêu thị… thậm chí đi bằng chính “đôi chân” của mình để đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn của các thành viên HTX về giấy tờ, cách thức kết nối với các doanh nghiệp đang khiến đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở.
Còn theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội), việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng việc này hiện đang gặp khó khăn.
Lý do mà các siêu thị đưa ra là nông sản khó bảo quản, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm nghiêm ngặt của các siêu thị… Trong khi HTX cũng đã rất cố gắng và thực hiện nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Chính vì vậy, thành viên HTX đang băn khoăn chưa biết làm thế nào để có thể đưa sản phẩm vào siêu thị?
Bên cạnh đó, HTX hiện nay rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng. Trong khi cơ chế thanh toán các siêu thị đưa ra kéo dài đến 45 ngày, HTX không có đủ vốn để quay vòng sản xuất.
Vì những khó khăn trên mà HTX hoạt động càng khó khăn, làm giảm lòng tin của người dân vào mô hình HTX. Chính vì vậy, rất cần các doanh nghiệp, siêu thị hỗ trợ mô hình Kinh tế tập thể, HTX phát triển. Trong khi đây là khu vực đang tạo việc làm cho không ít nông dân và được Nhà nước khẳng định là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc thu mua Big C/GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, vấn đề đặt ra lâu nay là HTX thường bán những cái có sẵn nhưng chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù. Có những HTX giới thiệu 15-20 mã hàng những tất cả các mã không có gì đặc thù. Do đó, HTX cần phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp. Chẳng hạn như hàng loại một đưa vào siêu thị, HTX cần phải làm gì, bao gói ra sao, có phục vụ cả online hoặc offline... “Nếu đáp ứng được những điều trên, siêu thị chắc chắn hợp tác lâu dài với HTX”, bà Mai Phương nói.
Ngoài ra, các HTX đang chủ yếu duy trì sản lượng, cung cấp sản phẩm theo thời vụ, trong khi các siêu thị rất quan tâm đến vấn đề duy trì sản phẩm. Chính vì vậy, những HTX nào đảm bảo được tính duy trì và bảo đảm được chất lượng thì mối liên kết giữa HTX và siêu thị rất bền chặt. Hiện có HTX Mường Bú (Sơn La), HTX Chúc Sơn (Chúc Sơn) đang làm rất tốt điều này.
Cùng chia sẻ về vấn đề đưa nông sản vào siêu thị, bà Nguyễn Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood, cho rằng hiện nay nền tảng Tik tok đang thu hút nhiều khách hàng, đơn vị này cũng hỗ trợ về logistics và kết hợp với nhiều đơn vị đào tạo miễn phí cho người dân nên HTX có thể tận dụng điều.
"Điều HTX cần quan tâm là khách hàng ở đâu, HTX cần phải bán sản phẩm ở đó. Hiện, đã có đơn vị ở Sơn La bán được 600 triệu tiền hàng trong 1 buổi livestream. Chính vì vậy, các HTX kiểu mới có thể ứng dụng công nghệ số hóa để bán hàng hiệu quả", bà Hằng nói.
Trước khó khăn về vấn đề chi phí quầy kệ để trưng bày sản phẩm, ông Kiều Song Hào, đại diện Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết hiện siêu thị đang đồng hành cùng với nông dân, HTX. Và hiện tại, hệ thống siêu thị đã có gian hàng riêng để trưng bày cho các sản phẩm OCOP. Các HTX đã liên kết, ký hợp đồng với siêu thị thì sản phẩm OCOP chắc chắn sẽ hiện diện trên kệ hàng.
Toàn bộ nhóm hàng không cho phép thì siêu thị này không thu phí, còn nhóm thực phẩm khô, siêu thị thu phí 10 triệu đồng/sản phẩm để bảo đảm sản phẩm của HTX luôn hiện diện trên quầy kệ của chuỗi siêu thị.
Cần sợi dây liên kết
Theo dự báo, trong vòng 5 năm tới sự bùng nổ của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam sẽ đạt đỉnh điểm, dần thay thế mô hình kinh doanh nhỏ lẻ và hộ gia đình tại các thành phố lớn. Trong thời gian này sẽ chứng kiến hàng loạt công nghệ mới được tích hợp vào các cửa hàng, siêu thị để đáp ứng tốt hơn các tiện ích cho khách mua hàng.
Nghiên cứu của McKinsey cho thấy, nếu như năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp trung lưu thì đến nay con số này đã tăng lên 40%. Dự báo đến 2030, con số này có thể đạt gần 75% dân số. Và mức chi tiêu trung bình của tầng lớp này sẽ là khoảng 250.000 đồng/ngày (7,5 triệu đồng/người/tháng).
Điều này có nghĩa, mức chi tiêu cho hàng hóa của người dân tăng chính là cơ hội tốt cho hàng hóa Việt Nam nếu đưa được vào chuỗi siêu thị bán lẻ. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về độ nhận diện thương hiệu mà còn giúp HTX, doanh nghiệp nắm bắt tốt nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà bán lẻ, nhất là trong giai đoạn mới sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc HTX Trà Cao Sơn (Thái Nguyên), hiện nay trong liên kết sản xuất có tình trạng, lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận, người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường. Lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ.
“Sản phẩm trà rất hạn hẹp về nhu cầu thị trường, hiện chủ yếu là sản phẩm trà truyền thống. Chính vì vậy, ngoài sản phẩm trà truyền thống, HTX mong muốn các cơ quan hỗ trợ tìm ra những sản phẩm mới từ trà để tránh tình trạng sản xuất theo mùa vụ, đứt gãy liên kết giữa HTX và người dân, doanh nghiệp”, bà Uyên nói.
Để tránh “phá vỡ” hợp đồng, thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường Trong nước Bộ Công Thương, cho rằng điều đầu tiên cần quan tâm đó là chất lượng nông sản phải được bảo đảm, các quy định trong hợp đồng phải chặt chẽ. Muốn hợp đồng được bền vững cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, và hài hòa về lợi ích giữa các bên.
Ngoài ra, hàng hóa hiện nay rất phát triển, đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn nhưng hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa.
Hiện, trên cả nước đã có trên 1.000 siêu thị, cửa hàng hiện đại, ngoài ra còn hơn 1.000 chợ giúp tiêu thụ nông sản của người dân, HTX. Nhưng vấn đề đặt ra là hạ tầng thương mại của các siêu thị, chợ chưa đáp ứng được vấn đề tiêu thụ nông sản. Đề làm được điều đó, Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các doanh nghiệp, HTX phát triển chuỗi. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các chợ, siêu thị phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cung-cầu gặp nhau.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trước khi nói đến xuất khẩu, sản phẩm của HTX phải chinh phục được thị trường nội địa.
Và điều không được bỏ qua đó chính là cần coi thương lái là một phần của chuỗi giá trị, bởi hiện tỷ lệ nông sản vào siêu thị chỉ chiếm khoảng 15%. Chính vì vậy, cần tạo sân chơi cho đối tượng này để gắn kết và hoàn thành các chuỗi. Chẳng hạn như việc thành lập các hội sầu riêng ở Đắk Lắk đang từng bước giúp chính quy hóa chuỗi, đưa thương lái vào trong chuỗi giá trị.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản, cần làm sao phát huy được sự phối hợp giữa doanh nghiệp và HTX.
"Hiện, Việt Nam là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại. Ngoài các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ, các hiệp định thương mại đều có các điều khoản hỗ trợ xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, Liên minh HTX Việt Nam có thể nghiên cứu kỹ hơn để khai thác những thuận lợi đó nhằm tạo ra những kênh thông tin, hỗ trợ HTX chuyển đổi số", bà Minh nói.
Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bởi sản phẩm dù có chất lượng nhưng không có thương hiệu, không bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì rất khó thâm nhập thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các HTX cần tính đến các thị trường ngách. Chẳng hạn như sản phẩm trà có thể đa dạng nhiều sản phẩm cho nhiều đối tượng nhưng cần chiến lược bài bản về thị trường ngách mới có thể tiếp cận được khách hàng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, HTX cần chú trọng đến câu chuyện thị hiếu khách hàng. Vì sao thanh niên, giới trẻ lại rất ưa thích trà Đài Loan, lại quan tâm đến không gian uống trà. Điều này liên quan đến hình thức chuyển đổi số để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Chính vì vậy, HTX cần phân loại sản phẩm để tiếp cận khách hàng phù hợp.
Ngoài ra, các HTX cũng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành để sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, có định hướng rõ ràng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu.
Theo Vnbusiness
https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/rong-dau-ra-cho-htx-doanh-nghiep-nho-lien-ket-1088886.html