Sinh viên có nên đi làm sớm?
19/07/2022 | Tác giả: Thanh Hằng Lượt xem: 325
Các chuyên gia đều nhấn mạnh sinh viên có nhiều lợi ích khi đi làm sớm, nhưng đồng thời cảnh báo có thể "mất nhiều hơn được" nếu không biết cân bằng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Tư vấn FPT Digital, bắt đầu làm thêm vào năm ba đại học, khi là sinh viên ngành Kinh tế Đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương. Chị được giao nhiệm vụ nghiên cứu thị trường Mỹ tại một bộ phận của Tập đoàn FPT. Lúc đó, chị thấy khác biệt rõ giữa hai thời điểm trước và sau khi đi làm, chị Trang chia sẻ tại workshop về yêu cầu, kinh nghiệm khi xin việc hôm 17/7.
Năm nhất và năm hai, chị Trang toàn bộ thời gian dành cho việc học, gặp gỡ bạn bè, thực hiện những sở thích cá nhân. Đến khi cần dành thời gian các buổi chiều để đến công ty làm việc, chị phải sắp xếp lại thời gian biểu của mình. "Đối mặt các deadline, áp lực công việc, tôi sống có kế hoạch hơn: bài tập này khi nào phải xong, thời gian nào trong ngày dành cho việc học, còn lại giải quyết công việc", chị kể.
Chị Trang cho rằng mình gặp may khi tìm được một công việc liên quan mật thiết đến chuyên ngành đang học. Do đó, trong năm ba và cuối - thời điểm phải giải quyết những dự án, bài tập lớn - chị nhận được ý kiến, sự hỗ trợ từ các anh chị đồng nghiệp, cũng là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong ngành. Môi trường làm việc cũng mở rộng mạng lưới mối quan hệ cá nhân, là nền tảng để chị tiếp cận những cơ hội mới.
"Trải nghiệm của cá nhân tôi cho thấy mặt tích cực của việc sinh viên đi làm ngay khi đang học", chị nói.
Không chỉ những người đã tốt nghiệp đại học như chị Trang, Phạm Bùi Gia Hân, 17 tuổi, học sinh trường Quốc tế Anh BIS và là người sáng lập The Student Consulting Group (SCG - nền tảng tư vấn miễn phí, được điều hành bởi học sinh, sinh viên Việt Nam), cũng xác định cần đi làm sớm khi vào đại học. "Em thích được làm việc thay vì chỉ học ở trường. Tham gia các hoạt động và công việc bên ngoài giúp em có cơ hội nói chuyện với nhiều người, học hỏi và mở mang đầu óc", Hân chia sẻ.
Nữ sinh cho rằng học và làm là hai yếu tố nên song hành cùng nhau, học để làm và làm những cái phục vụ cho việc học. Với kinh nghiệm làm việc, Hân đặt mục tiêu tiếp tục học MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) sau khi tốt nghiệp đại học.
Có nhiều cơ hội tiếp xúc với thực tập sinh và nhân viên trong giai đoạn thử thách, Nguyễn Hương Giang, cộng sự cấp cao ngành dịch vụ tư vấn trị một công ty "Big4" (bốn công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất toàn cầu, đang có mặt tại Việt Nam), nhận định những bạn đi làm sớm hoàn thành công việc nhanh và chất lượng hơn, ứng xử cũng tốt hơn nhóm chưa được cọ xát trong môi trường công việc. Cô đánh giá "tìm việc sớm là điều cần thiết và nên làm".
Cuối năm 2021, CareerBuilder (nền tảng cung cấp, kết nối cơ hội việc làm) từng thực hiện một khảo sát với hơn 1.000 nhà tuyển dụng về những yếu tố cần có của một ứng viên. Kết quả, 23% (nhiều nhất trong năm yếu tố) bỏ phiếu cho "kinh nghiệm liên quan chuyên môn". Hơn một nửa trong số những người bình chọn xem trọng những kinh nghiệm, kỹ năng mà sinh viên học được thông qua các hoạt động tình nguyện, làm việc bán thời gian, nhưng cho rằng "đa số sinh viên lại không quan tâm đến điều này".
Ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ sinh viên làm thêm trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, các trường đại học hoặc một số đề tài nghiên cứu khoa học vẫn khảo sát về vấn đề này với sinh viên của trường hoặc trong một khu vực nhất định. Kết quả phổ biến khoảng 70-80% sinh viên đang hoặc từng đi làm.
Năm 2015, dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me cũng từng công bố một báo cáo với số liệu tương tự. Dựa vào kết quả khảo sát 500 người trong độ tuổi 18-22, Q&Me ghi nhận19% sinh viên đang có việc làm thêm, trong khi 57% từng đi làm. Ngoài ra, theo khảo sát này, bồi bàn là công việc phổ biến nhất.
Theo chị Trang, lý tưởng nhất là sinh viên tìm được việc liên quan tới ngành đang học nhưng thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Hương Giang là một trường hợp điển hình.
Cô nhận thức được giá trị của việc đi làm sớm, nhưng khi là sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, Giang không thành công với mục tiêu này. Ngay từ năm nhất, Giang đã xác định phải vào "Big4". Hướng tới vị trí kiểm toán, cô tiếp tục đặt mục tiêu phải học và thi ACCA (The Association of Chartered Certified Accountants - chứng chỉ kế toán công chức được cấp bởi Anh).
Giang tìm kiếm cơ hội làm kế toán tại một doanh nghiệp nhỏ để được cọ xát, biết quy trình làm việc. Nhưng suốt năm nhất đại học, cô không tìm được việc. "Lúc đó tôi nghĩ nếu đã không tìm được việc, tôi phải học và học thật tốt. Tôi muốn dùng thành tích học tập để bù lại kinh nghiệm làm việc không dày dặn", Giang nói.
Ở góc nhìn khác, chị Quỳnh Trang cho rằng sinh viên luôn cần đặt tâm thế sẵn sàng học hỏi trước mọi công việc. Ngay cả khi vị trí đó không liên quan tới ngành học, các bạn trẻ vẫn có thể học cách ứng xử, giao tiếp, cách đối mặt và vượt qua áp lực. Đây đều là những kỹ năng cần thiết khi chính thức đi làm.
Giang đưa ra ví dụ tại công ty cô đang làm việc có một bộ phận thư ký, chịu trách nhiệm rà soát lỗi chính tả, số liệu trong các báo cáo. Công việc này không yêu cầu trình độ cao, cũng có thể không đúng chuyên môn với những sinh viên Tài chính - Ngân hàng. "Tuy nhiên, khi làm việc, các bạn sẽ có sếp, đồng nghiệp, có áp lực, deadline và phải học cách sắp xếp công việc. Vì vậy dù không thực sự liên quan tới chuyên môn ngành học, các công việc làm thêm vẫn mang đến những giá trị nhất định", Giang nói.
Để đi làm khi chưa tốt nghiệp, sinh viên cùng lúc phải giải quyết việc học và làm. Cân bằng thời gian giữa hai chuyện này "rất khó" bởi chỉ cần không sắp xếp tốt, sinh viên có thể "mất nhiều hơn được", theo các chuyên gia.
Với cương vị nhà quản lý, chị Trang cho biết chưng từng nhìn vào bảng điểm đại học để đánh giá một ứng viên. "Khi trao đổi hoặc nhìn vào sản phẩm mà ứng viên đó hoàn thành, tôi có thể đưa ra đánh giá về người đó", Giám đốc Tư vấn FPT Digital nói.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa kết quả học tập không quan trọng. Để tới được vòng phỏng vấn với quản lý bộ phận hoặc tham gia thử việc, ứng viên cần vượt qua vòng đơn (còn gọi là CV). Khi đó, thành tích học thuật là một trong những căn cứ để đội ngũ nhân sự lọc hồ sơ.
"Thành tích học tập xuất sắc cùng kết quả ACCA với nhiều môn điểm top thế giới nhưng tôi vẫn chật vật để vượt qua vòng hồ sơ của một công ty "Big4". Lý do vì có hàng nghìn người xuất sắc khác cũng ứng tuyển", Giang nói và khẳng định nếu mải mê đi làm và khiến kết quả học tập quá bết bát, hành trình tìm kiếm một vị trí việc làm tốt "sẽ rất chật vật".
Chị Quỳnh Trang khuyên sinh viên cần biết cách từ chối. Theo chị, đầu tiên cần xác định đâu là yếu tố bản thân nên ưu tiên vào thời điểm này. Có những công việc dù tiếc, nhưng vẫn phải từ chối nếu cảm thấy nó không mang tới lợi ích; hoặc không nên "tham công tiếc việc" đến mức bỏ thi để đi làm. "Việc có thể sắp xếp, bố trí thời gian như nào để cân bằng giữa học và làm là điều bạn nên trao đổi với quản lý", chị nói.
Các chuyên gia đánh giá đi làm sớm mang đến nhiều lợi ích, nhưng "cái gì quá cũng không tốt". "Cân bằng cuộc sống không phải điều dễ dàng. Nhưng chỉ khi làm được điều này, sinh viên mới có thể khai thác tối đa lợi ích của việc đi làm sớm", chị Trang nói.
Theo báo Vnexpress
https://vnexpress.net/sinh-vien-co-nen-di-lam-som-4488971.html