Sự thật uống nước đun bằng ấm siêu tốc có thể gây ung thư
06/10/2023 | Tác giả: Phương Anh Lượt xem: 332
Nhiều gia đình chọn cách đun nước bằng ấm điện siêu tốc. Tuy nhiên có thông tin cho rằng, uống nước đun bằng ấm siêu tốc có thể gây ung thư.
70% cơ thể con người là nước, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần bổ sung khoảng 1500 ~ 2500 ml nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Uống đủ nước sẽ thúc đẩy trao đổi chất, tăng cường lưu thông máu, giúp các hoạt động trong cơ thể diễn ra tốt hơn.
Hiện ngoài việc sử dụng bình nước nóng lạnh, các gia đình thông thường chọn ấm điện để đun nước vì thời gian đun nước rất nhanh. Tuy nhiên, một số người trên mạng cho rằng việc sử dụng nước đun bằng ấm điện lâu ngày không tốt cho sức khỏe, thậm chí có nguy cơ gây ung thư, điều này có thực sự đúng?
Uống nước đun bằng ấm điện trong thời gian dài có thực sự gây ung thư?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Thanh Đảo (Trung Quốc) đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với ấm điện từ 30 hộ gia đình, cũng như các mẫu nước từ nước máy, nước mưa và 14 ấm điện mới từ trung tâm mua sắm, bao gồm thép không gỉ thông thường và thép không gỉ 304.
Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng của các kim loại như niken và sắt không thay đổi đáng kể ở bất kỳ nhãn hiệu, giá cả hay chất liệu nào, dù là ấm điện cũ hay mới, trước khi đun và sau khi đun trong 12 giờ. Nói cách khác, hầu hết các ấm điện trên thị trường về cơ bản là an toàn.
Dưới đáy bình có cặn lắng, nước còn uống được không?
Nhiều người phát hiện đáy bình đun nước mới mua sau khi đun xong sẽ xuất hiện một lớp "gỉ trắng". Thỉnh thoảng có thể nhìn thấy một lớp chất nổi màu trắng trên bề mặt và cho rằng đây là các kết tủa kim loại nguy hiểm. Vậy đây là kết tủa gì?
Trên thực tế, những thứ cặn trắng trong bình đun nước là sự kết tủa của cacbonat canxi và magie. Canxi và magie tồn tại ở dạng bicacbonat trong nước, khi đun nóng sẽ tạo thành kết tủa trắng và bám vào thành ấm, đó chính là cặn cuối cùng.
Nếu chất lượng nước máy đạt tiêu chuẩn, nó sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Sau khi nước đi vào cơ thể, nó sẽ bị phân hủy thành các ion canxi và magie dưới tác dụng của axit dạ dày, một phần được bài tiết ra khỏi cơ thể. Một phần nhỏ còn lại được cơ thể hấp thụ, nhưng nó không đủ để gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Tuy nhiên, lớp cặn không hoàn toàn vô hại bởi khả năng dẫn nhiệt kém của lớp cặn có thể ảnh hưởng đến quá trình truyền nhiệt của bề mặt đốt nóng, từ đó gây lãng phí nhiên liệu hoặc điện năng.
Những lưu ý khi sử dụng nước ấm điện
Chọn mua ấm siêu tốc
Mặc dù ấm siêu tốc tương đối an toàn, nhưng những loại ấm siêu tốc được làm từ vật liệu kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của sản phẩm cũng như sức khỏe của người sử dụng. Chính vì vậy cần xem xét thật kĩ lưỡng chất liệu của ấm trước khi mua.
Không sử dụng cho mục đích khác ngoài đun nước
Ấm siêu tốc chỉ có chức năng duy nhất là đun nước, nhưng có một số người dùng sử dụng chúng để nấu canh, luộc rau, luộc trứng, luộc thịt… điều này khiến cặn rất dễ đóng vào thành ấm và ấm nhanh chóng bị hỏng, thậm chí gây chập điện rất nguy hiểm.
Vệ sinh ấm điện thường xuyên
Nguồn nước có chứa nhiều hợp chất canxi và magie, trong quá trình đun sôi nước, ấm điện sẽ làm cho các chất này phản ứng hóa học, từ đó chuyển thành cặn và đọng lại trong ấm điện.
Lớp cáu cặn còn lại trong ấm điện ảnh hưởng đến khả năng dẫn nhiệt của ấm, gây khó chịu trong quá trình sử dụng.
Vì vậy, để uống nước có lợi cho sức khỏe, cũng cần thường xuyên tẩy cặn trong ấm siêu tốc. Phương pháp cụ thể có thể sử dụng giấm trắng hoặc baking soda tại nhà, thông qua phản ứng trung hòa axit - bazơ có thể đánh tan cặn bẩn.
Không nấu nước liên tục
Nhiều người đã sai lầm khi cho rằng nấu nước liên tục sẽ tiết kiệm được nhiên liệu khi ấm đang nóng sẵn. Nấu nước liên tục khiến cho mâm nhiệt của ấm quá nóng, dẫn đến bị cháy rất nhanh.
Tốt nhất, hãy để ấm có một khoảng thời gian nghỉ giữa các lần đun để mâm nhiệt bên dưới nguội bớt.
Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam
https://giadinhonline.vn/su-that-uong-nuoc-dun-bang-am-sieu-toc-co-the-gay-ung-thu-d194072.html