Tăng cường hiệu quả mô hình kinh tế tập thể
28/08/2024 | Tác giả: Trình Kế Lượt xem: 148
Xác định kinh tế tập thể là một thành phần quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, những năm qua tỉnh Phú Yên rất quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Công tác này đã góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyển biến tích cực
Huyện Phú Hòa có diện tích khoảng 400 ha trồng cây khóm dứa chất lượng cao. Diện tích trồng khóm tập trung tại các xã Hòa Định Đông, Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam và thị trấn Phú Hòa. Sản lượng khóm hằng năm ước đạt 1.200 tấn, năng suất bình quân 3 tấn/ha/năm.
Tuy nhiên, tới mùa thu hoạch người trồng phải vất vả tìm đầu ra cho trái khóm, nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định. Trước thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Chương từ một hộ cá thể đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (Hợp tác xã Đồng Din), liên kết với các hộ dân trồng khóm, bao tiêu và thu mua khóm quả của nông dân, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng cao.
Tiếp đó, Hợp tác xã Đồng Din mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học để sản xuất các sản phẩm từ trái khóm… Theo Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Hoàng Chương, đến nay, các sản phẩm từ khóm của hợp tác xã Đồng Din sản xuất theo công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISSO, HACCP đáp ứng được nhu cầu của nhiều thị trường. Sản phẩm đã có nhãn hiệu, chỉ dẫn truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Hiện nay, Hợp tác xã Đồng Din có chín sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm OCOP 4 sao, bảy sản phẩm OCOP 3 sao và các kênh phân phối chủ yếu đó là kênh thương mại điện tử Postmart, hệ thống siêu thị Coopmart, các cửa hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh…
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay có hai liên hiệp hợp tác xã, 70 tổ hợp tác và 194 hợp tác xã đang hoạt động. Chỉ tính riêng bảy tháng đầu năm 2024 có bảy tổ hợp tác, 13 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số tổ hợp tác toàn tỉnh lên 70 tổ và có 194 hợp tác xã đang hoạt động, tổng vốn là 697,2 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 342,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có bốn quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Doanh thu bình quân của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ước bình quân khoảng 3,4 tỷ đồng/hợp tác xã/năm (đạt 85% so với kế hoạch năm 2024). Trong đó, doanh thu đối với thành viên là 2,21 tỷ đồng/hợp tác xã/năm (đạt 78,93% so với kế hoạch)… Các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động của hợp tác xã có chuyển biến tích cực, trên địa bàn đã có một số hợp tác xã điển hình hoạt động hiệu quả. Các tổ chức kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thành viên, mở rộng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất công nghiệp trong nông thôn, xây dựng một số mô hình chuỗi giá trị sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp...
Các hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới, nâng cao chất lượng trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Phần lớn các hợp tác xã hoạt động hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, bảo đảm đúng các nguyên tắc và bản chất hợp tác xã kiểu mới.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên cho biết, riêng các hợp tác xã nông nghiệp từ phổ biến làm dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đã dần mở rộng sang hình thức kinh doanh tổng hợp, phát triển ngành nghề, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu thành viên. Hoạt động liên kết giữa các hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế được chú trọng; đã xuất hiện nhiều mô hình chuỗi giá trị trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Hoạt động của các hợp tác xã đã thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển sản xuất hàng hóa từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 31 sản phẩm OCOP của 18 hợp tác xã nông nghiệp được tỉnh công nhận gồm 3 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kinh tế tập thể
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh Phú Yên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 6/2/2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 26/4/2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch của địa phương để triển khai Kế hoạch số 99/KH-UBND.
Tiếp tục chỉ đạo cơ quan, ban, ngành huyện phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tổ chức tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2012; quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn quản lý. Phú Yên đã ban hành Quyết định số 1610/QĐ-UBND về Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và đến năm 2030.
Mục tiêu của Chương trình, đến năm 2025, có hơn 150 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, 100% các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã, toàn tỉnh có 108 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Đến năm 2030, phấn đấu có bốn Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động và phấn đấu trên toàn tỉnh có hơn 45 mô hình chuỗi giá trị liên kết gắn với sản phẩm OCOP, 80% số HTX nông nghiệp hoạt động khá, giỏi. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 15-20 mô hình hợp tác xã kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển bền vững.
Cũng theo đồng chí Lê Tấn Hổ, để đạt được các mục tiêu nêu trên, tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kiến nghị đổi mới, hoàn thiện và tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và Liên minh hợp tác xã tỉnh đối với phát triển hợp tác xã.
Theo Báo Nhân dân
https://nhandan.vn/tang-cuong-hieu-qua-mo-hinh-kinh-te-tap-the-post827171.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn