Tăng "sức đề kháng" cho sinh viên trên không gian mạng
11/11/2023 | Tác giả: Thống Nhất Lượt xem: 463
Bên cạnh lợi ích từ trong học tập, nghiên cứu, hệ lụy từ môi trường số đối với sinh viên ngày càng phức tạp. Nếu không kịp thời tuyên truyền, giáo dục thì nguy cơ rủi ro đối với sinh viên nói riêng và xã hội nói chung là rất lớn.
Nhằm tăng tính cảnh báo với những tác động xấu với sinh viên khi sử dụng internet, ngày 30-10, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Anh quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm “An toàn không gian mạng cho sinh viên”. Nhận diện các nguy cơ rủi ro khi sử dụng internet, các ý kiến tại tọa đàm cũng thông tin về giải pháp nhằm tăng "sức đề kháng", bảo đảm an toàn cho sinh viên.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm cho thấy bức tranh khá toàn diện về những lợi ích cũng như nguy cơ rủi ro đối với sinh viên khi sử dụng internet. Ngoài ra, dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp bảo vệ cho người dùng mạng internet, song diễn biến phức tạp hiện nay của các loại tội phạm trực tuyến có thể kéo theo nhiều nguy cơ khó lường, nhất là với sinh viên - đối tượng thường xuyên sử dụng internet. Trong khi đó, không phải sinh viên nào cũng có đủ nhận thức, kỹ năng ứng phó.
Cảnh báo nguy cơ với giới trẻ, ông Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông tin, hiện có 77,93 triệu người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam, độ tuổi trung bình của người sử dụng là 32,4 tuổi. Khi tham gia không gian mạng, giới trẻ có thể gặp những nguy cơ như: Bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt trực tuyến, quấy rối và các tệ nạn khác (như buôn bán người, nghiện game…) hoặc tiếp xúc với tin giả.
Lê Bảo Ngọc Minh, sinh viên Trường Đại học Anh quốc Việt Nam chia sẻ, các em thường gặp 3 hình thức rắc rối, gồm các cuộc gọi rác; bị lấy cắp thông tin hoặc bị tạo tài khoản "fake" trên mạng xã hội; nhận được tin nhắn công kích, bình luận tiêu cực.
Theo Ngọc Minh, khó giải quyết nhất đối với sinh viên là những tin nhắn công kích cá nhân, vì có những điều riêng tư, bản thân em và các bạn chưa biết sẽ phải mở lòng với cha mẹ thế nào.
Cá nhân Ngọc Minh và nhóm bạn từng gặp rắc rối khi sử dụng tài khoản instagram và cũng loay hoay, thậm chí cũng đã trình bày với giáo viên chủ nhiệm, nhưng cô giáo không sử dụng nền tảng này.
Làm gì để bảo vệ sinh viên?
Xác định các nguy cơ có thể tấn công nếu sinh viên thiếu kiến thức, kỹ năng, ý kiến các đại biểu dự tọa đàm cũng chia sẻ các giải pháp trong từng tình huống cụ thể mà sinh viên có thể gặp phải, đồng thời có những định hướng chung để học sinh, sinh viên có thể tự trang bị để tăng “sức đề kháng”, tự bảo vệ mình.
Bà Đinh Như Hoa, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục vừa ban hành cẩm nang giúp người dân phòng tránh các hình thức lừa đảo trực tuyến. Trong cẩm nang có nêu 13 hình thức lừa đảo mà sinh viên, học sinh thường gặp, đồng thời có hướng dẫn xử lý cụ thể. Đây là những nội dung được tổng hợp từ các cuộc gọi phản ánh mà Cục nhận được thời gian qua. Nội dung này đã được tuyên truyền rộng rãi để sinh viên cập nhật, phòng tránh.
Để chặn các tin nhắn, cuộc gọi không mong muốn, sinh viên soạn tin theo cú pháp: DK DNC gửi tới 5656. Sau khi đăng ký mà các em vẫn nhận các tin nhắn, cuộc gọi không mong muốn, cần có phản hồi kịp thời đến cơ quan chức năng như nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc lực lượng công an.
Theo bà Đinh Như Hoa, khó có thể dọn sạch ngay được những tin nhắn, cuộc gọi “rác” vì hình thức của loại hình này rất đa dạng và biến tướng, nay hình thức này, mai hình thức khác. Việc người dùng mạng có phản hồi là dữ liệu để cơ quan quản lý có sự điều chỉnh kịp thời để quản lý chặt chẽ hơn.
Chia sẻ phương pháp giúp sinh viên xử lý các rắc rối trên không gian mạng, Tiến sĩ Hamza Mutaher, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam chia sẻ: Khi nhận được những tin nhắn quấy rối, sinh viên cần chụp màn hình cuộc hội thoại; tiếp theo là khóa (block) tài khoản đó, rồi nói với những người mình có thể tin tưởng để nhận được sự hỗ trợ. Sinh viên không cần thiết chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, cần chọn lọc thông tin nên và không nên công khai.
Tương tự, ông Nguyễn Nhất Linh cũng cho rằng, khi gặp sự cố, sinh viên cần nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và xã hội, chứ không nên im lặng. Để có căn cứ xử lý vụ việc, nạn nhân có trách nhiệm phản hồi, lên tiếng, cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Linh, điều trước tiên là sinh viên cần chủ động trang bị kỹ năng để bảo vệ mình. Ngày 14-10 vừa qua, Trung ương Đoàn đã phát động cuộc vận động "Ứng xử văn minh trên không gian mạng” nhằm tạo sự chuyển biến trong đoàn viên, thanh thiếu niên về ý thức, trách nhiệm đối với việc ứng xử với những thông tin trên mạng xã hội.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, để thực hiện tốt việc tăng cường an ninh mạng, cần có ba nhóm: Nhóm xây dựng chính sách, nhóm xây dựng môi trường và nhóm tăng cường nhận thức cho người sử dụng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình hành động về nội dung này và đặt mục tiêu cụ thể, trong đó mong muốn tác động đến toàn bộ các bậc giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học.
Theo ông Dũng, thời gian qua, các nội dung liên quan đến việc hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên khi sử dụng internet cũng được các nhà trường lồng ghép vào các môn học chính khóa và tổ chức nhiều chuyên đề nhằm định hướng, giúp học sinh, sinh viên nhận biết, có kỹ năng ứng xử văn minh và xử lý hiệu quả các tình huống có vấn đề khi tương tác trên không gian mạng.
Bộ cũng đang hoàn thiện để sớm ban hành thông tư về năng lực số để đưa vào nhà trường từ cấp tiểu học đến đại học với mục tiêu nâng cao kỹ năng cho học sinh, sinh viên khi sử dụng internet.
Theo báo Hànộimới
https://hanoimoi.vn/tang-suc-de-khang-cho-sinh-vien-tren-khong-gian-mang-646475.html