Tăng thu nhập cho người trồng lúa
09/09/2024 | Tác giả: PV Lượt xem: 87
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa được xem đã mở sang trang mới cho ngành hàng lúa gạo.
Giảm giống xuống còn 60 kg/ha, giảm phân bón, giảm số lần xịt thuốc xuống còn 2 lần/vụ là điều bà con chỉ nghĩ chứ hiếm người dám thực hiện. Vì tập quán bao đời nay lo ngại sẽ không đạt năng suất do lúa quá thưa, rồi sâu rầy. Nhưng "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đã giúp bà con thực hiện được suy nghĩ đó.
Những tấn lúa giảm phát thải đầu tiên từ mô hình thí điểm ở TP. Cần Thơ đã được thu hoạch, mang lại sự tin tưởng, phấn khởi cho người dân. Năng suất lúa đạt từ 6,1 - 6,5 tấn, trong khi canh tác truyền thống chỉ đạt 5,9 tấn/ha. Lợi nhuận tăng thêm từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận, TP. Cần Thơ cho biết: "Khi vùi phân như vậy, bơm nước vào, cây lúa cứ tốt lên. Chi phí đầu vào giảm từ 10-15%, đương nhiên nó cũng tăng từ 10-15% trở lên theo lợi nhuận".
Rồi những diện tích thí điểm ở mô hình của Sóc Trăng lại được thu hoạch, tiếp tục gia tăng thêm niềm tin của bà con với Đề án. Lượng giống gieo sạ chỉ còn 60 kg/ha; giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm khoảng 40% lượng đạm bón cho lúa. Đặc biệt, lợi nhuận tăng thêm đạt trên 32%.
Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Hưng Lợi, huyện Long Phú, Sóc Trăng chia sẻ: "Giảm giống được, bà con sẽ giảm được lượng phân bón, kéo theo giảm thuốc bảo vệ thực vật. Giảm đầu vào sẽ tăng lợi nhuận cộng thêm cho hộ sản xuất".
Một trong những điều hướng tới nữa của Đề án là giảm được lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất. Tùy từng vụ và điều kiện thổ nhưỡng mỗi địa phương, việc áp dụng rút nước trên đồng có thể ít hơn so với yêu cầu, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt.
PGS.TS. Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp nhận định: "Áp dụng triệt để biện pháp giảm phát thải, chúng ta có thể đạt được lượng giảm phát thải rất tốt, có thể lên đến 10 tấn. Trong mô hình này, có một ruộng đạt 16 tấn/ha, một ruộng 12 tấn/ha. Đây là một mô hình rất giá trị".
Thành công bước đầu của đề án đã tạo được niềm tin với bà con nông dân, giúp mọi người yên tâm tham gia. Toàn bộ sản lượng lúa thí điểm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường. Đó là chưa kể đến hiệu quả kinh tế sau này khi được gắn thương hiệu lúa giảm phát thải.
Các bên tiếp tục đồng hành cùng đề án
Điều mà Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mong muốn là những thành quả này mọi người dân sẽ được hưởng thông qua quá trình áp dụng vào sản xuất lúa. Thành công của Đề án đã tạo sức lan tỏa và nhận được sự đồng hành tiếp tục từ các tổ chức Quốc tế, doanh nghiệp và người trồng lúa.
Ông Lâm Hoàng Hưng - Hợp tác xã Mỹ Thuận, Sóc Trăng cho biết: "Hiệu quả kinh tế rất cao về chất lượng và năng suất, không riêng gì chất lượng. Rất nhiều lợi ích như công cán, sức khỏe. Tới đây nông dân áp dụng sẽ rất tốt".
Ông Trương Thành Trung - Tổng Giám đốc Công ty MTK chia sẻ: "Chương trình này rất ý nghĩa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập cũng như áp dụng mô hình canh tác một cách khoa học hơn. Qua việc áp dụng phương pháp khoa học là vùi phân, nó tiết kiệm được lượng phân bón. Thay vì trước đây người ta sử dụng 1 ha là 10 bao thì giờ giảm 30%, còn 7 bao".
Ông Lê Hải Triều - Giám đốc xây dựng vùng trồng lúa sạch, Công ty Hoàng Minh Nhựt nêu ý kiến: "Tham gia chương trình này, lượng lúa chúng tôi mang về đạt chất lượng khách hàng mong muốn. Thứ hai là góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính cũng như hỗ trợ cho bà con nông dân, thu nhập càng cao hơn".
Bà Joannakane-Potaka - Phó Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế đưa ra nhận định: "IRRI đang làm việc chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện thành công dự án đầu tiên, lớn nhất thế giới trong trồng lúa chất lượng cao và giảm phát thải. Thông qua đề án này, IRRI cũng mong hỗ trợ tốt nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân, kết hợp giảm phát thải khí nhà kính".
Nhân rộng 200.000 ha lúa đến năm 2025
Như vậy từ những mô hình triển khai ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh đã cơ bản đạt được mục tiêu như giảm 30% chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, giảm 10% lượng khí nhà kính. Đó không chỉ là giá trị tăng thêm mà là minh chứng cho sự thay đổi về tư duy canh tác theo hướng xanh, bền vững.
Tại hội nghị sơ kết 7 mô hình thí điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, hai mục tiêu lớn nhất của Đề án là giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người nông dân. 12 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhân rộng khoảng 200.000 ha từ nay đến năm 2025.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Đã bắt đầu hình thành được từ cơ sở thực tiễn về mô hình liên kết giữa doanh nghiệp đầu vào với HTX, với bà con nông dân và doanh nghiệp thu mua lúa. Đây là chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp đang chỉ đạo quyết liệt để xây dựng cơ chế liên kết sản xuất. Những mô hình này đã bắt đầu có cơ sở thực tiễn và doanh nghiệp, nông dân và HTX tự động liên kết với nhau".
Dù là nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, nhưng trước biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng, hạt gạo Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rất cần có sự thay đổi. Trong bối cảnh đó, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa được xem đã mở sang trang mới cho ngành hàng lúa gạo. Hay nói cách khác, thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/tang-thu-nhap-cho-nguoi-trong-lua-20240908103640043.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn