Triển vọng kinh tế tích cực hơn
09/09/2024 | Tác giả: Phương Anh Lượt xem: 50
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và tiếp tục đạt mức 6,5% trong hai năm tiếp theo. Nền kinh tế vẫn duy trì được khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng.
Báo cáo Điểm lại công bố tháng 8/2024 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.
Kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng
Trong Báo cáo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) dự báo năm 2024, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% và đạt mức tăng cao hơn là 6,5% trong các năm 2025, 2026. Như vậy, so với tốc độ tăng trưởng 5% đạt được trong năm 2023, nền kinh tế đang phục hồi và được kỳ vọng có mức tăng trưởng cao hơn.
Dự báo của WB đã xét đến giả định xuất khẩu vẫn tăng trưởng nhưng sẽ chững lại so với tốc độ phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm ngoái, trong khi thị trường bất động sản sẽ xoay chiều sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024. Đáng lưu ý, WB nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam là tích cực, với cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng.
Rủi ro của nền kinh tế, theo dự báo của WB, có thể đến từ yếu tố bên ngoài và cả ở trong nước. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao với kinh tế toàn cầu, nếu tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc thấp hơn dự báo sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Ở trong nước, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, gây bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu, WB cũng đề cập khả năng thiếu hụt nguồn cung năng lượng có thể xảy ra nếu thời tiết nắng nóng diễn biến bất thường làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Tuy nhiên, WB cho rằng Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ từ những diễn biến tích cực hơn.
Đó là chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của các nền kinh tế lớn đang được bắt đầu tại các nước châu Âu, kết hợp với khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ vào tháng 9/2024 có thể tác động thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam, góp phần giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND/USD, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam.
Giữ vững đà phục hồi
Đánh giá chung về tình hình kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định nền kinh tế nước ta đã phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, trong khi các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng quý III đạt kịch bản 6,5-7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Trong khi đó, WB cũng nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhưng chưa thể trở lại như mức trước đại dịch: Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng bình quân 11,6% ghi nhận trước đại dịch.
Tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân dù có cải thiện trong nửa đầu năm 2024 (tăng 3,9%) song vẫn thấp hơn mức bình quân hằng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017-2019. Mức tăng của đầu tư công cũng chững lại còn 4% trong nửa đầu năm 2024, so với mức 20,5% trong nửa đầu năm 2023. Vấn đề khác của nền kinh tế Việt Nam là nợ xấu cao trong bối cảnh tín dụng không tăng trưởng mạnh; khối lượng phát hành trái phiếu đang tăng trở lại nhưng áp lực trả nợ trái phiếu vẫn cao.
Ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính.
Trong điều kiện nền kinh tế chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh. Về dài hạn, cải cách cơ cấu có vai trò sống còn để duy trì triển vọng tăng trưởng bền vững đối với nền kinh tế.
Các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh những cải cách cơ cấu nhằm tăng cường môi trường pháp quy trong các dịch vụ trụ cột quan trọng để “xanh” hóa nền kinh tế, tạo dựng vốn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó là các giải pháp tiếp tục đa dạng hóa thương mại, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại khu vực để giảm nguy cơ với tình trạng chia rẽ thương mại toàn cầu và bảo đảm tăng trưởng có khả năng chống chịu tốt hơn.
Trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng cố cân đối ngân sách. Lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Nguồn: Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới tháng 8/2024
Theo Nhân dân
https://nhandan.vn/trien-vong-kinh-te-tich-cuc-hon-post829442.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn