Thênh thang "sân chơi" cho thị trường thương mại điện tử

Thênh thang "sân chơi" cho thị trường thương mại điện tử

20/11/2021 | Tác giả: Vũ Khuê Lượt xem: 414


Tỷ lệ người dùng internet thực hiện mua sắm trực tuyến tại Việt Nam là 71% cao hơn Philippines (68%). Trong 8 triệu người mới tham gia nền kinh tế số thì gần 100% cho biết vẫn tiếp tục mua sắm online trong tương lai...

Thênh thang
Gia tăng xu hướng mua sắm online kể từ đại dịch.

Covid-19 tạo ra nhiều đứt gãy, nhiều khó khăn tuy nhiên nó cũng tạo ra nhiều cơ hội, đặc biệt cơ hội thương mại điện tử phát triển mạnh. Theo nhận định của các chuyên gia, Covid-19 giúp đẩy quá trình phát triển thương mại điện tử nhanh hơn 2-3 năm so với không có dịch.

QUY MÔ THỊ TRƯỜNG TĂNG GẤP ĐÔI

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, trong những năm qua, tỷ lệ người dân sử dụng internet, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm doanh thu thương mại điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua.

Nếu như năm 2016, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 con số này đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Tại hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam cũng đồng tình với tiềm năng này.

Dẫn báo cáo mới nhất từ Google Temasek và Bain & Company, ông Hoàng chỉ rõ, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 29% từ nay đến 2025. Năm 2025 doanh thu từ lĩnh vực này tại Việt Nam dự đoán đạt 57 tỷ USD so với mức 21 tỷ USD năm 2021.

“Như vậy quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong 4-5 năm tới tăng gấp đôi so với hiện thời. Thị phần của thương mại điện tử trong tổng thương mại bán lẻ của Việt Nam tăng từ 7% hiện thời lên khoảng 20% năm 2025 -2026”, ông Hoàng cho hay.

Trong khi đó, theo phản ánh của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số năm 2020 đạt 8,2% GDP, dự kiến năm 2025 con số này lên tới 20% GDP cả nước.

Hơn nữa, tỷ lệ người dùng internet thực hiện mua sắm trực tuyến tại Việt Nam là 71% - cao hơn 68% ở Philippines. “Tuy so với mức cao của thị trường Đông Nam Á là 80% thì chúng ta vẫn còn thấp hơn so với Thái Lan, Singapore, Malaysia… Nhưng khoảng cách để chúng ta lên được mức 80 và tiệm cận với Thái Lan, Singapore là rất gần”, ông Hoàng đánh giá.

Dự kiến tỷ trọng kinh tế số năm 2025 của Việt Nam lên tới 20% GDP cả nước

Mặt khác, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến trong tương lai vẫn tiếp tục tăng lên. Việt Nam có thêm 8 triệu người tham gia nền kinh tế số. Với những người đã mua trực tuyến một lần thì gần 100% cho biết vẫn tiếp tục mua sắm trực tuyến trong tương lai.

Điều này chứng tỏ số lượng người thực hiện giao dịch trực tuyến cũng như số người mua sắm và tiếp tục mua sắm vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển trong 4-5 năm tới.

LÀN SÓNG “MUA SẮM TRẢ THÙ” SẼ TRỖI DẬY

Không những thế, đại dịch đã tái định hình hành vi mua sắm của người tiêu dùng, sự e dè mua sắm online giảm đi. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2 trong chỉ số tăng trưởng người tiêu dùng trực tuyến tăng 8% so với năm 2020. Theo báo cáo trong quý 3/2021 của Lazada Việt Nam, số lượng đơn hàng trên Lazada tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2020.

Hơn nữa, có tới 76% người bán hàng thương mại điện tử lạc quan về nền kinh tế số của Việt Nam trong quý 4/2021 cũng như năm 2022. Số lượng nhà bán hàng mới lên sàn tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sendo cũng cho rằng, tại Việt Nam, thương mại điện tử tiếp tục là ngành dẫn đầu về tăng trưởng kép với 68% (2020-2021) trong tổng nền kinh tế số.

Dự đoán trong vòng 6 tháng tới sẽ có sự thay đổi đặc biệt lớn về hành vi của người tiêu dùng, chuyển đổi mua sắm truyền thống lên mua sắm số. Sẽ có làn sóng “mua sắm trả thù” – khi người dân đi qua đại dịch do thời gian dài không được tiếp cận hàng hoá thì có bộ phận sẽ mua sắm nhiều hơn.

Còn theo đại diện Lazada, thời gian tới sẽ xuất hiện 3 nhóm tiêu dùng mới và ngày càng phổ biến ở thị trường Việt Nam.

Đầu tiên là nhóm người có thu nhập tốt và tiếp tục có nhu cầu mua sắm. Trong bối cảnh đại dịch nhất là đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam, họ vẫn điều chỉnh chi tiêu cho ngành thiết yếu. Sau khi giãn cách họ sẽ tiếp tục chi tiêu và chi tiêu cho những nhu cầu mới nảy sinh như giải trí, chăm sóc sắc đẹp- ngành hàng này sẽ tiếp tục tăng trong giỏ mua sắm của họ.

Nhóm người thu nhập thấp hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có thể trong 6 tháng - 1 năm mới có thể trở lại nhu cầu tiêu dùng như trước đại dịch.

Và nhóm giữ nguyên hành vi mua sắm sau đại dịch nhưng tập trung mua sắm những thứ thực sự cần thiết, hạn chế những tiêu dùng ảnh hưởng xấu đến môi trường để phát triển bền vững hơn.

Do đó, chuyển đổi số đã không còn là một lựa chọn. Giờ đây chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, bắt buộc với các loại hình doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá thể.

Song theo ông Dũng, doanh nghiệp Việt nên chớp thời cơ, chuyển đổi số lên thương mại điện tử. Bởi hiện nay doanh nghiệp trong nước đang chậm chân so với các thương hiệu quốc tế, bỏ lỡ cơ hội khi chậm chân với số hoá.

Nghiên cứu về hàng Việt trên kênh thương mại điện tử năm 2020-2021 của iPrice cho thấy, các sản phẩm mang thương hiệu Việt chiếm chưa đến 20% trong top các sản phẩm bán hàng chạy nhất trên kênh thương mại điện tử.

Theo Báo Vneconomy

https://vneconomy.vn/thenh-thang-san-choi-cho-thi-truong-thuong-mai-dien-tu.htm


Chia sẻ trên

20/11/2021 | Tác giả: Thanh Thương

Giá thực phẩm đang 'leo thang'

Người dân lẫn người kinh doanh đều bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều đồng loạt tăng trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

19/11/2021 | Tác giả: Hương Anh

Rau củ Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan tăng mạnh bất chấp dịch bệnh

Những tháng vừa qua, rau củ Việt Nam nhập khẩu vào Đài Loan tăng mạnh. Việt Nam cũng đang là nước cung cấp rau củ lớn nhất cho thị trường này.

17/11/2021 | Tác giả: H.Duy

Chuyển đổi số, thay chất trên thị trường lao động

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi trên thị trường lao động, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...