Thời buổi khó khăn, Vietnam Airlines (HVN) mở thêm sàn TMĐT: Phục vụ việc đi chợ đến bán cơm, bánh mì, trà sữa, rượu vang….
22/11/2021 | Tác giả: Tri Túc Lượt xem: 326
Động thái mở rộng ngành hàng sang bán lẻ trên sàn TMĐT của Vietnam Airlines diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch, đặc biệt Công ty khi vốn chủ sở hữu hiện đã chính thức về mức âm hàng ngàn tỷ.
Ghi nhận thông tin từ Vietnam Airlines (HVN), hãng vừa ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) VnaMall, cung cấp dịch vụ đi chợ cuối tuần với 300 sản phẩm, từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines … Hiện, dịch vụ được Công ty phục vụ tại hai thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội.
Khách hàng có thể đặt mua các loại đồ ăn trong nhóm "ẩm thực trên mây" như rượu vang hạng Thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ là các loại bánh mỳ.
VnaMall cũng bỏ ngỏ sự kiện sắp ra mắt mặt hàng mới đồng thương hiệu Vietnam Airlines như ly thuỷ tinh, ấm nước…
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng bày bán thẻ quà tặng VNA Gift Card. Loại thẻ này có thể dùng để đổi sang vé máy bay hoặc quyền lợi nâng hạng Thương gia trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco.
Động thái mở rộng ngành hàng sang bán lẻ trên sàn TMĐT của Vietnam Airlines diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch, đặc biệt Công ty khi vốn chủ sở hữu hiện đã chính thức về mức âm.
Kết thúc nửa đầu 2021, tổng doanh thu của Vietnam Airlines giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm 30/6/2021, Công ty lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng và hiện đã âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng.
Ghi nhận trên BCTC soát xét, kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Khi, Vietnam Airlines hiện đã âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế, ngoài ra nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 30/6 đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34.664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn lên tới 14.805 tỷ và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ.
Theo kiểm toán khả năng hoạt động liên tục của Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.
Từ đầu năm, để giải quyết tình trạng âm vốn, Vietnam Airlines đã tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng được vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, hãng hàng không quốc gia cũng lên kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008 và lùi thời gian nhận tàu bay mới.
Trước đó, Vietnam Airlines từng công bố dự định thêm các ngành nghề: Cho thuê xe có động cơ; bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet; chuyển phát; vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình...
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị
Thời buổi khó khăn, Vietnam Airlines (HVN) mở thêm sàn TMĐT: Phục vụ việc đi chợ đến bán cơm, bánh mì, trà sữa, rượu vang…