Thu hẹp “lệch pha” cung - cầu lao động
30/07/2022 | Tác giả: Xuân Tình - Minh Tuấn Lượt xem: 268
Trong nhiều năm trở lại đây, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Chiếm khoảng 13% dân số, thường xuyên đóng góp khoảng 22 - 25% GDP và khoảng 25 - 27% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, nâng cao chất lượng tăng trưởng hơn nữa, TP.HCM đang phải nỗ lực để thu hẹp “lệnh pha” cung- cầu lao động, trong đó hướng tới lao động có hàm lượng chất xám cao.
Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định, hiện nay lực lượng lao động (LĐ) Thành phố đạt 4,7 triệu người, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện dựa trên 3 chỉ số trong đó có chỉ số năng suất LĐ đứng đầu cả nước, cao hơn 2,7 lần so với bình quân cả nước. Tốc độ tăng năng suất LĐ của TP.HCM bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,2%/năm, cao hơn bình quân cả nước là 5,85%/năm.
Tỷ lệ LĐ qua đào tạo của Thành phố năm 2020 là 85%, tỷ lệ LĐ có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%). Chỉ tính riêng Khu Công nghệ cao, năng suất LĐ năm 2020 tại đây đã bằng 6,6 lần trung bình của TP.HCM và bằng khoảng 16,6 lần trung bình của cả nước.
Điều này càng được chứng minh rõ nét và thuyết phục hơn khi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vừa trải qua các đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Chính lực lượng LĐ dồi dào, năng suất LĐ cao là động lực để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2022, tạo bệ phóng hết sức quan trọng để Thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ cho cả năm 2022, nhất là trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, dịch vụ vừa bắt đầu hồi phục sau khi chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề
Còn nhớ năm 2021 là năm đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, nền kinh tế lớn nhất nước tăng trưởng âm tới 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%. Có tới 13/29 chỉ tiêu không hoàn thành. Nguyên nhân là do sức càn quét dữ dội của đại dịch Covid-19, thị trường thu hẹp, hoạt động doanh nghiệp co cụm trong khi lực lượng LĐ ồ ạt dịch chuyển từ TP.HCM về các địa phương, gây cảnh thiết hụt nhân lực trầm trọng chưa từng thấy tại thị trường LĐ được đánh giá là sôi động bậc nhất cả nước.
Tuy nhiên bước sang năm 2022 TP.HCM cùng cả nước đã nỗ lực triển khai các giải pháp chống dịch hiệu quả, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Sau đại dịch Covid-19, đông đảo lực lượng LĐ rời TP.HCM đã quay trở lại Thành phố, hăng say lao động, cống hiến. Nhờ thế kinh tế Thành phố trong quý 1, quý 2/2022 đã bắt nhịp tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM ước đạt 511.910 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2021. Từ mức giảm sâu quý 3 và 4/2021 lần lượt ở mức -24,97%, -11,64% đến quý 1 và quý 2/2022 tăng lần lượt 1,88% và 5,73%, đặc biệt tăng trưởng quý 2/2022 tăng hơn 3 lần so với quý 1/2022 cho thấy kinh tế Thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng.
Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản lực lượng LĐ trên địa bàn TP.HCM đã ổn định trở lại. Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza): Sau Tết và sau khi Thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ LĐ quay trở lại đạt 96%. Một tín hiệu đáng mừng cho nên kinh tế lớn nhất cả nước liên quan đến LĐ là việc gia tăng tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 20.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 254.000 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ. Riêng đầu tư FDI thu hút được 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp mới thành lập, trong đó có các doanh nghiệp FDI sẽ có nhu cầu nhân lực rất lớn, nhất là LĐ có chuyên môn, chất lượng cao.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam mà hạt nhân trung tâm là TP.HCM có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. So với cả nước, diện tích của Vùng chỉ chiếm 9,2%, dân số chiếm 22% nhưng GRDP chiếm hơn 35% cả nước, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần. Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, có sức hút lớn nhất cả nước về dân số, lao động.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Một trong những nguyên nhân là nguồn nhân lực cho phát triển Vùng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Thị trường LĐ đông đảo về số lượng, giá nhân công rẻ đã không hấp dẫn nhiều nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp vẫn đang “khát” LĐ chất lượng cao trong khi nguồn cung chưa đáp ứng được nhiều. Đây sẽ là yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, khiến nền kinh tế TP.HCM nói riêng và Vùng nói chung khó đạt được những đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhận thấy được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như những hạn chế trong nguồn cung LĐ hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đề ra mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng năng suất LĐ xã hội bình quân của Thành phố đạt 7%/năm, đến năm 2025 tỷ lệ LĐ đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số LĐ đang làm việc. Thành phố đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất LĐ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trí Thức, Giám đốc Công ty TNHH Trí Dũng (sản xuất cơ khí chính xác) cho biết: Công ty thường xuyên đăng tuyển nhân viên gia công cơ khí, kỹ sư cơ khí với đãi ngộ tốt, tuy nhiên lượng LĐ ứng tuyển chủ yếu là LĐ bán chuyên, không có bằng cấp hoặc sinh viên mới ra trường, chỉ đáp ứng được 50%-60% khối lượng công việc.
“Một kỹ sư cơ khí sử dụng được máy móc công nghệ cao có thể làm được khối lượng công việc gấp 3 - 4 LĐ phổ thông. Tuy nhiên, lực lượng LĐ chất lượng cao lại khan hiếm và thường tập trung ở các công ty nước ngoài hoặc ở các doanh nghiệp lớn với đội ngũ chuyên nghiệp và đãi ngộ cao. Chính vì vậy, để giữ chân hay lôi kéo được lực lượng này là điều không dễ”, ông Trần Trí Thức cho hay.
Đồng quan điểm, đại diện Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam cho biết: Những năm qua nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao, nhân sự có kỹ năng của doanh nghiệp tại Việt Nam không ngừng gia tăng đến từ đa ngành nghề, tuy nhiên nguồn cung lại rất ít, không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay lực lượng LĐ chất lượng cao đóng vai trò chủ yếu và rất quan trọng trong việc tiếp thu công nghệ, nhưng trên thực tế nguồn nhân lực này vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng kịp những thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đội ngũ LĐ ở nước ta chỉ một số ít LĐ có trình độ, tay nghề, tác phong công nghiệp của lực lượng LĐ nước ta vẫn còn non yếu, thiếu tính chuyên nghiệp.
Để xây dựng được nguồn LĐ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và các tổ chức, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh, người LĐ phù hợp phát triển thị trường LĐ theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập… Hạn chế mất cân đối, thừa thiếu trong nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, thành phần kinh tế./.
Theo báo Lao Động Thủ Đô
https://laodongthudo.vn/thu-hep-lech-pha-cung-cau-lao-dong-143659.html