Tổ hợp tác làm du lịch sinh thái vườn
19/07/2024 | Tác giả: Bảo Ngọc Lượt xem: 124
Hiện nay, du lịch sinh thái nhà vườn đang thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm. Tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, những thành viên trong Tổ Hợp tác Nhãn xuồng cơm vàng đã chủ động tìm ra những hướng đi mới để nhãn xuồng cơm vàng ngày càng mang lại giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân. Và rồi những trái nhãn ngọt lành nơi này đang mời gọi du khách phương xa ghé thăm.
Tư duy hướng đi mới
Nhãn chính vụ, giá bán sẽ không cao. Chính vì vậy mà người thanh niên Nguyễn Quốc Trường – Tổ trưởng Tổ nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải đã quyết định áp dụng kỹ thuật chong đèn làm nhãn trái vụ. Anh Trường cho biết: Từ lâu, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chong điện xử lý nghịch vụ cho trái thanh long, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Câu hỏi, “cách làm này liệu có thực hiện được trên cây nhãn hay không?”, cứ thôi thúc trong đầu anh, để rồi từ đó anh hình thành nên ý tưởng “treo đèn sưởi ấm cho nhãn trái vụ”. Theo đó, 1 ha với 250 cây nhãn xuồng của gia đình, anh Trường đã thử nghiệm theo phương thức này. “Ban đầu, tôi treo đèn cho nhãn xuồng, mỗi cây treo hai bóng đèn led 12 W trên phần tán sum suê để kích thích ra bông nghịch vụ trong mùa đông. Tỷ lệ ra bông, đậu trái lên đến 90%, tăng hơn nhiều so với những vườn nhãn chỉ sử dụng thuốc kích thích mà không chong điện”, anh Trường chia sẻ. Anh Trường cũng cho biết, lần đầu tiên thử nghiệm cách làm này nhưng nhận thấy, năng suất không chỉ ổn định mà giá bán nghịch vụ cực kỳ tốt. “Với 250 cây nhãn sau khi chong đèn, bán được 6 tấn. Do làm trước mùa nhãn chính vụ, nên giá dao động từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, trong khi đó nhãn chính vụ giá chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng/kg”, anh Trường nói.
Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải thành lập đi vào hoạt động từ năm 2020 đến nay. Hiện nay, tổ có 4 thành viên với diện tích canh tác hơn 12 ha nhãn xuồng cơm vàng. Năm 2020, sản phẩm nhãn tươi của Tổ hợp tác được công nhận OCOP 3 sao và đầu năm 2024 Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải được tái cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao lần hai. Hiện các thành viên trong tổ đều áp dụng phương thức sản xuất nghịch vụ và rải vụ, thu hoạch trước hoặc sau thời điểm chính vụ, bởi như vậy dễ dàng tiêu thụ và nông sản bán “được giá”.
Du khách ghé thăm và trải nghiệm
Nếu như ở Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) vào dịp hè, đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các loại trái cây tại vườn như: sầu riêng, măng cụt, bơ… thì tại Thắng Hải (huyện Hàm Tân), Tổ hợp tác Nhãn xuồng cơm vàng cũng đã liên kết với đơn vị du lịch khu vực Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa khách đến tham quan những vườn nhãn nghịch vụ có trái chín trên địa bàn và nhận được phản hồi tích cực từ du khách.
Chị Hoàng Thị Thanh Ngoan (du khách Vũng Tàu) cho biết, chị cùng gia đình đã có những trải nghiệm hết sức thú vị khi đến với những vườn nhãn ở xã Thắng Hải. “Cảm giác được hái và thưởng thức những trái nhãn ngay tại vườn rất thích thú. Đặc biệt là các cháu nhỏ có một kỳ nghỉ hè trải nghiệm thực tế bổ ích về cuộc sống của người nông dân. Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những chuyến dã ngoại đối với các gia đình. Chúng tôi sẽ quay trở lại vào mùa nhãn tới”, chị Ngoan vui vẻ nói thêm.
Ông Trần Kim Trung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, cho biết, hiện đã có hơn 10 đoàn với khoảng 100 du khách đến check–in thưởng thức nhãn tươi và sản phẩm nhãn sấy tại vườn với giá vé 50.000 đồng người lớn, còn trẻ em miễn phí. Nhãn mua về sẽ tính theo thời giá thị trường. Ở chuỗi cung ứng dịch vụ này đã bán trên 100 kg nhãn tươi và 50 kg nhãn sấy khô từ các vườn nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải công nhận OCOP 3 sao. “Đây là hướng đi tích cực, vừa giúp nhà nông tiêu thụ sản phẩm, vừa góp phần đánh thức tiềm năng du lịch địa phương. Tuy nhiên, ngoài nhãn tươi đã được chứng nhận OCOP, thì cũng mong muốn chính quyền các cấp quan tâm chứng nhận nhãn xuồng sấy khô để có thương hiệu, từ đó quảng bá đến với khách du lịch, để khách du lịch thấy được sản phẩm của bà con làm ra đảm bảo chất lượng. Từ đó, tạo cơ hội cho đặc sản quê hương phát triển vươn xa hơn”, ông Trung chia sẻ thêm.
Có thể nói, bằng sự nhạy bén của mình, người nông dân trồng nhãn ở xã Thắng Hải đã trực tiếp tham gia vào việc phát triển du lịch nông thôn. Loại hình này không chỉ góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến Bình Thuận mà còn góp phần quảng bá sản vật địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân vùng nông thôn.
Theo Báo Bình Thuận
https://baobinhthuan.com.vn/to-hop-tac-lam-du-lich-sinh-thai-vuon-121482.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn